(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 21/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 98.034.023 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.097.776 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 70.431.964 người.
Ngày 19/1, Cơ quan Giám sát và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga Rospotrebnadzor tuyên bố vaccine thứ hai ngừa bệnh COVID-19 của nước này đạt hiệu quả 100% dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 419.793 ca tử vong trong tổng số 25.178.628 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 153.053 ca tử vong trong số 10.625.420 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 214.228 ca tử vong trong số 8.699.814 bệnh nhân.
Xét tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 178 người tử vong. Tiếp đến là Cộng hòa Séc với 140 người và Italy 138 người.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 31,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 680.452 ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 560.184 ca tử vong trong hơn 17,7 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 424.583 ca tử vong trong hơn 25,1 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 233.109 ca tử vong trong hơn 14,7 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 94.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 81.700 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.
Tại châu Mỹ, Tổng thống Argentina - ông Alberto Fernandez đã được tiêm vaccine Sputnik V liều đầu tiên tại một bệnh viện ở phía Tây thủ đô Buenos Aires. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Cơ quan kiểm duyệt dược phẩm ANMAT kiến nghị Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine Sputnik V của Nga cho những người trên 60 tuổi.
Chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Fernandez kêu gọi người dân tham gia chương trình tiêm chủng để có khả năng miễn dịch trước dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, ông cũng ra thông cáo chính thức nói rõ về tính an toàn và hiệu quả của vaccine Sputnik V, đồng thời cam kết chính phủ sẽ ưu tiên cung cấp vaccine tới đa số người dân trong thời gian sớm nhất. Đến thời điểm hiện tại, Argentina đã ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19, 46.216 người đã tử vong.
Trong khi đó, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã siết chặt thêm quy định đối với các du khách tới Mỹ khi yêu cầu những người này phải cách ly ngay khi đặt chân tới sân bay, cho dù trước khi lên máy bay họ đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Biden nêu rõ: "Bên cạnh việc đeo khẩu trang, những người bay từ nước khác tới Mỹ đều phải xét nghiệm trước khi khởi hành và cách ly ngay khi tới Mỹ". Trước đó, dưới thời của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump, xét nghiệm là bắt buộc còn cách ly chỉ là khuyến cáo. Theo thống kê, trong 24 giờ qua nước Mỹ đã ghi nhận thêm 123.212 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh đến nay lên 25.122.304 người và trong số này đã có 418.576 người tử vong. Tổng thống Biden cảnh báo số ca tử vong tại Mỹ có thể lên tới 500.000 người vào tháng tới và quy trình tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 "đến nay có thể coi là thất bại".
Hạ viện Ai Cập đã thông qua sắc lệnh của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 3 tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/1 tới. Tại nước này, lệnh tình trạng khẩn cấp được gia hạn tối đa 3 tháng mỗi lần và chỉ được thông qua khi nhận được ít nhất 2/3 số phiếu tán thành tại Hạ viện. Theo các nội dung được nêu trong sắc lệnh, các lực lượng vũ trang và cảnh sát được phép tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và tiêu diệt các mối đe dọa khủng bố, cũng như chặn đứng các nguồn lực tài chính của lực lượng khủng bố để đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ tài sản nhà nước, tài sản và tính mạng của người dân. Tình trạng khẩn cấp được Tổng thống El-Sisi ban bố lần đầu tiên vào tháng 5/2017, sau vụ đánh bom hai nhà thờ khiến 47 người thiệt mạng. Kể từ đó, lệnh này đã được gia hạn nhiều lần.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Kenya cho biết nước này đã phát hiện 2 trường hợp mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Cả hai bệnh nhân đều là nam giới, sống ở quận ven biển Kilifi và từng tiếp xúc với người từ nước ngoài trở về. Đây là những người đầu tiên ở Kenya mắc biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi, vốn có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2. Chính phủ Kenya lo ngại nguy cơ bệnh dịch sẽ phát tán nhanh hơn, nhiều người bị nhiễm bệnh hơn và gây áp lực đè nặng lên hệ thống chăm sóc sức khoẻ.
Theo số liệu chính thức, tính đến hết ngày 21/1, Kenya đã ghi nhận 99.630 ca mắc COVID-19, khiến 1.739 người tử vong. Trong đợt bùng phát dịch cách đây 3 tháng, tỷ lệ người nhiễm bệnh trở lại ở Kenya tăng hơn 16%, buộc chính phủ nước này phải áp dụng ngay nhiều biện pháp phòng dịch khẩn cấp như áp đặt lệnh giới nghiêm nghiêm, đóng cửa các quán bar, nhà hàng và các trường học.
TTXVN