(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 20/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 142.686.485 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.042.841 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 121.187.563 người.
Hàn Quốc ngày 15/4 ghi nhận 698 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở mức khoảng 700 ca, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khiến nhà chức trách phải cân nhắc siết chặt các biện pháp phòng chống.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.551 ca tử vong trong tổng số 32.471.579 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 180.550 ca tử vong trong số 15.314.714 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 375.049 ca tử vong trong số 13.977.713 bệnh nhân.
Cuba ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới vượt 1.000 ca/ngày. Cụ thể, Bộ Y tế Công cộng Cuba công bố thêm 1.060 ca mắc và 6 ca tử vong trong 24 giờ qua, theo đó nâng tổng số ca mắc lên 94.571 ca với 531 ca không qua khỏi.
Trong khi đó, Anh ghi nhận thêm 4 ca tử vong, là số ca tử vong trong một ngày thấp nhất kể từ tháng 9/2020, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 127.274 ca. Số liệu chính thức được công bố cũng cho thấy số ca mắc tại Anh tăng thêm 2.963 ca lên 4.390.783 ca.
Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, hiện có 103 ca mắc tại Anh mang biến thể mới từ Ấn Độ với tên gọi B.1.617. Đa số các ca nhiễm này đều liên quan tới các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài. Ông Hancock thông báo Anh đã đưa Ấn Độ vào danh sách tạm thời bị cấm nhập cảnh do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại đây. Chỉ những người mang hộ chiếu Anh hoặc Ireland, hoặc những người có quyền cư trú tại Anh được phép nhập cảnh, nhưng sẽ phải cách ly 10 ngày tại một khách sạn được chính phủ cho phép.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia Brazil (Anvisa) đã cấp phép thực hiện chương trình thử nghiệm lâm sàng một loại ứng viên vaccine ngừa COVID-19 do phòng thí nghiệm Sichuan Clover Biopharmaceuticals (Trung Quốc) nghiên cứu bào chế. Đây là chương trình thứ 6 về vaccine được Brazil cấp phép kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Loại vaccine được đặt tên là SCB-2019, được tập đoàn dược phẩm Sichuan Clover bào chế từ sự kết hợp các protein với chất bổ trợ tổng hợp nhằm tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể. Brazil sẽ lựa chọn khoảng 12.100 tình nguyện viên từ 18 tuổi trở lên tại các bang Rio Grande do Sul, Rio Grande do Norte và Río de Janeiro để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3.
Liên minh châu Âu (EU) đã đặt hàng thêm 100 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số lượng đặt hàng của EU đối với loại vaccine này lên 600 triệu liều. Giám đốc điều hành của công ty Pfizer Albert Bourla cho biết đến nay công ty đã đáp ứng các cam kết cung cấp cho Ủy ban châu Âu và dự kiến sẽ cung cấp 250 triệu liều vaccine cho EU trong quý II năm nay, tăng gấp 4 lần so với số lượng đã thỏa thuận trong quý I. Về phần mình, Giám đốc Kinh doanh và Thương mại của BioNTech, Sean Marett cho biết 600 triệu liều vaccine trên sẽ được giao trong năm nay, đảm bảo tiêm phòng cho 2/3 dân số EU.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban tiêm chủng Hy Lạp Maria Theodoridou thông báo nước này đã tạm ngừng kế hoạch phân phối vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Johnson & Johnson (J&J) cho tới khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra đánh giá của mình. Theo kế hoạch ban đầu, Hy Lạp dự kiến bắt đầu tiêm chủng vaccine của J&J vào ngày 19/4 trước khi dấy lên những hoài nghi xung quanh thông tin về chứng rối loạn đông máu rất hiếm gặp liên quan đến việc sử dụng vaccine.
EMA dự kiến tổ chức một cuộc họp báo nhằm đưa ra đánh giá của mình về vấn đề trên vào lúc 15h00 ngày 20/4 theo giờ GMT (22h00 cùng ngày theo giờ Hà Nội).
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới có những công cụ để đưa đại dịch COVID-19 toàn cầu vào tầm kiểm soát trong những tháng tới nếu áp dụng các công cụ này một cách nhất quán và công bằng.
Nguyễn Hằng/TTXVN