(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 14/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 38.468.422 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.092.449 ca tử vong. Số bệnh nhân hồi phục hiện nay là 28.913.702 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 22h ngày 12/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 37.835.155 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.082.570 ca tử vong.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với 8.099.613 ca nhiễm và 221.012 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 7.251.918 ca nhiễm và 110.724 ca tử vong, và Brazil với 5.114.823 ca nhiễm và 151.063 ca tử vong.
Tại châu Á, giới chức Indonesia đã ghi nhận thêm 4.127 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 344.749 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 129 ca lên 12.156 ca, đây là mức cao nhất kể từ ngày 30/9 vừa qua.
Tại Malaysia, nhà chức trách đã ghi nhận thêm 660 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 17.540 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 4 ca lên 167 ca. Thủ đô Kuala Lumpur hiện đã siết chặt hạn chế đi lại trong 2 tuần.
Tại Philippines, nước này đã có thêm 1.910 ca nhiễm mới trong ngày 14/10, mức thấp nhất trong 3 tuần, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 346.536 ca. Số ca tử vong đã tăng thêm 78 ca lên 6.449 ca.
Tại châu Âu, tình hình dịch có diễn biến phức tạp khi Nga, Ba Lan, Croatia và Slovenia đều ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong ngày, trong khi nhiều nước phải siết chặt các biện pháp hạn chế.
Tại Nga, Thị trưởng thành phố Moskva Sergei Sobyanin cho biết chính quyền thủ đô sẽ áp dụng hình thức học trực tuyến cho học sinh lớp 6 đến lớp 11 trong 2 tuần kể từ ngày 19/10 nhằm khống chế dịch COVID-19.
Trong khi đó, CH Séc đã bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế mới phòng chống COVID-19, theo đó tất cả các nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ, phòng tập thể thao, vật lý trị liệu… phải đóng cửa đến ngày 3/11. Cũng theo quy định mới, tất cả các trường học tại Séc, ngoại trừ trường mẫu giáo, sẽ đóng cửa từ ngày 14 - 23/10.
Tại Romania, kể từ ngày 15/10, chính phủ sẽ cấm tất cả các sự kiện trong nhà và ngoài trời do người dân tự tổ chức; yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm công cộng tại những thị trấn có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 trung bình trong 2 tuần qua vượt 3 ca/1.000 dân.
Tại Vương quốc Anh, chính quyền Bắc Ireland đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 4 tuần trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh. Toàn bộ ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa, ngoại trừ các doanh nghiệp bán thực phẩm mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông chưa có chủ trương triển khai lệnh phong tỏa toàn diện ở xứ England bất chấp lời kêu gọi của lãnh đạo phe đối lập.
Tại Tây Ban Nha, vùng Catalonia đã yêu cầu đóng cửa các quán rượu và nhà hàng trong 15 ngày kể từ ngày 15/10, hạn chế mở lại cửa hàng và công viên để khống chế dịch. Các nhà hàng sẽ chỉ được phép bán đồ ăn mang về và cung cấp dịch vụ giao hàng. Với gần 900.000 ca mắc và hơn 33.000 ca tử vong, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Tây Âu.
Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte thông báo nước này sẽ thực hiện “phong tỏa một phần” nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19. Theo đó, nhà chức trách sẽ cấm hoạt động bán chất kích thích và rượu bia sau 20h hằng ngày. Các cuộc hội họp trong nhà sẽ chỉ cho phép tối đa 30 người tham dự trong khi các cuộc tụ tập tại những điểm công cộng bị giới hạn không quá 4 người. Quyết định có hiệu lực từ 22h ngày 14/10 giờ địa phương (tức 3h ngày 15/10 giờ Việt Nam) và kéo dài ít nhất 4 tuần.
Tại châu Phi, Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số vùng nhằm ngăn chặn đà tăng số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đang gây quá tải cho các bệnh viện của nước này. Cụ thể, 2/3 các chính quyền tỉnh ở Tunisia đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn địa phương. Tại nhiều khu vực trong số này, một số biện pháp phòng ngừa bổ sung cũng đã được triển khai, như đóng cửa các chợ, hạn chế số lượng khách hàng tại các quán cà phê...
Về tình hình phát triển vaccine, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14/10 thông báo Nga đã phê chuẩn vaccine thứ hai ngừa COVID-19. Trước đó, vào tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19, mang tên Sputnik V. Theo Bộ Y tế Nga, khoảng 400 bệnh nhân có nguy cơ cao đã được tiêm vaccine Sputnik V.
Đặng Ánh/TTXVN