(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu mới nhất của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh dịch (CDC) Mỹ, gần 4.000 ca nhiễm các biến thể mới của chủng virus corona ban đầu gây bệnh Covid-19 đã được ghi nhận tại Mỹ tính đến ngày 11/3.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã đưa ra hướng dẫn mới, theo đó những người đã được tiêm phòng COVID-19 đủ liều có thể được tụ tập trong nhà cùng với những người khác cũng đã được tiêm phòng mà không cần phải đeo khẩu trang.
Chiếm phần lớn trong số đó, 3.701 ca, là nhiễm biến thể B.1.1.7 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Có 108 ca nhiễm biến thể B.1.351 được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi và 17 ca nhiễm biến thể P.1 được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil.
CDC cho hay các ca này được nhận diện trên cơ sở các mẫu dương tính với SARS-CoV-2 và không đại diện toàn bộ các ca nhiễm biến thể đang lưu hành ở Mỹ. Dữ liệu trên cũng dẫn tới nhận định rằng B.1.1.7 có thể trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh COVID-19 ở Mỹ trong tháng 3.
Hiện CDC và các đối tác của nó đang tăng cường phân tích các mẫu bệnh phẩm tại các phòng thí nghiệm trên toàn quốc. Các chuyên gia cũng lo ngại về một số biến thể được phát hiện tại những nơi đông dân như California và New York.
Theo các nhà khoa học Đại học California, San Francisco, biến thể tại California, - được biết đến với tên gọi B.1.427/B.1.429 - lây lan dễ dàng hơn các chủng virus trước đó và hiện đang chiếm chủ đạo tại bang miền Đông Nam nước Mỹ.
Các nghiên cứu đang được tiến hành nhằm xác định liệu các biển thể mới có dễ lây hơn, có gây ra tình trạng bệnh trầm trọng hay có khả năng tránh miễn dịch dù đã bị bệnh này hay được tiêm chủng trước đó hay không.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến chiều 12/3 (giờ địa phương), số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ đã vượt 29,33 triệu ca, trong đó hơn 532.100 người đã tử vong.
Đỗ Sinh/TTXVN