Chuyên gia Nhật Bản: Trung Quốc có thể bất chấp luật pháp quốc tế, dùng Biển Đông làm 'thuốc thử' Donald Trump

Chủ Nhật, 27/11/2016, 22:4 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc có thể thực hiện hành vi gây hấn liên quan đến Biển Đông nhằm thử phản ứng của Washington sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 tới.

 

Nhà nghiên cứu cao cấp Tetsuo Kotani tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật Bản đã đưa ra nhận định trên. Trong bài phỏng vấn mới đây của tờ The Nation (Thái Lan), chuyên gia Tetsuo Kotani cho rằng Trung Quốc có 2 sự lựa chọn, "chờ xem" hoặc có hành động khiêu khích để thử phản ứng của chính quyền tiếp theo ở Mỹ, chừng nào ông Trump tiếp tục không làm rõ các chính sách của mình liên quan đến Biển Đông.

 


Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Washington (Mỹ) ngày 21/3. Ảnh: AP/TTXVN

Viện dẫn 2 vụ việc trên không và trên biển giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc lần lượt vào tháng 4/2001 và tháng 3/2009, sau khi ông George W Bush và Barack Obama nhậm chức, ông Kotani nói: "Chúng ta có thể dự đoán rằng vào tháng 3 năm 2017, Trung Quốc có thể thử chính quyền mới của Mỹ ở Biển Đông".

Tuy nhiên, học giả này cũng cho rằng cách hành xử của các nước liên quan khác cũng như quyền lực của các phe phái chính trị ở Bắc Kinh, có thể tác động đáng kể đến đường hướng của các hành động.

Bên cạnh đó, ông Kotani khẳng định ngoại giao và luật pháp quốc tế, đặc biệt là phán quyết hồi tháng 7 của Tòa Trọng tài thường trực vốn bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, vẫn có sức nặng chi phối cách hành xử của các nước liên quan.

Trước đó, ba tàu khu trục của Mỹ khiến Trung Quốc lo lắng ở Biển Đông đã quay về Mỹ sau một thời gian dài hoạt động gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh tại vùng biển này. Navy Times ngày 17/11 cho biết, 3 tàu khu trục Decatur, Momsen và Spruance đã trở về Mỹ trong những ngày sau cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Hai khu trục hạm Spruance và Decautr đã trở lại San Diego ngày 14/11, còn Momsen trở lại Everett, Washington ngày 10/11.

 

Trước đó 3 tàu này hoạt động liên tục 7 tháng ở Thái Bình Dương. Những khu trục hạm của Mỹ thường xuyên tuần tra, cơ động sát các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông. 


Khu trục hạm Spruance. (Nguồn: DefenceTalk)

Điều đáng chú ý là, thông thường các tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông thuộc biên chế của Hạm đội 7 đóng tại Yokosuka, Nhật Bản. Trong khi 3 chiến hạm này thuộc biên chế của Hạm đội 3 tại San Diego.

Việc điều động chiến hạm của Hạm đội 3 đến Biển Đông là nhằm mục đích cho khu vực thấy rằng, hải quân Mỹ có thể cơ động đến các địa bàn khác nhau.

Trước đó, tàu chiến Mỹ tiếp tục thực hiện một sứ mạng "tuần tra đảm bảo tự do hàng hải" trên Biển Đông, Trung Quốc lập tức giận dữ lên tiếng, gọi đây là hành vi cố tình thách thức.

trong một thông cáo phát đi trên website Bộ Quốc phòng Trung Quốc vào lúc 23 giờ 44 phút ngày 21/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng việc chiến hạm Mỹ tự ý vào (cái gọi là) “lãnh hải của Trung Quốc” là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cũng là hành vi cố ý thách thức, gây tổn hại nghiêm trọng tới sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc kiên quyết phản đối và có giao thiệp nghiêm chính với phía Trung Quốc. 

 

Ngoài ra, theo ông Ngô Khiêm, việc làm nêu trên của Mỹ chính là kích động, mưu đồ thông qua đó để làm rối loạn tình hình nhằm đục nước béo cò, chứng minh phía Mỹ là kẻ gây rắc rối đối với ổn định tình hình Biển Đông.


Tàu khu trục DDG 73 của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Cùng ngày, hãng tin Reuters của Anh dẫn nguồn tin là một quan chức Mỹ giấu tên cho biết tàu khu trục USS Decatur (DDG 73) đã tới gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép) thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với quần đảo này, tuy nhiên, DDG 73 đã không đi sâu vào trong khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo thuộc quần đảo này. Phía Mỹ chỉ rõ đây là hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm đảm bảo tự do hàng hải.

Trước động thái nêu trên của phía Mỹ, phía Trung Quốc đã cử tàu theo dõi hoạt động của DDG 73, nhưng hai bên không xảy ra hành động ngoài ý muốn nào. Thông tin từ tài khoản weibo (mạng xã hội tương tự Twitter ở Mỹ) của Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau đó cho hay tàu khu trục Quảng Châu trang bị tên lửa đạn đạo và tàu hộ vệ Lạc Dương trang bị tên lửa đạn đạo đã được điều động để tiến hành nhận biết, xác minh, cảnh cáo và xua đuổi tàu chiến Mỹ.

Đây là lần thứ 4 kể từ cuối năm 2015, Mỹ điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh nuốt trọn gần cả vùng biển này.

Liên quan tới vấn đề Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình từng nhiều lần nhấn mạnh "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". 

Ông Lê Hải Bình cũng nêu rõ: "Các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này" trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế.

B.T

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến