(TT&VH) - Hiện đang có hàng trăm tên cướp biển phải thụ án trong các nhà tù ở miền Bắc Somalia. Nhưng cứ mỗi một tên bị bắt lại có hàng chục người khác sẵn sàng thay thế chỗ của chúng. Phóng viên tờ Spiegel của Đức đã có chuyến thăm tới một nhà tù giam giữ cướp biển để tìm hiểu xem vì sao rất nhiều người Somalia vẫn tìm tới cái nghề “thất đức” này, bất chấp việc có quá nhiều rủi ro chờ đợi họ trước mắt.
Omar Abdullahi, 45 tuổi, biết rất rõ về các tuyến hoạt động của tàu tuần tra. Anh ta thậm chí còn biết về trang bị tồi tàn của lực lượng tuần duyên và lương tháng của họ rất “bèo”, chỉ 45 USD/tháng. Đó cũng từng là mức lương của anh, bất chấp là lãnh đạo lực lượng tuần duyên thành phố Las Qoray.
Quan chức tuần duyên cũng làm cướp
Một người lính điển hình của lực lượng tuần duyên Somalia, với trang bị tồi tàn trong khi phải bảo vệ đường bờ biển kéo dài |
Mỗi lúc xuống tàu, anh ta “bó tay” khi thấy cướp biển dễ dàng trốn chạy trong những chiếc xuồng cao tốc của chúng, tránh khỏi sự vây bắt của các chiến sĩ tuần duyên. Khi lên bờ, anh thấy cũng chính những tên cướp đó đã phung phí tiền cướp được mua xe sang, nhà đẹp.
Phẫn nộ với tình trạng “bất công” này, vào năm 2007, sau 14 năm làm nghề tuần duyên, Abdullahi đã bỏ việc. Ngày 23/3 vừa qua, các đồng nghiệp cũ đã bắt được anh ta và 6 cộng sự khi họ đang đi trên một chiếc xuồng cao tốc có trang bị hệ thống định vị vệ tinh GPS. Thành viên lực lượng tuần duyên còn thấy cả bọn ném vũ khí, gồm những khẩu AK-47 và súng phóng lựu xuống biển, trước khi bị bắt. Kể từ đó, Abdullahi đã bị đưa vào tạm giam tại nhà tù Hargeisa ở thành phố Berbera phía Bắc Somalia, nơi có khoảng 350 tên cướp biển đang “bóc lịch”. Bản cáo trạng nói rằng anh ta và đồng bọn đã tấn công nhiều tàu chở dầu và chở hàng.
Đại tá Ahmed Ali hiện là chỉ huy đơn vị tuần duyên ở thành phố Berbera. Ông nói rằng có nhiều lần thấy đồng nghiệp cũ lảng vảng gần Eyl, cứ điểm của cướp biển Somalia. "Chúng tôi biết rằng Abdullahi đã kiếm được rất nhiều tiền từ đó” - Ali nói và cho biết tiền không tới từ nghề đánh cá - “Nếu anh ta là ngư dân, anh ta sẽ tiếp tục được hành nghề chứ không phải tới góp mặt trong nhà tù này”.
Tiền chuộc là một dạng thuế
Cướp biển Somalia đã trở thành một vấn nạn lớn, gây ảnh hưởng trên quy mô toàn thế giới. Tờ Spiegel dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tình trạng cướp biển ngoài khơi Somalia và ở Ấn Độ dương đã khiến cộng đồng toàn cầu thiệt hại gần 10 tỉ USD. Mức tiền chuộc trung bình cũng tăng vọt từ 150.000 USD lên 5,4 triệu USD, chỉ trong vòng 5 năm từ 2005 tới 2010. Mức độ siêu lợi nhuận từ các thương vụ cướp biển khiến chỉ riêng từ tháng 1 tới tháng 3 năm nay đã có 98 vụ tấn công tàu biển xảy ra. Đây là 1 con số kỷ lục.
Thế nhưng đó chỉ là những con số bề nổi. Các nhân vật như Ahmed Muhammed Adam, một tên cướp biển bị bắt ngày 17/4/2010 cùng 6 người khác, đã cung cấp những cái nhìn từ người trong cuộc. Giống phần lớn các nghi phạm cướp biển, Adam nói rằng anh ta chỉ là ngư dân, không có liên hệ gì tới cướp biển. Động cơ của chiếc thuyền của anh ta bị hỏng và Adam cho biết nó đã bị trôi dạt theo hướng Tây. Con tàu đã được các khu trục hạm nước ngoài phát hiện và báo lại cho phía tuần duyên Somalia. Kết quả là Adam bị bắt, bị lãnh án 15 năm tù.
Bất chấp việc liên tục chối tội, Adam vẫn tiết lộ một số thông tin đáng ngạc nhiên về hoạt động cướp biển. "Bất kỳ ai tham gia cướp biển đều đối mặt với rủi ro và phần lớn họ đều thất bại” - Adam nói. Anh ta cho biết trước đây hoạt động cướp biển chỉ như một cách để ngư dân Somalia tự vệ chống lại các tàu đánh cá trộm tới từ nước ngoài. Tuy nhiên hoạt động này ngày càng béo bở và những rủi ro kèm theo nó không còn khiến người ta sợ hãi. Adam cũng tin tưởng khẳng định chuyện cướp biển sẽ không ngừng lại bởi những người như anh ta coi tiền chuộc là “một dạng thuế” bình thường.
Ngoài ra, nạn cướp biển nở rộ còn vì ở Somalia, nghề này mang lại cho người ta quá nhiều thứ, bên cạnh lợi ích tài chính. “Bất cứ ai mang về được một khoản tiền chuộc sẽ trở thành kẻ bất khả xâm phạm” - Adam nói. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi chính những tay cướp biển đã chiếm thành công một con tàu chở dầu hay tàu hàng có thể nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng.
"Nhiều dòng tộc và gia đình lớn đã tham gia hoạt động làm ăn. Gần như tất cả bọn họ” - Adam cho biết. Anh ta cũng cho biết chính quyền gần như chẳng còn chút ảnh hưởng nào tại Hobyo, một căn cứ địa khác của cướp biển ở phía đông Somalia. "Một bộ trưởng gần đây muốn nói chuyện với các gia tộc ở Hobyo. Nhưng ngay từ khi đi trên đường, ông ta đã gặp vô số khó khăn, chưa nói gì tới việc đàm phán” - Adam kể - “Trong những năm 1990 nhà nước có thể còn chút quyền lực nào đó. Giờ thì quá muộn bởi mức tiền chuộc đã quá lớn. Cướp biển đã mang lại quá nhiều tiền khiến người ta không còn muốn bỏ nghề”.
Những tên cướp biển đang bị giam giữ tại nhà tù Hargeisa
Một “nghề nghiệp” vô cùng rủi ro
Một tù nhân khác ở Hargeisa là Ahmad Muhamad Jama. Nhân vật 30 tuổi này cũng tuyên bố mình là ngư dân và chiếc thuyền của anh ta bị hỏng máy. Dù khẳng định chưa bao giờ tham gia hoạt động cướp biển, Jama cho biết anh ta ủng hộ họ về mặt tinh thần. Ngoài ra Jama có vẻ rất thông thạo về hoạt động này. “Rất khó để ngăn chặn cướp biển. Ngoài tiền bạc, người dân ở đây còn ra biển để trả thù cho anh em hoặc cha họ đã bị giết trên biển” - Jama nói.
Spiegel nói rằng tình hình đụng độ giữa cướp biển và lực lượng chống chúng đã leo thang lên mức độ bạo lực mới. Hồi giữa tháng 5, trực thăng vũ trang từ tàu chiến USS Bulkeley của Mỹ đã bắn chết 4 tên cướp biển Somalia khi chúng định leo lên tàu chở dầu Artemis của Đức. Bản thân Jama nói rằng đã mất 3 người thân. Họ thông báo ra khơi để đánh cá, nhưng không bao giờ trở lại. Người ta chỉ thấy xác con thuyền vỡ nát của họ dạt vào bờ. Không ai biết liệu con thuyền gặp nạn hay bị tàu hải quân chống cướp biển tấn công.
Phía cướp biển cáo buộc lực lượng chống cướp đối xử với họ vô cùng nghiệt ngã. Theo đó, rất ít khi cướp biển bị bắt làm tù nhân. Thay vì thế, các tàu chống cướp biển thường tịch thu vũ khí, thiết bị định vị vệ tinh... có trên tàu cướp. Đôi khi họ phá động cơ của con tàu và bỏ mặc cho những tên cướp, với lượng lương thực và nước ngọt ít ỏi, phải tự xoay xở với số phận. Rất nhiều tay cướp biển đã một đi không trở lại như thế. Nhưng những rủi ro này không khiến số vụ cướp biển giảm xuống. Adam nói rằng cứ 20 tên cướp chết đi, luôn sẵn sàng có hàng chục người khác thay chỗ chúng.
Thực tế thì cướp biển thậm chí đã trở thành người hùng với nhiều thanh niên Somalia trẻ tuổi. Một trong các tù nhân ở Hargeisa là Muhammed Yussuf Abdia, 18 tuổi, nhân vật bị kết án 1 năm tù giam vì cầm mã tấu chém cha đẻ. Thanh niên này khẳng định sẽ sớm tham gia cướp biển khi lấy lại tự do bởi hình mẫu lý tưởng của cậu ta là Farah Ismail Ilie, một trong những tay cướp biển khét tiếng đang thụ án ở nhà tù Hargeisa.
Với lực lượng tuần duyên Somalia, mỗi ngày trôi qua họ vẫn phải đương đầu với bọn cướp trong một cuộc chiến không cân sức, khi chúng dựa vào tiền cướp được đang ngày càng trở nên mạnh hơn, trang bị tốt hơn. Với vỏn vẹn 400 quân nhân và 10 tàu dưới quyền, đại tá Ahmed Ali phải chịu trách nhiệm quản lý một đường bờ biển dài tới 1.000 km. Đó là chưa kể tới việc các con tàu thường xuyên hư hỏng, phụ tùng thay thế chẳng bao giờ được đưa tới, nhiên liệu thì thiếu còn lương tháng của họ luôn tới muộn.
"Cướp biển là một tai họa. Nhưng nếu muốn xử lý chúng, người ta phải trang bị cho chúng tôi rađa tốt hơn, cơ chế huấn luyện tốt hơn và các tàu cao tốc nhanh hơn” - Ali nói - “Thay vì đổ hàng tỉ đô la vào việc triển khai các tàu chiến tới đây, cộng đồng quốc tế nên đầu tư cho chúng tôi và qua đó, chúng ta sẽ có một giải pháp chống cướp biển rẻ hơn rất nhiều”.
Tường Linh