(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30' ngày 1/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 83.771.412 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.824.387 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 59.307.628 người.
Chiều tối 29/12, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp khẩn để kịp thời đề ra các giải pháp ứng phó với những diễn biến khó lường của dịch.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 353.886 ca tử vong trong tổng số 20.429.667 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 149.018 ca tử vong trong số 10.286.329 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 194.976 ca tử vong trong số 7.675.973 bệnh nhân.
Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 23,6 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 543.687 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 337.354 ca tử vong trong tổng số hơn 20,6 triệu ca mắc; Bắc Mỹ có hơn 513.976 ca tử vong trong hơn 20,4 triệu ca nhiễm; Nam Mỹ ghi nhận 362.730 ca tử vong trong tổng số hơn 13,2 triệu ca nhiễm. Châu Phi và châu Đại dương có số ca mắc thấp nhất lần lượt là hơn 2,7 triệu ca và hơn 48.300 ca.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn hoành hành, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới đã trải qua một đêm giao thừa lặng lễ chưa từng có. Hàng chục quốc gia thực hiện phong tỏa, hạn chế hoạt động, áp đặt giờ giới nghiêm nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nhiều quốc gia kêu gọi người dân đón Năm Mới và thưởng thức các màn bắn pháo hoa ở nhà.
Tại châu Âu, Anh ngày 31/12/2020 thông báo thêm 55.892 ca mắc COVID-19, mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, nâng tổng số ca mắc lên 2.488.780 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Anh ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới trong 1 ngày. Số ca tử vong cũng tăng 964 ca, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 73.512 ca. Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân tuân thủ quy tắc phòng dịch và đón năm mới an toàn tại nhà.
Trong khi đó, Pháp ghi nhận thêm 19.927 ca mắc và 251 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 2.620.425 ca và 64.632 ca. Pháp đã triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh để giải tán các bữa tiệc, cuộc tụ tập đông người. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin cho biết cảnh sát thực thi nghiêm ngặt giờ giới nghiêm toàn quốc từ 8 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau để ngăn chặn tụ tập trái phép và hiện tượng bạo lực. Cảnh sát tăng cường tập trung ở các trung tâm thành phố và các khu vực nhạy cảm.
Đức cũng thông báo có thêm 23.305 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 1.743.478 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 618 ca lên 34.104 ca. Cũng trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới CH Séc đã tăng cao kỷ lục với 16.939 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 718.661 ca, trong đó 11.580 ca tử vong. Trong khi đó, với 27.747 ca mắc mới và 593 ca tử vong mới, tổng số ca mắc và không qua khỏi do COVID-19 tại Nga cũng đã tăng lên lần lượt là 3.159.297 ca và 57.019 ca.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Canada dự kiến sẽ yêu cầu hành khách đến nước này bằng máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ thời điểm Canada áp dụng yêu cầu mới trên.
Giới chức Canada nhiều tháng qua đã khuyến cáo người dân ở nhà và tránh các chuyến đi không cần thiết để làm chậm tốc độ lây lan của dịch COVID-19. Đến nay nước này đã có 580.395 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 15.606 ca tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico xác nhận thêm 12.406 ca mắc và 1.052 ca tử vong, theo đó nâng tổng số ca mắc và tử vong lần lượt lên 1.413.935 và 124.897 ca.
Tại châu Á, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc thông báo ghi nhận thêm 1.029 ca mắc, trong đó có 1.004 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc lên 61.769 ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 cũng tăng thêm 17 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp không qua khỏi lên 917 ca. Số ca mắc mới theo ngày ở Hàn Quốc vẫn trên mốc 1.000 ca, khiến giới chức y tế nước này cân nhắc kéo dài các biện pháp giãn cách xã hội.
TTXVN