(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 5/10, Thống đốc bang New York của Mỹ Andrew Cuomo thông báo sẽ tạm thời đóng cửa các trường học tại 9 khu vực đang có số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao, đồng thời nhấn mạnh khó khăn trong việc duy trì học sinh đến lớp học trong tình hình dịch bệnh hiện nay.
Thượng viện Mỹ đã quyết định tạm nghỉ 2 tuần và dự kiến sẽ quay lại làm việc vào ngày 19/10 tới. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump và 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo đó, các trường công và trường tư tạm thời đóng cửa tập trung chủ yếu ở Brooklyn và Queens, nơi ghi nhận tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên 3% trong 1 tuần qua, trong khi có 2 khu vực khác trong 9 khu vực trên thậm chí còn ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm trên 8%. Tỷ lệ mắc COVID-19 trên toàn bang New York vẫn ở mức 1,22%.
Thành phố New York là nơi có nhiều trường học nhất tại Mỹ với 1,1 triệu sinh viên và là thành phố lớn duy nhất tại nước này duy trì hoạt động giảng dạy tại lớp mùa Thu này. Nhiều thành phố khác của Mỹ như Chicago, Houston, Los Angeles, Philadelphia và Miami đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.
Quyết định đóng cửa trên có hiệu lực từ ngày 6/10 và được thực thi sớm hơn 1 ngày so với đề xuất trước đó của Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio. Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo không chấp thuận việc tạm dừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết tại 9 khu vực trên vào thời điểm này như đề nghị của ông de Blasio.
Việc áp đặt các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng nặng nề đối với ngành kinh doanh nhà hàng tại New York. Theo báo cáo công bố mới đây của Văn phòng kiểm toán bang New York, khoảng 30% đến 50% hoạt động kinh doanh nhà hàng tại thành phố New York, tương ứng 12.000 nhà hàng, sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn trong năm 2021. Điều này đồng nghĩa 159.000 lao động sẽ bị mất việc làm. Báo cáo nêu rõ kể từ tháng 3 vừa qua, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đóng cửa, hạn chế ra ngoài, giãn cách xã hội cùng với suy thoái kinh tế trầm trọng đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có đối với ngành này. Theo đó, nhiều nhà hàng, quán bar phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, và nay nhiều cơ sở trong số này có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn nếu các nhà chức trách không triển khai kịp thời sự hỗ trợ tài chính.
Để vực dậy ngành kinh doanh ăn uống trong bối cảnh dịch bệnh, chính quyền thành phố New York mới đây đã khởi động chương trình Open Streets, cho phép các nhà hàng tham gia sáng kiến này sử dụng khu vực đi bộ và một số đường giao thông để phục vụ thực khách, qua đó kích cầu đồng thời giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bảo đảm quy định giãn cách xã hội. Báo cáo cho hay chương trình này sẽ kết thúc vào mùa Thu này, song Thị trưởng de Blasio có ý định duy trì lâu dài cách làm trên.
Thống kê trong báo cáo cho thấy trong năm 2019, quy mô hoạt động của ngành kinh doanh ăn uống tại New York ở mức cao nhất trong lịch sử với 23.650 nhà hàng, sử dụng 317.800 lao động. Tổng tiền lương chi trả là 10,7 tỷ USD và doanh thu gần 27 tỷ USD.
Thanh Hương - TTXVN