(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ở giai đoạn leo thang căng thẳng. Việc đánh giá những tác động của cuộc chiến này tới kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng các cơ hội và thu hẹp các thách thức là vấn đề hết sức cần thiết.
Được đánh giá là nền kinh tế có độ mở lớn với thế giới, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động nhất định tới kinh tế Việt Nam. Những trao đổi dưới đây giữa phóng viên TTXVN với các chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp sẽ ghi lại những góc nhìn từ cuộc chiến ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực của kinh tế Việt Nam.
Để tìm hiểu rõ hơn về các tác động cũng như giải pháp, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo ngành và phát triển doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Kịch bản nào cho kinh tế thế giới?
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đe dọa lớn nền kinh tế toàn cầu và đà suy giảm của kinh tế thế giới. Mới đây, IMF dự báo rằng, tình trạng kinh tế thế giới chậm lại có thể diễn ra vào cuối năm 2019, một phần do bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này chưa thể giải quyết. Trong khi đó, WTO mới đây cũng thông báo hạ thấp dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2019 từ mức 3,7% xuống mức 2,6% do những căng thẳng thương mại đang gây ra các bất ổn kinh tế.
Động thái leo thang trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng ngay lập tức tới thị trường chứng khoán. Chứng khoán toàn cầu đồng loạt rơi vào sắc đỏ trong phiên 20/5, khi nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về những động thái mới nhất của Nhà Trắng chống lại tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc giữa lúc căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang. Thị trường sau đó cũng nhanh chóng bình ổn sau tuyên bố có tính xoa dịu của cả hai bên nhưng nếu các căng thẳng tiếp tục leo thang sẽ đe dọa đến thị trường chứng khoán trong tương lai.
Căng thẳng leo thang cũng có thể dẫn tới sự điều chỉnh lãi suất của cả Mỹ và Trung Quốc. Về lãi suất của Mỹ, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 (mức hiện nay là 2,5%). Hiện đang có nhiều dự báo có một đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 10 nhằm đảm bảo mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như giảm thiệt hại từ chiến tranh thương mại. Trong điều kiện tình hình chiến tranh thương mại căng thẳng hơn, cắt giảm lãi suất của Fed có thể thực hiện sớm hơn.
Về phía Trung Quốc, cũng có thể cắt giảm lãi suất nhằm bơm thêm tiền cho nền kinh tế để khắc phục các bất lợi với sản xuất. Có thể việc cắt giảm lãi suất này sẽ diễn ra trong Quý 2/2019.
Bên cạnh đó, căng thẳng chiến tranh thương mại có thể dẫn tới tỷ giá các đồng tiền biến động mạnh. Hiện nay tỷ giá đồng NDT tại thị trường ngoài Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng (6,88=1 USD, giảm 0,6-07% so với trước động thái áp thuế). Trung Quốc cũng vừa tuyên bố phá giá đồng NDT ở mức 0,6%. Tỷ giá các đồng tiền khác như Yên Nhật hay Euro tương đối ổn định. Tuy nhiên dự báo các đồng tiền châu Á sẽ chịu áp lực giảm giá lớn hơn trong thời gian tới.
Đối với tác động chung của kinh tế toàn cầu, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia sử dụng mô hình dự báo toàn cầu, với kịch bản áp thuế bổ sung 25% với 250 tỷ USD Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ và Trung Quốc áp thuế từ 5-25% với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ cho thấy tác động khá tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Tác động này tăng dần tới đỉnh điểm vào giai đoạn 2021-2023. Cụ thể:
GDP thế giới sẽ giảm 0,15% vào năm 2019 và 0,37% vào 2022. Thương mại giảm 0,44% vào 2019 và 0,58% vào năm 2022.
Kinh tế Trung Quốc chịu tác động khá nặng: GDP giảm 0,25 điểm % vào năm 2019 và 0,84% vào năm 2022. Xuất khẩu giảm 0,45% vào 2019 và 0,72% vào năm 2022.
Kinh tế Mỹ chịu tác động nhỏ hơn: GDP giảm 0,24 điểm % vào năm 2019 và 0,41% vào 2022. Xuất khẩu giảm 0,64% vào 2019 và 0,85% vào năm 2022.
Trong trường hợp chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang và Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 25% với 525 tỷ USD xuất khẩu của Trung Quốc và Trung Quốc cũng có hành động đáp trả tương ứng, mức ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều. Tốc độ tăng trưởng GDP thế giới có thể giảm 0,64%, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm 1,48%, tăng trưởng của Mỹ cũng sẽ giảm 0,7% vào năm 2022.
Nhận diện cơ hội thách thức cho Việt Nam
Việt Nam có khá nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại trong ngắn hạn, mặc dù về trung và dài hạn vẫn có thể chịu tác động tiêu cực do kinh tế thế giới và các đối tác lớn giảm tốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tạo ra sự dịch chuyển dòng đầu tư; trong đó có đầu tư FDI tại Trung Quốc. Dự báo dòng đầu tư này sẽ tiếp tục tăng nhanh. Thực tế dòng đầu tư FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay cho thấy xu hướng này đã bắt đầu. Tổng vốn đăng ký cấp mới và điều chỉnh vốn đạt tới 7,45 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư qua hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trong 4 tháng đầu năm đạt 7,1 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với 4 tháng đầu năm 2018. Tổng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 210% so với năm trước, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào các dự án mới nhiều hơn gấp bốn lần (+470%).
Bên cạnh đầu tư, cơ hội cho thương mại của Việt Nam cũng khá lớn: Tùy vào từng ngành cụ thể, mức thuế quan 25% có thể có tác dụng ngăn chặn dòng thương mại từ Trung Quốc sang Mỹ (có thể với một số ngành thì chưa phải là quá cao và chưa có tác dụng ngăn chặn hoàn toàn thương mại Mỹ- Trung). Tuy nhiên lỗ hổng thị trường của cả Mỹ và Trung Quốc xuất hiện làm tăng nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Trong danh mục của 250 tỷ USD xuất khẩu của TQ sang Mỹ bị áp thuế, có rất nhiều hàng tiêu dùng, vì vậy cơ hội cho hàng xuất khẩu của Việt Nam là khá lớn.
Mặc dù đang có những cơ hội mở ra, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
Thứ nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam sẽ tăng nhanh, có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát xuất khẩu từ Việt Nam và Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng Trung Quốc đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuât khẩu;
Thứ hai, công suất xuất khẩu không thể tăng nhanh và việc tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc chỉ là hệ quả của chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác vì vậy lợi ích không thay đổi nhiều.
Thứ ba, thâm hụt thương mại với Mỹ tăng nhanh có thể tạo lý do để Mỹ đưa Việt Nam vào tầm ngắm theo dõi về việc thao túng tiền tệ và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cả thương mại và đầu tư.
Thứ tư, sức ép phá giá VND tăng nhanh trong trường hợp Trung Quốc phải điều chỉnh NDT và kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phục hồi và các đồng tiền châu Á khác cũng sẽ điều chỉnh.
Thứ năm, về dài hạn hơn tác động tiêu cực tới thương mại, vì vậy tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu giảm đi từ kinh tế toàn cầu. Dự báo cho thấy mức độ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng là 0,29 % vào năm 2019 và 0,28% vào năm 2022; xuất khẩu giảm 0,35% năm 2019 và 0,51% năm 2022; nhập khẩu giảm 0,41% vào 2019 và 0,97% vào 2022. Trong trường hợp Mỹ áp thuế cao hơn với Trung Quốc, tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn.
Một số giải pháp ban đầu
Cần nghiên cứu để chủ động điều chỉnh nhẹ tỷ giá và chú ý tới lạm phát. Sức ép biến động tỷ giá từ các sự kiện biến động địa chính trị sẽ tăng lên nhanh trong thời gian tới, đặc biệt trong điệu kiện NDT có thể tiếp tục mất giá sâu. Sức ép lạm phát từ bên ngoài có thể giảm do giá hàng nhập khẩu giảm, tuy nhiên cần tránh tận dụng chỉ số giá nhập khẩu giảm để tăng giá một số mặt hàng thiết yếu do ảnh hưởng lớn tới đời sống của nông dân trong điều kiện giá xuất khẩu nông sản có thể giảm do cầu giảm và mới đây là việc Trung Quốc giảm nhập khẩu tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch.
Mặc dù cơ hội xuất khẩu với Mỹ tăng nhanh, cần chủ động nghiên cứu về cơ hội nhập khẩu để giảm thâm hụt thương mại, tránh xung đột về thương mại. Chủ động đàm phán giải quyết các bất đồng về thâm hụt thương mại, dự trữ ngoại hối và tỷ giá để tránh việc Mỹ đưa vào danh sách giám sát các nước thao túng tiền tệ.
Rà soát và cắt giảm bớt các ưu đãi đầu tư trong trường hợp dòng FDI tới giữa năm 2019 có dấu hiệu tăng nhanh, đặc biệt là các ưu đãi về tài chính theo hướng giảm tối đa các ưu đãi với những nhóm ngành và địa bàn ít được ưu tiên (hiện nay các dự án thuộc diện ưu tiên đang khá nhiều, gây thất thu ngân sách).
Chuẩn bị tốt hơn các điều kiện để tiếp nhận làn sóng đầu tư chất lượng cao và đầu tư vào công nghiệp phụ trợ trong trường hợp có sự dịch chuyển từ Trung Quốc. Tiếp tục cải thiện nâng cấp hạ tầng, đặc biệt hạ tầng logistic nhằm giảm chi phí đầu tư và chi phí lưu thông.
Nghiên cứu tận dụng cơ hội cũng như các thách thức để cải thiện chuỗi cung ứng của Việt Nam hiện nay. Việt Nam được cho là hưởng lợi lớn từ thương mại và đầu tư, tuy nhiên các lợi ích này có tính ngắn hạn. Điểm nghẽn về dài hạn vẫn là cải thiện chuỗi cung úng để nâng cao giá trị xuất khẩu, tận dụng được các cơ hội từ FTA cũng như mang lại giá trị cao hơn cho doanh nghiệp trong nước. Việt Nam cần chủ động tìm hiểu và tiếp cận những nhà đầu tư về mảng này có ý định dịch chuyển sang Việt Nam để xúc tiến đầu tư.
Rà soát và hoàn thiện khung khổ luật pháp về môi trường. Do việc bùng nổ đầu tư rất dễ dẫn đến quá tải về môi trường, cần tiếp tục hoàn thiện và nâng cao tính hiệu lực của các văn bản quy định về môi trường và xã hội của đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây là công cụ hữu hiệu nhất hiện nay để điều chỉnh thu hút FDI trong bối cảnh các dư địa khác đang bị hạn chế do cam kết trong các hiệp định FTA.
TTXVN