(Thethaovanhoa.vn) - Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài hơn một năm và gây nhiều tổn thất cho các bên liên quan. Tuy nhiên theo nhận định của giới phân tích, có những lý do khá thuyết phục để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm hòa với nhau càng sớm càng tốt.
Ngày 23/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo ông và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc để đàm phán thương mại trong hai tuần tới.
Theo giới phân tích, có 4 lý do để đi đến nhận định này.
Thứ nhất, áp thuế không phải là một công cụ hữu hiệu để giải quyết sự mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung, vốn chủ yếu do yếu tố về cơ cấu kinh tế. Để giảm mất cân bằng thương mại, mỗi nước phải thực hiện những điều chỉnh cơ cấu lớn. Trong đó, Trung Quốc phải mở rộng nhập khẩu và kích thích tiêu thụ nội địa, trong khi Mỹ cần giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm.
Thứ hai, dân số Trung Quốc già hóa trong khi tỷ lệ tiết kiệm giảm sẽ thúc đẩy chi tiêu ở trong nước và nâng tỷ trọng đóng góp của tiêu dùng trong GDP. Nếu nhìn từ góc độ này, sự mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung hiện nay chỉ là nhất thời, chứ không phải là vĩnh viễn.
Thứ ba, việc hai nước “ăn miếng trả miếng" thuế quan không những không nhổ tận gốc tình trạng mất cân bằng thương mại song phương, mà còn làm suy yếu tăng trưởng kinh tế của mỗi nước. Trong một thế giới kết nối, Mỹ không thể phát triển mạnh ở phía sau một bức tường thuế quan cao chót vót, và Trung Quốc cũng không thể thể tái cấu trúc thành công mô hình tăng trưởng và phát triển khi không dựa vào các thị trường và công nghệ toàn cầu.
Thứ tư, và cũng là lý do cuối cùng, là việc chấm dứt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang trở thành một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang có dấu hiệu bắt đầu giảm tốc, khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Khôi phục thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo động lực cho tăng trưởng, và tùy theo cách thức mà cuộc chiến này kết thúc, nó sẽ đem lại kết quả lợi hay hại cho Mỹ, Trung Quốc và kinh tế toàn cầu.
Vnews