(Thethaovanhoa.vn) - Những tranh cãi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 đang “nóng” trở lại từ sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng 29/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 170.119.351 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.537.070 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 151.946.854 người.
Những tranh cãi về nguồn gốc virus SARS-CoV-2
Kể từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, virus SARS-CoV-2 cùng những biến thể mới nguy hiểm đã gây ra một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên toàn cầu khi cướp đi sinh mạng của 3,53 triệu người, khiến hơn 170 triệu người bị nhiễm cùng nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế, xã hội.
Loại virus này lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc vào cuối năm 2019 trước khi lan ra toàn thế giới. Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán. Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng có thể chợ này không phải nơi phát sinh dịch bệnh, nhưng là nơi virus phát tán. Tháng 2/2020, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng. Bắc Kinh cũng không loại trừ giả thuyết các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có thể là nguồn bệnh. Tuy nhiên, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 có thể phát tán từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã nỗ lực ngăn chặn một cuộc điều tra minh bạch về dịch bệnh. Phía Trung Quốc đã kịch liệt phản đối những giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 có "rò rỉ" từ một trong những phòng thí nghiệm của nước này.
Nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc COVID-19, nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến Vũ Hán ngày 14/1 và thực hiện cuộc điều tra kéo dài nhiều tuần. WHO nêu rõ chuyến công tác này thuần túy là về khoa học để làm rõ cách thức lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học của WHO đã tiến hành nghiên cứu chung với các nhà khoa học Trung Quốc về nguồn gốc virus. Trong quá trình điều tra, phái đoàn chuyên gia đã tới Viện virus ở thành phố Vũ Hán, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh động vật ở Vũ Hán, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Hồ Bắc, đến thăm các bệnh viện phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên, cũng như các khu chợ và triển lãm về cuộc chiến chống dịch tại thành phố Vũ Hán.
Sau 4 tuần làm việc tại Vũ Hán, đầu tháng 3, một nghiên cứu chung của WHO và các chuyên gia Trung Quốc đều cho rằng sự giải thích virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra". Các chuyên gia đều ủng hộ giả thuyết chung được các bên chấp nhận là sự lây truyền tự nhiên của virus từ động vật - có thể là dơi - sang người, qua một động vật khác mà vẫn chưa được xác định.
Kết quả cuộc điều tra do WHO tiến hành tại Trung Quốc được kỳ vọng cung cấp cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, nhưng khi công bố đã vấp phải sự chỉ trích của Mỹ và 13 nước đồng minh (trong đó có Anh, Nhật Bản và Australia) khi cho rằng thiếu dữ liệu và mẫu cần thiết. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nêu quan ngại về tính độc lập trong báo cáo của WHO cũng như việc thiếu quyền truy cập vào dữ liệu từ Trung Quốc từ những ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát.
Tổng thống Biden thúc đẩy điều tra độc lập về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và phản ứng của Trung Quốc
Trong nhiều tuần trở lại đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden không ngừng gây sức ép với Trung Quốc và WHO liên quan đến điều mà Washington mô tả là một cuộc điều tra “khiếm khuyết” về nguồn gốc COVID-19. Mỹ đã nhiều lần kêu gọi WHO ủng hộ một đánh giá dựa trên nghiên cứu của chuyên gia về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 mà không bị can thiệp và chính trị hóa, đồng thời cho rằng cần xem xét một loạt các lựa chọn cũng như phải tiến hành một cuộc điều tra độc lập.
Sau một báo cáo tình báo đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 do tờ Wall Street Journal tiết lộ mới đây, theo đó 3 nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị ốm vào tháng 11/2019 và phải nhập viện, tức là thời điểm virus SARS-CoV-2 chưa bùng phát ở thành phố này, ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo Mỹ không thể đưa ra kết luận về nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19 nếu không tiến hành một cuộc điều tra độc lập và có thêm dữ liệu từ Trung Quốc. Do vậy, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác cùng chí hướng trên toàn thế giới để hối thúc Trung Quốc tham gia vào một cuộc điều tra quốc tế đầy đủ, minh bạch, dựa trên bằng chứng, đồng thời cung cấp quyền truy cập vào tất cả các dữ liệu và bằng chứng liên quan.
Trung Quốc ngay lập tức đã bác bỏ những thông tin mà nước này khẳng định là "hoàn toàn sai sự thật", cho rằng 3 nhà khoa học ở Vũ Hán đã phải nhập viện ngay trước thời điểm virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại thành phố này và lan ra toàn cầu. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn kịch liệt phản đối những giả thuyết cho rằng virus SARS-CoV-2 có "rò rỉ" từ một trong những phòng thí nghiệm của nước này. Trung Quốc đã thông báo về đợt bùng phát các ca mắc bệnh viêm phổi ở Vũ Hán cho WHO vào ngày 31/12/2019. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) khẳng định virus SARS-CoV-2 chưa từng xuất hiện trước thời điểm ngày 30/12/2019 và cho đến nay Vũ Hán chưa ghi nhận ca nhiễm nào trong các nhà khoa học cũng như sinh viên mới tốt nghiệp.
Động lực tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch càng được thúc đẩy khi gần đây xuất hiện các báo cáo của tình báo Mỹ với bằng chứng cho thấy, giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm vẫn tồn tại. Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông đã trực tiếp chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. Kết quả điều tra phải đệ trình trong vòng 90 ngày. Chỉ một ngày sau yêu cầu cộng đồng tình báo Mỹ tăng gấp đôi nỗ lực điều tra nguồn gốc COVID-19, nhà lãnh đạo Mỹ đã hối thúc WHO triển khai điều tra giai đoạn 2 về nguồn gốc SARS-CoV-2 tại Trung Quốc.
Sau động thái của Tổng thống Mỹ Biden, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố việc chính trị hóa nguồn gốc COVID-19 sẽ không chỉ gây khó khăn cho việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện virus SARS-CoV-2, mà còn tạo điều kiện cho “virus chính trị” lây lan, hủy hoại nghiêm trọng các nỗ lực hợp tác quốc tế chống đại dịch. Thông cáo nêu rõ Trung Quốc luôn kêu gọi hợp tác quốc tế để truy tìm nguồn gốc COVID-19 dựa trên nền tảng tôn trọng chứng cứ, khoa học, nhằm hướng đến mục tiêu đưa thế giới phản ứng hiệu quả hơn trước các đại dịch bùng phát bất ngờ trong tương lai.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nhấn mạnh, để thể hiện trách nhiệm trước sức khỏe nhân loại, Trung Quốc ủng hộ một cuộc nghiên cứu toàn diện về các ca mắc COVID-19 trên thế giới trong giai đoạn đầu xuất hiện dịch, mở cuộc điều tra kĩ lưỡng một số căn cứ, phòng thí nghiệm bí mật trên toàn cầu. Một cuộc điều tra, nghiên cứu như vậy phải bảo đảm nguyên tắc toàn diện, minh bạch, dựa trên bằng chứng khoa học và phải làm rõ được mọi vấn đề.
Thanh Lâm - TTXVN