(Thethaovanhoa.vn) - Trong những giờ phút đen tối nhất lịch sử nước Mỹ ngày 11/9/2001, một người đàn ông bí ẩn đã bất chấp tính mạng của mình, cứu giúp những người anh không hề quen biết, đó là Welles Crowther.
Khi chiếc máy bay mang số hiệu 175 của hãng United Airlines bị không tặc khống chế đâm vào tòa tháp phía nam Trung tâm thương mại Thế giới (WTC) 15 năm trước, có khoảng 50 - 200 người đang chờ thang máy khẩn cấp tới sơ tán họ. Tuy nhiên, chỉ có 12 người trong số đó may mắn sống sót.
Theo lời kể của những người này, trong giờ phút hỗn loạn đầy khói lửa trong đống đổ nát ấy, một người đàn ông lạ mặt đã xuất hiện đưa các nhân viên bị thương và mất phương hướng đến nơi an toàn. Mặc dù họ không thể nhìn rõ do khói bụi nhưng đều cho biết đã nhìn thấy một người đàn ông cao lớn quấn một chiếc khăn tay đỏ quanh miệng và mũi.
Welles Crowther người hùng xả thân vì sự sống của người khác. Ảnh: Crowthertrust
Judy Wein, một nhân viên làm việc ở tầng 103, chia sẻ với kênh CNN: “Con người ta có thể sống 100 năm nhưng có lẽ không đủ lòng trắc ẩn để làm được những điều phi thường như thế.” Theo lời kể của Judy, khi cuộc tấn công xảy ra, cô vô cùng hoảng loạn. Đúng lúc đó, người đàn ông bất ngờ xuất hiện. “Anh rất bình tĩnh chỉ cho chúng tôi lối cầu thang. Anh đã tìm thấy một chiếc bình cứu hỏa”, cô cho biết.
Ling Young, một phụ nữ khác may mắn sống sót sau vụ nổ ở những tầng trên cùng, nhớ lại cô đã nghe thấy một người đàn ông hét lớn bằng một giọng nói đầy uy lực: “Bất cứ ai có thể đi được, hãy chạy xuống phía cầu thang bên dưới. Hãy giúp đỡ nhau và đi theo tôi”.
Khi họ đi xuống, Ling nhận ra người đàn ông này đang cõng một người phụ nữ. Đúng lúc đó, anh tháo chiếc khăn ra, Young đã kịp nhìn thấy khuôn mặt anh, khuôn mặt mà mãi về sau này luôn in đậm trong tâm trí cô. Anh đã dẫn Ling và những người khác tới tầng 61 trước khi quay trở lên để cứu những người khác. Kể từ đó, không còn ai nhìn thấy anh ta nữa.
Mặc dù người đàn ông này đã cứu ít nhất 10 người trong vụ tấn công làm rung chuyển nước Mỹ, danh tính của anh vẫn chưa được nhiều người biết đến, thậm chí với cả những người được anh giải thoát. Mãi đến 9 tháng sau, khi tờ New York Times chia sẻ một bài báo với nhan đề: “Chiến đấu cho sự sống khi tòa tháp sụp đổ” kể về “một người đàn ông bí ẩn đã xuất hiện, miệng và mũi anh bịt một chiếc khăn tay màu đỏ. Anh đang tìm kiếm một chiếc bình cứu hỏa,” câu chuyện về “người hùng” này mới dần được hé lộ.
Đó là Welles Crowther, 24 tuổi, nhà kinh doanh chứng khoán cho ngân hàng đầu tư Sandler O'Neill. Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, anh đang làm việc trên tầng 104 tòa tháp phía nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Từng là lính cứu hỏa tình nguyện ở New York, anh xử lý rất thành thạo các trường hợp khẩn cấp. Sau khi chiếc máy bay lao vào tòa tháp vài phút, anh bình tĩnh nhắn tin cho mẹ mình, bà Alison rằng: “Mẹ à. Con muốn mẹ biết rằng con vẫn ổn.” Đó là những lời cuối cùng gia đình nhận được từ anh.
Thảm kịch 11/9 tại Mỹ cướp đi tính mạng của hơn 3.000 người từ 90 quốc gia khác nhau
Gia đình Welles không biết chính xác những gì đã xảy ra trước khi anh qua đời cho tới khi họ đọc được bài báo. Bà Allison ngay lập tức nhận ra chi tiết “chiếc khăn đỏ” và nhanh chóng gửi bức hình con trai mình tới Judy và Ling. Họ khẳng định rằng Welles chính là người đã cứu họ. “Tất cả mọi điều chúng tôi chia sẻ, mọi chi tiết đều trùng khớp với Welles,” bà chia sẻ với phóng viên của CNN.
Theo lời bà kể, cha Welles, cũng là một lính cứu hỏa, đã tặng anh chiếc khăn đỏ và dặn anh luôn mang theo bên mình ngay từ khi anh còn là một cậu bé. Welles đã ôm khao khát trở thành lính cứu hỏa kể từ đó. Bà cũng cho biết thêm đã có những dự cảm chẳng lành trước thảm họa này. Vài tuần trước vụ tấn công, Welles dường như trở nên bồn chồn. Cậu nói với cha mình rằng đang cân nhắc tới việc từ bỏ công việc chứng khoán và gia nhập đội cứu hỏa New York. Xem lại những bức ảnh cũ thời đại học vài ngày trước thảm kịch, Welles đã nói với mẹ: “Mẹ à, con không biết điều này có nghĩa là gì. Nhưng con biết rằng, con sẽ trở thành một phần của cái gì đó thật lớn lao.”
Sáu tháng sau vụ tấn công, thi thể Welles đã được tìm thấy trong đống đổ nát tại khu vực thi hài lính cứu hỏa và những nhân viên cứu hộ khẩn cấp từng phụ trách trung tâm chỉ huy ở hành lang tòa tháp phía Nam. Điều lạ lùng ở chỗ bằng cách nào đó, Welles đã xuống tới tầng dưới cùng trước khi tòa tháp sụp đổ. Anh có thể đã thoát được nhưng có lẽ Welles đã quyết định ở lại giải thoát cho những người khác.
Chiếc khăn đỏ biểu trưng cho lòng quả cảm, tính nhân đạo và niềm hy vọng
Tháng 6/2002, trung tâm đào tạo lính cứu hỏa quận Rockland đã tổ chức lễ tưởng niệm 5 nhân viên tình nguyện cứu hỏa đã hi sinh trong thảm kịch này, trong đó có Welles. Bà Alison cho biết: “Giờ đây con trai tôi đã cảm thấy thực sự mãn nguyện”. Welles Crowther không còn là một nhân viên chứng khoán nữa mà là một người anh hùng, một lính cứu hỏa can trường. Và đúng như những gì Welles nói, anh thực sự đã làm nên một điều lớn lao.
Cách đây 15 năm, vụ tấn công bằng máy bay vào trung tâm New York, Mỹ đã khiến 2.977 người thiệt mạng, để lại nỗi đau không gì phai nhòa trong lòng người dân Mỹ nói riêng và người ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới nói chung.
Vào tháng 5/2014, tại lễ khai mạc của Bảo tàng tưởng niệm sự kiện 11/9 thường niên, Tổng thống Obama đã lựa chọn vinh danh Welles Crowther - người đàn ông trẻ tuổi đã “anh dũng hi sinh tính mạng của mình để cứu những người khác.” Hành động xả thân của anh mãi là biểu tượng cho lòng dũng cảm và nhân đạo sâu sắc. Hơn một thập kỷ trôi qua, với những người được cứu thoát, chiếc khăn đỏ luôn là biểu tượng cho hy vọng, sự an toàn, rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp. Mô phỏng chiếc khăn đỏ hiện được trưng bày tại bảo tàng để tưởng nhớ Welles.
Theo Lê Huyền - Tin tức/ New York Post