(Thethaovanhoa.vn) - Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Guo Yanhong cho biết, các bác sĩ ở Trung Quốc đang tích cực sử dụng huyết tương của những người đã được chữa khỏi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều trị bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 chủ yếu tấn công hai lá phổi của con người trong khi không có đủ bằng chứng về mức tổn hại do virus này gây ra cho các cơ quan khác trong cơ thể.
Cho đến nay, 245 bệnh nhân đang được điều trị theo phương pháp này. Tính hiệu quả và an toàn của phương pháp đã được chứng minh.
Theo Tân Hoa Xã, sau khi biết rằng kháng thể có trong máu của những người đã khỏi bệnh có thể giúp điều trị những trường hợp nặng nhiễm virus SARS-CoV-2, ngày càng nhiều người được chữa khỏi đã quay trở lại, tình nguyện hiến huyết tương cứu người.
Bà Guo Yanhong cho biết đến nay, tại Trung Quốc đã ghi nhận 544 lần hiến huyết tương. Bà nhấn mạnh, một lượng lớn các nghiên cứu và thực hành lâm sàng đã chứng minh rằng, việc sử dụng huyết tương của bệnh nhân hồi phục trong điều trị cho kết quả tương đối tốt, do kháng thể đặc hiệu có trong huyết tương giúp chống lại SARS-CoV-2. Bà nêu rõ: "Sự an toàn và hiệu quả của phương pháp này đã được phổ biến và công nhận".
Theo kết quả giám sát 24/24 được thực hiện trong hơn 48 giờ đối với nhóm 157 bệnh nhân, bằng cách sử dụng huyết tương của những người đã khỏi bệnh, các chuyên gia nhận thấy chỉ số của 91 ca rõ ràng đã được cải thiện sau 2 ngày.
Bà Guo Yanhong còn nêu rõ, một nhóm chuyên gia đặc biệt đã được thành lập để thúc đẩy phương pháp điều trị này, trong đó phát triển kế hoạch và chương trình chẩn đoán - điều trị, những yêu cầu đối với người hiến huyết tương, phương pháp thu thập huyết tương và đưa vào sử dụng.
Các chuyên gia y tế cho rằng trong huyết tương của bệnh nhân khỏi bệnh có những kháng thể với virus SARS-CoV-2, do đó khi truyền dịch huyết tương của những người này vào cơ thể người bệnh khác, các kháng thể trên có thể giúp bệnh nhân thêm khả năng chống chọi với bệnh tật. Chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá phương pháp điều trị trên là cách thức tiếp cận "rất có cơ sở" để triển khai thử nghiệm, song đồng thời nhấn mạnh cần có thời gian để tối đa hóa khả năng miễn dịch của bệnh nhân.
Trong một phát biểu với báo giới ở trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), Tiến sĩ Mike Ryan - người đứng đầu chương trình y tế khẩn cấp của WHO - cho biết huyết tương đã được chứng minh là "có hiệu quả và cứu sống" nhiều bệnh nhân ở các bệnh truyền nhiễm khác, bao gồm bệnh dại và bệnh bạch hầu.
Ông cho biết: "Đó là một lĩnh vực rất quan trọng để theo đuổi nghiên cứu. Bởi vì những gì huyết thanh globulin siêu miễn dịch có thể làm là tập trung các kháng thể ở một bệnh nhân đã hồi phục. Về cơ bản, bạn đang tăng cường hệ miễn dịch cho bệnh nhân mới để hy vọng họ vượt qua giai đoạn nguy kịch".
Phương Hồ/TTXVN