(Thethaovanhoa.vn) - Malaysia ngày 25/5 ghi nhận thêm 7.289 ca mắc Covid-19, cao nhất từ đầu dịch đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại quốc gia Đông Nam Á này vượt ngưỡng 7.000 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, Thành hội người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn ngày 26/4 xác nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng người Việt tại thủ đô Viêng Chăn là một bệnh nhân có mẹ là người Việt Nam.
Trước đó, Malaysia có 6 ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày hơn 6.000 ca. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo, nếu người dân không tuân thủ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, nước này có thể đối mặt với số ca nhiễm theo ngày lên đến 8.000 ca trong tháng 6 tới.
Tính đến nay, Malaysia ghi nhận tổng cộng 525.889 ca mắc COVID-19, với hơn 2.300 ca tử vong. Hiện Malaysia đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới, buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp hạn chế đi lại trên toàn quốc cho tới hết tháng 6 để ngăn chặn virus tiếp tục lây lan.
Số ca nhiễm mới tại Lào tăng trở lại
Bộ Y tế Lào ngày 25/5 cho biết nước này đã ghi nhận 56 ca nhiễm COVID-19 mới tại 6/18 tỉnh thành trong 24 giờ qua, gồm 42 ca cộng đồng và 14 ca nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, sau vài ngày không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào, huyện Ton Pheung, tỉnh Bokeo, nơi có đặc khu Tam Giác Vàng, lại trở thành điểm nóng với 17 ca cộng đồng, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 15 ca cộng đồng. Sau hơn 1 tháng thực hiện lệnh phong tỏa, việc số tỉnh có người mắc và số ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Lào bất ngờ tăng trở lại cho thấy tình hình dịch tại nước này vẫn còn phức tạp và khó lường.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều 24/5, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết việc một số người dân không tuân thủ các quy định phòng chống, vẫn tập trung ăn uống, đi lại đã dẫn đến những chùm ca bệnh mới.
Bên cạnh một số tỉnh dịch bệnh nóng trở lại, để khôi phục kinh tế và tạo điều kiện cho người dân sinh sống, một số tỉnh của Lào như Champasak, Savannkhet… cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch sau nhiều ngày không ghi nhận các ca nhiễm trong cộng đồng.
Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.878 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.180 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Tổng số ca nhiễm tại Campuchia vượt ngưỡng 26.000 ca
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ Y tế Campuchia ngày 25/5 xác nhận có thêm 568 ca nhiễm mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này từ đầu mùa dịch đến nay vượt ngưỡng 26.000 ca.
Trong 568 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua có 540 ca lây nhiễm cộng đồng và 28 ca nhập cảnh. Campuchia cũng thông báo có thêm 663 người hồi phục và 4 người tử vong, nâng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 183 người.
Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, song nhiều ngày nay, số ca nhiễm mới trong công nhân nhà máy tại một số tỉnh như Kampong Speu, Koh Kong, Takeo, Kampong Chhnang và Svay Rieng vẫn tăng. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng, chính quyền các tỉnh đã thông báo về danh tính người nhiễm COVID-19 để những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh nắm thông tin, đi làm xét nghiệm và tự cách ly tại nhà 14 ngày.
Cao điểm là trong ngày 23/5, chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thông báo 86 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và phần lớn trong số này là lao động thuộc Công ty Horizon Outdoor Cambodia Co., Ltd và nhà máy Tekfuk Cambodia ở làng Phsar Trach và Longvek, xã Longvek, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampong Chhnang.
Chính quyền đã phải yêu cầu Công ty Horizon Outdoor Cambodia Co., Ltd dừng hoạt động và bắt đầu truy vết để tìm các ca nhiễm mới trong công nhân, đồng thời hướng dẫn gia đình công nhân mắc bệnh cách ly tại chỗ, tuân thủ các biện pháp phòng dịch và nếu có bất kỳ triệu chứng bệnh phải tới ngay Bệnh viện Kampong Tralach.
Cùng ngày, chính quyền tỉnh Svay Rieng thông báo tên 92 lái xe ở Đặc khu Kinh tế Shandong Sansel mắc COVID-19. Những lái xe này làm nhiệm vụ đưa đón công nhân nhà máy may mặc đi làm. Nhà chức trách kêu gọi công nhân thấy có các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 như ho, sốt, khó thở, đau họng… phải liên lạc ngay với chính quyền địa phương và tự cách ly.
Còn tại Phnom Penh, sau một tháng đóng cửa để ngăn chặn dịch COVID-19, tất cả các chợ do nhà nước quản lý đã mở cửa trở lại từ ngày 24/5, nhưng chỉ các quầy bán hàng thiết yếu như thịt, rau, đồ uống được phép hoạt động trên cơ sở áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Người đứng đầu chợ Tuol Tumpoung (một khu chợ nổi tiếng ở Phnom Penh), Chamroeun Soklim cho biết nhiều người dân đã đến chợ mua thực phẩm từ ngày 24/5. Quản lý chợ đã bố trí bảo vệ giám sát để thực hiện quy định về giãn cách. Tại cửa, người đi chợ phải đo nhiệt độ, khử khuẩn tay và quẹt mã QR để xác nhận thông tin ra vào chợ.
TTXVN