(Thethaovanhoa.vn) - Cựu Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi ngày 26/6 bị cáo buộc thêm 7 tội danh liên quan đến nhận hối lộ trong một thỏa thuận xử lý hồ sơ xin thị thực. Trước đó, ông Zahid đã phải đối mặt với 47 cáo buộc tham nhũng.
Ngày 29/5, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tuyên bố nước này sẽ tiếp tục sử dụng "nhiều nhất có thể" các sản phẩm của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Tại Tòa án hình sự Kuala Lumpur, ông Zahid khẳng định mình vô tội. Sau phiên tòa, ông đã được bảo lãnh tại ngoại.
Các cáo buộc mới liên quan đến 4,24 triệu đôla Singapore (tương đương 3,13 triệu USD), mà ông Zahid bị nghi là đã nhận trong khoảng thời gian từ ngày 28/3/2017 đến ngày 2/3/2018, từ công ty Ultra Kirana Sdn. Bhd. Công ty này đã giành được một hợp đồng của chính phủ, trở thành nhà cung cấp dịch vụ cho trung tâm một cửa ở Trung Quốc nhằm xử lý các hồ sơ xin thị thực ở Bắc Kinh cũng như hệ thống xử lý thị thực trực tuyến.
Mỗi cáo buộc mới tương ứng với một mức án tối đa 20 năm tù và khoản tiền phạt tối thiểu gấp 5 lần giá trị tiền hối lộ ông đã nhận. Công ty Ultra Kirana cho biết đã hối lộ ông Zahid tổng cộng khoảng 47 triệu ringgit (khoảng 11,3 triệu USD).
Phát biểu với báo giới bên ngoài phòng xử án, Azam Baki - một quan chức Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia cho biết ngày 27/6 tới, ông Zahid sẽ phải ra trình diện Tòa hình sự Shah Alam, ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, để đối mặt với 33 tội danh khác liên quan đến hệ thống nhận hối lộ tương tự.
Từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, ông Zahid đã phải đối mặt với 47 cáo buộc liên quan đến lạm quyền, lạm dụng tín nhiệm và rửa tiền. Nhiều cáo buộc trên xuất phát từ tiền hối lộ của các công ty để đổi lại các hợp đồng, một trong số đó là hợp cung cấp vi mạch và giấy polycarbonate sử dụng làm hộ chiếu của Malaysia. Ông cũng bị cáo buộc đã sử dụng sai mục đích quỹ tài trợ của gia đình ông, Quỹ Akal Budi. Cụ thể, ông đã sử dụng 260.000 ringgit (gần 64.000 USD) từ quỹ này để thanh toán cho công ty TS Consultancy and Resources vào ngày 23/12/2016.
Ông Zahid là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Najib Razak, người đang phải đối mặt nhiều cáo buộc rửa tiền, lạm dụng quyền lực và lạm dụng tín nhiệm gây hậu quả hình sự. Rắc rối pháp lý của ông Zahid giáng một đòn mạnh vào Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), một đảng từng chế ngự chính trường Malaysia, là "hạt nhân" của liên minh Mặt trận Quốc gia từng lãnh đạo đất nước 60 năm cho đến khi thất bại trong cuộc bầu cử tháng 5/2018. Khi là chủ tịch đảng, ông đã buộc phải ra trình diện tòa tháng 10/2018 và phải bàn giao trách nhiệm cho cấp phó của mình. Ông cũng đã phải giao lại vị trí lãnh đạo đảng đối lập cho người khác.
Bích Liên - TTXVN