"Chim ăn thịt" F-22 bị ngộp thở

Thứ Sáu, 28/9/2012, 11:3 (GMT+7)

(TT&VH) - Nhiều năm trước khi các phi công F-22 Raptor (Chim ăn thịt) báo cáo họ bị chóng mặt, khó thở khi điều khiển chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, với ít nhất 1 người sau đó thiệt mạng vì lỗi hệ thống cấp khí ôxy, đã có một nhóm nhỏ các chuyên gia của Không lực Mỹ nhận ra rằng chiếc máy bay không hoàn hảo. Tuy nhiên khuyến cáo đầy tâm huyết của họ đã chẳng được người ta ngó ngàng tới.

Nhóm điều tra đặc biệt được thành lập năm 2002, khi chiếc máy bay chiến đấu hiện đại vẫn còn ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển và bàn giao cho quân đội.

Cảnh báo tâm huyết không được đề cao

Nhóm được gọi là RAW-G (viết tắt của cụm từ Nhóm làm việc nghiên cứu bệnh liên quan tới máy bay Raptor), gồm khoảng 20 chuyên gia về hỗ trợ sự sống, hàng không, tâm lý, an toàn hệ thống, cùng các phi công lái F-22 và đội ngũ nhân viên bảo trì. Họ được các thành viên cộng đồng F-22 thành lập để tìm hiểu xem yêu cầu đặc biệt của chiếc máy bay này có thể ảnh hưởng ra sao tới phi công.

F-22 được thiết kế để bay trong điều kiện tàng hình, xuyên qua lưới ra-đa của đối phương, dễ dàng vượt tường âm thanh mà không cần tới hệ thống đốt hậu. Đây là các đặc điểm vượt trội mà không một chiếc máy bay nào của các nước khác có thể đạt được. Ngoài ra, F-22 còn bay cao hơn các máy bay tiền nhiệm và nó có một hệ thống tự cung cấp dưỡng khí để bảo vệ phi công khỏi nguy cơ bị tấn công sinh hóa.

Kẻ thù lớn nhất của F-22 “vô địch” lại chính là các lỗi kỹ thuật  tiềm ẩn

Theo Không lực Mỹ, RAW-G được thành lập dưới sự đề xuất của Daniel Wyman, một bác sĩ của Không lực ở Căn cứ không quân Tyndall đóng tại Florida, nơi phi đội F-22 đầu tiên được triển khai. Vào thời điểm RAW-G chính thức hoạt động, một số phi công đã báo cáo việc họ bị mắc cái gọi là "các cơn ho Raptor". Đó là hiện tượng đau ngực và các cơn ho đã xuất hiện từ năm 2000, có vẻ hình thành từ việc các túi khí trong phổi phi công đã phải làm việc quá sức và bị xẹp xuống.

Sau quá trình điều tra, nhóm kết luận rằng Hệ thống tạo Khí ôxy gắn trên máy bay (OBOGS) đã cung cấp cho phi công quá nhiều ôxy, gây hiện tượng ho. Nhóm tin rằng phi công bay càng nhiều và càng cao, cơ thể họ càng chứa nhiều ô xy, khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi tình trạng trên.

RAW-G đã khuyến cáo việc kiểm tra kỹ hơn hệ thống OBOGS và đề nghị việc cho phép phi công điều chỉnh được lượng khí ôxy mà họ dung nạp vào cơ thể, thông qua một thiết bị điều khiển kỹ thuật số gắn thêm và một hoạt động nâng cấp phần mềm điều khiển máy bay. Các thành viên RAW-G cũng dành 2 năm thúc đẩy sự thay đổi về hệ thống cấp dưỡng khí, nhưng chẳng ai quan tâm nhiều tới đề nghị của họ.

"Chi phí để nâng cấp theo khuyến cáo đã cao tới mức khó chấp nhận" - Kevin Divers, một cựu bác sĩ của Không lực Mỹ và đã lãnh đạo RAW-G cho tới khi ông rời ngũ vào năm 2007, cho biết. Theo Divers, việc nâng cấp có thể gây tốn kém tới 100.000 USD/máy bay.

Chết phi công vì lỗi hệ thống dưỡng khí

Sự liên hệ giữa hệ thống cấp khí ôxy của F-22 các căn bệnh lạ mà nhiều phi công F-22 mắc phải đã trở thành mối quan tâm lớn của dư luận Mỹ trong thời gian gần đây.

Tháng 5 vừa qua, 2 phi công lái F-22 là Josh Wilton và Jeremy Gordon đã lần đầu xuất hiện trên chương trình 60 phút của Đài truyền hình CBS và cho biết họ không chỉ cảm thấy sợ hãi trong việc điều khiển F-22 Raptor, loại máy bay chiến đấu được xem là hiện đại và đắt nhất trong lịch sử nước Mỹ, mà còn bị quân đội tìm cách bịt miệng để ngăn họ không nói ra khiếm khuyết của thứ vũ khí vẫn được tâng bốc lên tận mây xanh này.

Theo hai người, bất chấp việc Không lực quảng bá F-22 bằng những mỹ từ lấp lánh, chiếc máy bay này có vấn đề liên quan tới hệ thống cung cấp dưỡng khí và đây là nguyên nhân gây ra cái chết của 1 phi công. Nhân vật được đề cập tới là đại úy Jeffrey Haney, người bất ngờ thiệt mạng khi lái chiếc máy bay hiện đại.

Cái chết của Jeff Haney gây rất nhiều tranh cãi. Haney đang điều khiển F-22 bay huấn luyện ở Alaska hồi tháng 11/2010 và anh không phát ra một tín hiệu cảnh báo nào khi chiếc F22 đâm xuống mặt đất với tốc độ siêu âm. Người ta tin rằng lỗi hệ thống đã cắt đứt hoàn toàn nguồn dưỡng khí của anh.

Ngoài ra, từ năm 2008, đã có ít nhất 25 trường hợp phi công F-22 báo cáo về việc mắc phải các triệu chứng giống như ngạt thở khi đang bay. Trong một trường hợp như thế, một viên phi công thậm chí đã mất khả năng điều khiển máy bay, để nó tụt xuống thấp tới mức phạt vài ngọn cây, trước khi anh lấy lại được sự kiểm soát và trở về căn cứ an toàn.

Dưới áp lực của dư luận và sau nhiều cuộc điều tra kéo dài, cả Không lực và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ đều kết luận rằng hệ thống cấp dưỡng khí của máy bay F-22 cần phải được xem xét và chỉnh sửa lại.

Nỗ lực sửa sai

Nhiều tài liệu nội bộ và thư điện tử của nhóm RAW-G vừa rơi vào tay hãng tin AP còn cho thấy cho thấy từ năm 2005, họ đã đưa ra hàng loạt các cảnh báo khác liên quan tới F-22 và đề xuất xử lý. Nhưng các đề xuất của họ liên tục bị khước từ, chỉ bởi quân đội lo ngại sẽ tăng thêm gánh nặng chi phí vốn đã quá lớn của chương trình F-22.

Theo hãng tin AP, một trong những đề xuất từng bị bác của nhóm RAW-G là triển khai hệ thống cấp dưỡng khí phụ trên F-22, sẽ chuẩn bị được lắp trên chiếc máy bay vào cuối năm nay. Nhóm làm việc còn đề xuất việc thay đổi trong hệ thống cảnh báo để nhắc nhở phi công nếu hệ thống cấp dưỡng khí gặp hư hỏng.

Họ cũng kêu gọi việc giám sát kỹ hơn các vật liệu dùng để tăng cường khả năng tàng hình của máy bay, xem chúng có gây hại tới sức khỏe của phi công hay không. Cả hai vấn đề này vốn không được để ý tới khi RAW-G đệ trình báo cáo, nay đã nhận được sự quan tâm của Không lực Mỹ.

Quan trọng hơn, Không lực Mỹ giờ đã phải thừa nhận trong lúc xử lý các vấn đề để hoàn thiện F-22, họ đã cắt giảm quá mạnh các chương trình hỗ trợ sự sống, vốn cần thiết để đảm bảo an toàn của phi công F-22. Giờ đây Không lực đang trong tiến trình tái triển khai lại các chương trình này, nhằm đảm bảo nó sẽ trở thành thứ vũ khí hiệu quả giúp bảo vệ nước Mỹ, chứ không phải là các cỗ máy đầy khiếm khuyết có thể khiến phi công mất mạng.

Tường Linh (theo AP)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến