(Thethaovanhoa.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được một "lá thư tuyệt vời" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây, nhấn mạnh các mối quan hệ "rất tốt" giữa hai bên. Nội dung bức thư này không được công bố, nhưng nhiều khả năng trong đó cũng chính là bức thông điệp mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ truyền tải tới ông Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo này ở Mỹ ngày 24/9 tới.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Seoul, Giáo sư, Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon, Viện Nghiên cứu Toàn cầu, trường Đại học Hàn Quốc, cho rằng việc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần ba có giúp gì cho quan hệ Mỹ - Triều và cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào bức thông điệp này.
Chia sẻ quan điểm này, ông Hahn Choonghee, Cố vấn đặc biệt về đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, một nhà ngoại giao từng làm việc nhiều năm tại Mỹ, cho rằng hiện là thời điểm Washington nên nghiêm túc cân nhắc để không tuột mất cơ hội tốt nối lại cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng, thúc đẩy những bước đi có ý nghĩa trong tiến trình phi hạt nhân hoá và xây dựng hoà bình trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Hahn Choonghee khẳng định: “Với thành công của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này, chúng tôi đã tạo động lực mới cho Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi đã tạo ra một môi trường thuận lợi và có được sự cam kết tích cực từ phía Bình Nhưỡng”.
Theo ông Hahn, về cơ bản, Mỹ sẽ dựa vào cuộc gặp tại Singapore yêu cầu Triều Tiên thực hiện những bước đi cụ thể phi hạt nhân hoá như minh bạch chương trình hạt nhân, tuyên bố bên có thể giám sát chương trình hạt nhân hoặc những bước tiếp theo như thanh sát và kiểm soát toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Triều Tiên cũng muốn thấy những cam kết đảm bảo an ninh cụ thể của Mỹ để bảo đảm cho đất nước trước khi thực hiện những bước đi phi hạt nhân hoá.
Theo ông Hahn, mặc dù kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần ba là khá tích cực, nhưng Hàn Quốc vẫn cần tới sự hỗ trợ về chính trị và ngoại giao từ các nước để có thể thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hoá cùng với tuyên bố chấm dứt chiến tranh, đàm phán về một hiệp ước hoà bình thay thế thỏa thuận đình chiến hiện nay và bình thường hoá quan hệ giữa tất cả các bên, đặc biệt là giữa Mỹ và Triều Tiên.
Nhận định về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong thời gian tới, Giáo sư, Tiến sỹ Lee Woong-Hyeon cho rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa là một con đường dài nhiều trắc trở. Tuy nhiên, ông khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba đã góp phần khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như đẩy nhanh tốc độ đàm phán giữa hai bên.
Mạnh Hùng-Hữu Tuyên (TTXVN)
Báo chí Trung Quốc hôm 24/5 thông báo rằng CHDCND Triều Tiên đã sẵn sàng để ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề giải giáp hạt nhân.