(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 9/7, chính quyền thủ đô Tokyo xác nhận thêm 224 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thành phố này. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở Tokyo kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID -19 bùng phát.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 4/7 khẳng định chưa cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dù số ca nhiễm mới ở nước này đang có xu hướng tăng.
Khoảng 80% số ca mới này là người ở độ tuổi 30 hoặc trẻ hơn. Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết hiện chưa cần tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Tính đến ngày 9/7, tổng số ca nhiễm ở Tokyo là 7.272 người trong khi tổng số ca nhiễm ở Nhật Bản hiện là 19.522 người, trong đó có 977 ca tử vong.
Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ mức đánh giá của 9 nền kinh tế cấp vùng trong quý thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh dịch tiếp tục tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trong báo cáo hàng quý, BOJ cho biết các nền kinh tế vùng đã xuống cấp hoặc trong tình trạng nghiêm trọng so với tháng 4 do đại dịch COVID-19. Tại hội nghị trực tuyến với các giám đốc chi nhánh của BOJ, Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết nền kinh tế quốc gia "đang trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng" do dịch bệnh, đồng thời tái khẳng định cam kết thực hiện thêm các biện pháp nới lỏng nếu cần.
Ông Kuroda dự báo "nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng tốc với việc sản lượng gia tăng, môi trường tiền tệ thích ứng và các gói kích thích kinh tế của chính phủ khi tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng". Theo Thống đốc này, BOJ sẽ theo dõi kỹ tác động của tình trạng lũ lụt gần đây ở Tây Nam và miền Trung Nhật Bản đối với nền kinh tế, đồng thời cam kết duy trì các hệ thống tài chính và đảm bảo thanh khoản trôi chảy.
Tại một cuộc họp chính sách hồi tháng 6 vừa qua, BOJ đã quyết định mở rộng các biện pháp hỗ trợ tập đoàn từ 75.000 tỷ yen lên 110.000 tỷ yen (1.000 tỷ USD), để bao gồm các cơ chế cho vay mới cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Biện pháp này nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong khuôn khổ ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 31.910 tỷ yên đã được Quốc hội thông qua tháng trước.
Nền kinh tế Nhật Bản đang chịu tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Thăm dò hằng quý của BOJ tuần trước cho thấy chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất lớn đã giảm xuống mức âm 34 trong tháng 6, thấp nhất kể từ tháng 6/2019.
Trước đó, con số này là âm 8 vào tháng 3. Chỉ số niềm tin ở các doanh nghiệp không sản xuất, trong đó có lĩnh vực dịch vụ, giảm xuống mức âm 17, con số tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2009. Theo kế hoạch, BOJ sẽ tổ chức cuộc họp hoạch định chính sách ngày 14/7 tới.
Đào Thanh Tùng - Bích Liên/TTXVN