Ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ thu hút được 2,5 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu khách nội địa, doanh thu đạt 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, để có thể đạt được điều đó, du lịch Thủ đô cần khắc phục nhiều rào cản.
Chuyên trang ---> Du lịch Khám phá - TT&VH
Mạnh ai nấy làm
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng Hà Nội chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng. Trong khi đó, một số địa phương tuy không có nhiều tiềm năng như Hà Nội nhưng luôn thu hút được sự quan tâm của du khách khi tạo ra được sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương mình. Chẳng hạn như Quảng Ninh với Vịnh Hạ Long và carnaval Hạ Long, Lào Cai với Sa Pa, Thừa Thiên - Huế với cố đô Huế và các kỳ festival…
Theo ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội: Tuy được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng do chưa có sự đầu tư thích đáng nên du lịch Hà Nội chưa thể trở thành là ngành "công nghiệp" tạo nguồn thu lớn. Điều đó dẫn đến thiếu chiến lược phát triển dài hạn, cơ chế thu hút nhà đầu tư và thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đó là những hạn chế cơ bản, tạo thành rào cản đối với sự phát triển của du lịch Hà Nội. Chính vì thế, giữa các ban, ngành thiếu sự phối hợp đồng bộ trong việc giải quyết những vướng mắc cho ngành du lịch. Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong hoạt động thu hút khách.
Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist than phiền: Thời gian vừa qua, sự phối hợp giữa các sở, ngành không đồng bộ, ngành giao thông cấm xe đưa đón khách du lịch không được hoạt động trong một số tuyến phố dẫn tới nhiều điểm tham quan, nơi lưu trú, mua sắm gặp không ít khó khăn trong việc thu hút khách. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các nhà hàng, khách sạn, nơi mua sắm, vận chuyển… vẫn mạnh ai nấy làm dẫn tới tình trạng sản phẩm không có tuổi thọ dài, giá thành cao nên khó thu hút được khách kéo dài thời gian lưu trú.
Cần một quy hoạch tổng thể?
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, một quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.
Quy hoạch tổng thể du lịch Thủ đô được phê duyệt sẽ giúp ngành tiến hành quy hoạch chi tiết như quy hoạch về mạng lưới cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch, giao thông phục vụ phát triển du lịch… Quy hoạch này còn góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư, đặc biệt là phát triển 6 cụm du lịch trọng điểm gồm: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội gắn với văn hóa Hà Nội cổ; Cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì với tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, tâm linh tín ngưỡng; Cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn; Đền Sóc - Hồ Đồng; Vân Trì - Cổ Loa; Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận cửa ngõ phía tây Hà Nội gắn với đô thị sinh thái Chúc Sơn…
Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL: Thời gian trước mắt, du lịch Hà Nội rất cần tổ chức nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền như ca trù, cải lương; tổ chức khai thác loại hình du lịch võ thuật qua việc biểu diễn tại đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc… nhằm giúp du khách hiểu thêm về nét đẹp văn hóa Thủ đô; lập đề án xây dựng các tuyến giao thông phục vụ du lịch. Những sản phẩm du lịch này sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo điểm nhấn trong Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội.
Cùng với việc hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển, thành phố cũng cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch Hà Nội; hệ thống các chương trình hành động, quảng bá xúc tiến du lịch và được hỗ trợ bằng các cơ chế chính sách đồng bộ. Tuy nhiên, điều quan trọng là các sở, ngành cần có sự phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng cơ chế chính sách sao cho hài hòa lợi ích giữa các ngành cũng như với doanh nghiệp du lịch.