Cử tri Hà Nội kiến nghị Chủ tịch Nguyễn Đức Chung những bức xúc về tín dụng đen 'A lô là có tiền'

Thứ Tư, 12/12/2018, 11:31 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 11/12, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, sau Kỳ họp thứ 7, HĐND thành phố Khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc ở Thủ đô.

Quốc hội sẽ dành 3 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019

Quốc hội sẽ dành 3 ngày thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường các vấn đề về kinh tế - xã hội.

Từ ngày 4-6/12/2018, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức Kỳ họp thứ 7, Khóa XV, xem xét tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, kế hoạch năm 2019; xem xét việc trả lời kiến nghị của cử tri, thực hiện chất vấn đối với những vấn đề bức xúc đang được cử tri, nhân dân quan tâm; thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với 36 chức danh do HĐND thành phố bầu và thực hiện công tác nhân sự theo thẩm quyền. HĐND thành phố đã thông qua 5 Nghị quyết thường kỳ và 15 Nghị quyết chuyên đề với tỷ lệ thống nhất cao.

Phát biểu tại Kỳ họp, cử tri Nguyễn Văn Đồng (phường Lý Thái Tổ), đánh giá cao việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND thành phố bầu. Cử tri Nguyễn Văn Đồng khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự ghi nhận những nỗ lực của từng đồng chí trên cương vị công tác đối với thành tích chung của thành phố. Cử tri mong rằng các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục rèn luyện phẩm chất, khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót và không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công việc trên cương vị công tác.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại cuộc tiếp xúc cử tri. Nguồn: Báo Hà Nội Mới

Đồng tình với ý kiến cử tri Nguyễn Văn Đồng, cử tri Nguyễn Quyết Thắng (phường Hàng Mã) bày tỏ sự phấn khởi khi nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm qua, đồng thời đưa ra 3 kiến nghị. Cụ thể là, thành phố sớm mở thí điểm các vòm cầu khu vực đường Phùng Hưng để kết nối với tuyến phố đi bộ, quy hoạch rõ các vòm cầu sử dụng vào mục đích kinh doanh để tạo đà tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương; nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế phường, bổ sung nguồn lực để công tác khám chữa bệnh ban đầu đạt hiệu quả cao, góp phần giảm chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trên địa bàn; thành phố cho thảm lại mặt đường phố Lý Nam Đế để đồng bộ với cơ sở hạ tầng cáp điện, viễn thông, đường nước, tạo mỹ quan và kết nối giao thông với tuyến phố đi bộ để kích cầu tham quan du lịch trên địa bàn.

Đóng góp ý kiến vào việc thực hiện mục tiêu quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh – văn hiến – văn minh – hiện đại, trên nền tảng phát triển bền vững”, cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) bày tỏ mong muốn thành phố quan tâm xây dựng, cải tạo gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông công cộng, trường học, bệnh viện và không gian trên địa bàn; kiểm soát quy mô dân số và hạn chế xây nhà cao tầng trong các quận nội thành, ưu tiên phát triển không gian công cộng. Cử tri Nguyễn Văn Dũng cũng đề nghị thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các vấn đề tồn tại về trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường như ô nhiễm nguồn ngước, ô nhiễm không khí, xử lý chất thải rắn, nước thải…

Chung quan điểm với cử tri Nguyễn Văn Dũng, cử tri Chu Thị Hà (Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hoàn Kiếm) nhận định, thành phố cần nghiên cứu kỹ để có quy hoạch tổng thể sao cho hệ thống bến xe được tồn tại lâu dài, tránh việc phải điều chỉnh, xây dựng các bến xe mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông vận tải công cộng đồng bộ kết nối từ nội đô, kết nối các bến tàu, bến xe, sân bay, để việc đi lại của người dân được đáp ứng tốt nhất. Cử tri Chu Thị Hà cũng đề cập đến việc xây dựng “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng – trường đua ngựa” tại huyện Sóc Sơn và cho rằng, việc xây dựng trường đua ngựa và những dịch vụ kèm theo là chủ trương mới, thành phố cần xem xét sử dụng những vùng đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, xa nơi đông dân để quy hoạch phát triển, đầu tư những dịch vụ phi sản xuất để góp phần cải thiện đời sống người dân, tránh xung đột quyền lợi của dân cư.

Bên cạnh đó, cử tri quận Hoàn Kiếm cũng bày tỏ lo ngại về tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hành vi lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”. Cử tri Đặng Đình Đức (phường Hàng Buồm) đánh giá, thời gian qua mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp đấu tranh song hoạt động “tín dụng đen” vẫn xảy ra nhiều và có xu hướng phát triển về vùng nông thôn. Các tờ quảng cáo rao vặt được dán khắp nơi như “Hỗ trợ tài chính”, “Cho vay trả góp không thế chấp”, “A lô là có tiền”… Hoạt động “tín dụng đen” gây ra nhiều hệ lụy, nạn nhân nhẹ thì bị đe dọa, khủng bố tinh thần, nặng thì bị hành hung, siết nợ… Cử tri đề nghị thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác xử lý, chấm dứt tình trạng này để mang lại bình yên cho nhân dân.

Trả lời kiến nghị của cử tri Nguyễn Quyết Thắng về đề nghị thành phố sớm triển khai mở thí điểm các vòm cầu phố Phùng Hưng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã giao quận Hoàn kiếm chủ trì, kêu gọi xã hội hóa cải tạo các vòm cầu ở phố Phùng Hưng. Trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, kiến trúc sư, thành phố sẽ tiến hành thí điểm một số vòm cầu rồi mới nhân rộng ra cả tuyến phố. Trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ rà soát kỹ hai bên đường, cải tạo thành không gian đi bộ và đặc biệt sẽ thông tin công khai để người dân nắm rõ.

Về “Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa” tại huyện Sóc Sơn, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Việc triển khai dự án sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu ngoại tệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của huyện Sóc Sơn nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Dự kiến, việc xây dựng và đưa vào hoạt động dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 600 - 1.000 lao động trực tiếp và 2.000 - 2.500 lao động gián tiếp, mỗi năm đóng góp cho ngân sách thành phố từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng.

Liên quan đến các vấn đề phát triển đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ mà thành phố hết sức quan tâm. Trong 2 năm qua, thành phố đã tiến hành cải tạo, xử lý ô nhiễm cho hơn 100 sông hồ, hiện tại đang tích cực triển khai các dự án cấp nước sạch cho nhân dân. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư cho công tác này, đồng thời xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, lấy nguồn lực tái đầu tư phát triển thành phố.

Để nâng cao hiệu quả trấn áp các loại hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm “tín dụng đen”, Chủ tịch UBND thành phố thông tin, vừa qua Bộ Công an đã quyết liệt chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố trấn áp loại hình tội phạm này. Đây cũng là nhiệm vụ được thành phố chú trọng nhiều năm qua. Thời gian tới, lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường các biện pháp đấu tranh, kiên quyết xử lý, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Văn Cảnh - Mai Linh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến