Dịch COVID-19: Kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái sâu nhất trong 300 năm

Thứ Tư, 15/4/2020, 8:20 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cơ quan dự báo ngân sách của Anh ngày 14/4 cho biết kinh tế Anh có thể giảm tới 13% trong năm 2020 do các biện pháp phong tỏa hiện nay của chính phủ để chống dịch COVID-19. Đây sẽ là mức suy thoái sâu nhất của Anh trong 3 thế kỉ và dự kiến mức nợ công sẽ vượt quá mức cao của giai đoạn hậu Thế chiến thứ 2.

Dịch COVID-19: Số ca tử vong của Anh vượt 11.000 người

Dịch COVID-19: Số ca tử vong của Anh vượt 11.000 người

Theo số liệu cập nhật, đến ngày 13/4, số ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Vương quốc Anh đã vượt con số 11.000 người, sau khi ghi nhận thêm 717 ca mới, nâng tổng số ca tử vong lên 11.392 người.

Theo Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR), chỉ tính riêng trong quý 2/2020, sản lượng kinh tế nước này có thể giảm tới 35%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng hơn gấp đôi, lên mức 10%. Tuy nhiên, sự bật nảy có thể trở lại vào cuối năm nay nếu các biện pháp phong tỏa nhằm làm chậm sự lây lan của dịch được dỡ bỏ.

Mặc dù vậy, OBR nhấn mạnh đây không phải dự báo chính thức, do thiếu sự rõ ràng về thời gian phong tỏa của chính quyền vốn được dự kiến có thể kéo dài tới 3 tháng, tiếp đó là việc dỡ bỏ 1 phần trong 3 tháng nữa.

Cũng trong ngày 14/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Anh sẽ giảm 6,5% trong năm 2020, tương tự mức sụt giảm của các nền kinh tế khác, trước khi tăng trưởng 4% trong năm 2021.

Tuy nhiên, triển vọng tài chính công của Anh vẫn tương đối ảm đạm. Theo OBR, thiệt hại về doanh thu từ thuế cũng như kế hoạch chi tiêu lớn của chính phủ Anh đồng nghĩa thâm hụt ngân sách có thể lên tới 273 tỷ bảng Anh (tương đương 342 tỷ USD, trong năm thuế 2020-2021, gấp 5 lần ước tính trước đó. Con số này cũng tương đương 14% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức 10% của từng xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2007. Anh đã dần hạ thấp mức thâm hụt xuống khoảng 2% sau khoảng 1 thập kỉ cắt giảm chi tiêu trong nhiều lĩnh vực dịch vụ công.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh ngày 13/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo OBR, nợ ròng khu vực công tại Anh có thể vượt quá 100% GDP trong tài khóa 2020-2021 nhưng sẽ dừng ở mức khoảng 95% GDP. Trước khi chính phủ Anh phong tỏa nền kinh tế từ hôm 20/3 để làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19, OBR dự báo nợ công tại Anh sẽ tương đương 77% GDP trong tài khóa 2020-2021. Tờ the Times đưa tin dự kiến việc phong tỏa sẽ được kéo dài ít nhất đến ngày 7/5. OBR cảnh báo triển vọng ngắn và trung hạn của kinh tế và lĩnh vực tài chính công của Anh sẽ tồi tệ hơn nhiều nếu không có phản ứng tài chính và tiền tệ từ chính phủ.

Trong tháng 3, Ngân hàng trung ương Anh đã 2 lần cắt giảm lãi suất, đẩy mạnh chương trình thu mua trái phiếu với ngân sách kỉ lục 200 tỷ bảng cũng như áp dụng nhiều biện pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak ngày 14/4 khẳng định các ngân hàng đang bắt nhịp với tốc độ cho vay của chính phủ cho doanh nghiệp, song cảnh báo chính phủ không thể "cứu" mọi ngành nghề.  Ông cũng bác tin cho rằng đang có sự căng thẳng giữa Bộ Tài chính và Bộ Y tế Anh liên quan đến thời gian phong tỏa. Theo ông, "không hề có sự lựa chọn giữa y tế và kinh tế".

Trong một diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Thống đốc bang New York  Andrew Cuomo ngày 14/4 nói rằng ông sẽ từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trở lại.   

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo ở Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN, ông Cuomo nói: “Nếu Tổng thống ra lệnh cho tôi mở cửa trở lại theo cách thức mà có thể gây nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng tại bang New York, tôi sẽ không làm như vậy”. Ông cho rằng bất kỳ việc mở cửa trở lại nào phải diễn ra theo từng giai đoạn và mất vài tháng để hoàn thành. Xét nghiệm rộng rãi là chìa khóa để khởi động lại nền kinh tế thành công.   

Trước đó hôm 13/4, ông Cuomo cùng với thống đốc của 6 bang khu vực Đông Bắc nước Mỹ nói rằng họ sẽ xây dựng một kế hoạch khu vực để từng bước dỡ bỏ các hạn chế giãn cách xã hội. Các quan chức y tế cho rằng việc đóng cửa nền kinh tế đã làm chậm lại tốc độ lây lan của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 tại New York.   

Trong một diễn biến liên quan, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cùng ngày đã thông báo về việc thành phố đã thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc cung cấp thường xuyên khoảng 400.000 bộ xét nghiệm mỗi tháng. Bắt đầu từ ngày 20/4, thành phố sẽ mua khoảng 50.000 bộ xét nghiệm mỗi tuần từ một công ty ở bang Indiana.   

Ông de Blasio cũng cho hay, trong ngày 13/4, số lượng người nhập viện vì lây nhiễm SARS-CoV-2 ở thành phố này đã giảm xuống chỉ còn 326 ca so với 383 ca một ngày trước đó. Tuy nhiên, số người phải điều trị tích cực và xét nghiệm dương tính lại tăng nhẹ.   

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 1h16 ngày 15/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ đã lên tới 603.488 người, trong đó có 25.194 ca tử vong, 38.131 bệnh nhân đã bình phục và 12.828 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

TTXVN

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến