(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng tuyên bố sẽ cân nhắc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn tại biên giới giữa Canada và Mỹ, phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giữa bối cảnh tâm điểm đại dịch chuyển hướng tới Mỹ, dư luận đang chờ đợi bước đi quyết định của Chính phủ Canada trong việc áp dụng các biện pháp mạnh mẽ ở khu vực biên giới với Mỹ để bảo vệ người dân trong nước.
Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm khi vượt mốc 300.000 ca với 311.357 ca mắc và 8.452 ca tử vong. Tây Ban Nha đứng ở vị trí thứ hai với 126.168 ca mắc và 11.947 ca tử vong. Italy đứng ở vị trí thứ 3 với 124.632 ca mắc và 15.362 ca tử vong (số ca tử vong cao nhất thế giới).
Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada mới đây công bố số liệu cho thấy việc đóng cửa biên giới giữa hai nước đối với toàn bộ các hoạt động đi lại không thiết yếu từ ngày 21/3 đã dẫn đến những thay đổi lớn. Trong tuần từ 23-29/3 vừa qua, số lượng người nhập cảnh từ Mỹ vào Canada qua đường biên trên bộ đã giảm 82% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong thời gian trên, hơn 88.000 lái xe tải từ Mỹ vào Canada, giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm 2019.
Canada và Mỹ chia sẻ đường biên giới dài nhất thế giới (8.900 km). Theo thống kê, trước khi có đại dịch COVID-19, mỗi ngày có một lượng hàng hóa trị giá khoảng 2,7 tỷ CAD (trên 1,8 tỷ USD) đi qua biên giới Canada-Mỹ. Hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Canada và Mỹ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế của “xứ sở lá phong”. Đóng cửa biên giới đối với hoạt động này, theo các chuyên gia, không phải là một lựa chọn hợp lý, nhưng Canada phải xử lý như thế nào khi hàng chục nghìn người vào Canada từ một quốc gia hiện đang là “thùng thuốc nổ” trong đại dịch.
Trong phát biểu ngày 4/4, Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh cả Canada và Mỹ đều phụ thuộc vào thương mại trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Hiện Chính phủ Canada đang tiếp tục “các cuộc thảo luận mang tính xây dựng với các cấp khác nhau trong chính quyền Tổng thống Trump” để duy trì dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ qua biên giới Canada-Mỹ.
Chính phủ Canada đã ban hành lệnh yêu cầu các công dân Canada về nước qua Mỹ phải cách ly trong 14 ngày. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát y tế đối với các lái xe tải Mỹ tại cửa khẩu biên giới hai nước dường như khá lỏng lẻo khi lực lượng chức năng phòng chỉ hỏi lái xe một số câu hỏi cơ bản về tình trạng sức khỏe và quan sát để tìm các dấu hiệu nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trên thực tế, có một tỷ lệ lớn các ca nhiễm bệnh không có triệu chứng, nên biện pháp sàng lọc này phần nhiều chỉ mang tính hình thức.
Một số quốc gia đang sử dụng nhiệt kế hồng ngoại để kiểm tra thân nhiệt hành khách nhập cảnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về độ chính xác của thiết bị này. Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) hiện áp dụng biện pháp mà nhiều ý kiến cho rằng khá nghiêm đối với những cư dân trở về Hong Kong từ nơi khác, khi buộc những người này phải đeo vòng theo dõi để giám sát lịch trình di chuyển của họ qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh, đảm bảo để người mới nhập cảnh tuân thủ thời hạn cách ly 14 ngày. Trong khi đó, thành phố Denver (Mỹ) đã thử nghiệm các trạm xét nghiệm cho kết quả xét nghiệm nhanh trong khoảng 15 phút. Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Ottawa đang nỗ lực phong tỏa mọi cửa ngõ mà virus SARS-CoV-2 có thể xâm nhập thì vẫn còn "lỗ hổng lớn" khi các lái xe tải từ Mỹ không thực sự hợp tác với các biện pháp như đeo vòng giám sát, hay để nhân viên y tế lấy mẫu thử từ họng, mũi.
Thủ tướng Trudeau, Phó Thủ tướng Chrystia Freeland, và Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jean-Yves Duclos đều đã đề cập khả năng thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn tại khu vực biên giới với Mỹ nếu dịch COVID-19 lây lan mạnh ở Canada. Trong phát biểu mới đây, ông Duclos khẳng định dù hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe tải từ Mỹ rất quan trọng, nhưng “sức khỏe và sự an toàn của người dân Canada là quan trọng nhất”.
* Tại Mỹ, ngày 4/4, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên đội đặc nhiệm chống virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, cho biết mô hình dịch cho thấy trong 6-7 ngày tới, đỉnh dịch sẽ diễn ra tại thành phố New York, Detroit, New Orleans và nhiều vùng phụ cận của những thành phố này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, bà Birx không đưa ra dự báo số ca tử vong do dịch COVID-19, song lưu ý rằng tình hình mỗi nơi sẽ khác nhau và nguy cơ "rất đáng quan ngại" là khi New York có hàng trăm ca tử vong mỗi ngày. Thậm chí, giới chức thành phố này cũng nhận định con số trên có thể tăng lên trong khoảng 500-700 ca mỗi ngày.
Bà Birx cho biết các quan chức chính phủ đang theo dõi chặt chẽ sự gia tăng số ca mắc bệnh tại bang Pennsylvania, Colorado và thủ đô Washington. Đây là những nơi mà các chuyên gia hy vọng biện pháp giãn cách xã hội (cách ly xã hội) sẽ giúp ngăn chặn tình trạng dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng. Quan chức Nhà Trắng cũng nhấn mạnh hai tuần tiếp theo sẽ "cực kỳ quan trọng" bởi đây là thời điểm làm mọi thứ có thể nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân.
Trước đó, cũng tại cuộc họp báo trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo "tuần cam go nhất" của nước Mỹ sắp đến và dự báo "sẽ có nhiều ca tử vong" do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng thông báo một số biện pháp ứng phó dịch bệnh của chính phủ Liên bang, trong đó có việc cung cấp cho các điểm nóng của dịch bệnh trên khắp nước Mỹ các vật tư y tế cần thiết, thiết lập các bệnh viện dã chiến mới tại một số bang và hiện đã sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân bị lây nhiễm tại một bệnh viện dã chiến ở New York, bổ sung 29 triệu liều thuốc chống sốt rét vào kho dự trữ chiến lược quốc gia dành cho các bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2, hay triển khai 1.000 quân nhân Mỹ tới thành phố New York.
Theo số liệu trên chuyên trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h sáng 5/4 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Mỹ đã lên tới hơn 310.286 người, trong đó có 8.452 ca tử vong. New York là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 114.775 ca mắc bệnh và 3.565 ca tử vong.
Hương Giang - Đặng Huyền