(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 67.368.962 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.541.330 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 46.568.241 người.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 30/11 đánh giá tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mexico đáng quan ngại.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với 15.153.306 ca nhiễm và 288.886 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 9.676.801 ca nhiễm và 140.590 ca tử vong và Brazil với 6.603.540 ca nhiễm và 176.962 ca tử vong.
Xét về khu vực, châu Âu là khu vực chịu hưởng nặng nhất với 18.440.400 ca nhiễm và 424.087 ca tử vong do COVID-19.
Tại Italy, theo số liệu thống kê chính thức mới được công bố ngày 6/12, số ca tử vong do COVID-19 đã vượt hơn 60.000 ca kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại đây. Tổng số ca nhiễm tại Italy hiện là 1.728.878 ca.
Tại châu Mỹ, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo luật sư riêng của ông là Rudy Giuliani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Như vậy, ông Giuliani trở thành thành viên mới nhất trong đội ngũ của Tổng thống Trump bị mắc COVID-19. Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng, Thư ký báo chí, Giám đốc chiến dịch tranh cử, nhiều cố vấn cấp cao và con trai lớn của Tổng thống Trump đều mắc COVID-19.
Tại châu Phi, để kiểm soát dịch bệnh, Bộ Y tế Tunisia thông báo sẽ gia hạn lệnh giới nghiêm trên phạm vi toàn quốc đến ngày 31/12 tới. Theo cơ quan này, lệnh giới nghiêm sẽ cấm các hoạt động đi lại từ 20h hôm trước đến 5h sáng hôm sau theo giờ địa phương.
Tại Nam Phi, Bộ Y tế thông báo nước này nhiều khả năng sẽ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên vào giữa năm 2021 sau khi hoàn thành quá trình đàm phán về việc thanh toán cho các nhà cung cấp. Lô vaccine đầu tiên mà Nam Phi sẽ tiếp nhận từ COVAX –một sáng kiến được xây dựng để cung cấp các loại vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo - sẽ chỉ đủ để thực hiện tiêm chủng cho khoảng 10% trên tổng dân số 59 triệu người của Nam Phi.
Quỹ Đoàn kết chống COVID-19 – một tổ chức từ thiện của Nam Phi- đã đồng ý chi 22 triệu USD tiền đặt cọc để mua lô vaccine có tổng trị giá 131 triệu USD này. Theo thông báo từ các nhà sản xuất thuộc liên minh COVAX, Nam Phi sẽ tiếp nhận lô vaccine đầu tiên vào khoảng cuối quý II/2021.
Đặng Ánh/TTXVN