Chernobyl hành trình vào vùng đất chết

Chủ Nhật, 8/7/2012, 8:0 (GMT+7)

Phóng viên Thanh Niên đến nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân dân sự khủng khiếp nhất lịch sử loài người.

Tôi lên kế hoạch cho chuyến đi tới Chernobyl trước khi đến Ba Lan và Ukraine dự Euro 2012. Những thông tin về hành trình đến “miền đất chết” có nhiều trên mạng, nhưng một cách cụ thể thế nào thì khó mà hình dung được, cho tới lúc tôi trực tiếp va chạm với nó.

Kế hoạch của tôi càng được thôi thúc mạnh mẽ hơn, khi vào ngày 19.6, trong khuôn khổ Euro 2012, UEFA tổ chức sự kiện từ thiện dành cho những đứa trẻ Chernobyl. Hôm đó, khi Alexa Milanytch, người đứng đầu Quỹ cứu trợ trẻ em Chernobyl, nói: “Nhiều em hiện vẫn phải đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để điều trị, để thay máu”, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Tôi hỏi Milanytch làm sao để đến được Chernobyl, người phụ nữ này đã cho tôi những thông tin và địa chỉ rất hữu ích. Từ đầu mối ấy, tôi liên hệ với Ban Quản lý Chernobyl - cơ quan được thành lập để phụ trách việc phong tỏa khu vực nhiễm xạ. Tôi cũng gọi cho Diễn đàn Prypiat, là tổ chức của những cựu công dân Prypiat, thành phố được lập nên để làm nơi ở cho nhân công của Nhà máy điện Chernobyl.

Quy định ngặt nghèo

Những liên hệ này rốt cục đã đưa tôi tới Tour 2 Chernobyl, đơn vị chuyên tổ chức các chuyến đi tới “miền đất chết”. Mọi việc thoạt tiên diễn ra suôn sẻ hơn rất nhiều so với hình dung của tôi. Người phụ trách Alex Kadnew bảo tôi đóng 60 USD tiền đặt cọc và chờ đến ngày khởi hành: ngày 3.7. Nhưng sau khi chia tay, về tới nhà trọ, tôi vào mạng thì nhận được thư điện tử của Kadnew: “Nãy tôi quên nói với anh một điều quan trọng, đó là với Chernobyl thì mọi việc không có gì chắc chắn cả. Trong trường hợp chuyến đi bị hủy do Ban Quản lý Chernobyl hoặc do chúng tôi, anh sẽ nhận lại tiền cọc. Còn nếu anh không tham gia, thì sẽ mất tiền cọc”. Tôi gõ “OK” và bấm nút gửi trả lời.

“Thăm” Chernobyl không hề là một chuyến nghỉ mát, bởi ngay việc đọc các quy định thôi cũng đã khiến bạn toát mồ hôi. Đầu tiên, muốn đến Chernobyl, công dân nước ngoài phải đủ 18 tuổi và chưa từng bị cấm chỉ định tiếp xúc với các nguồn phóng xạ. Người đi phải mang theo hộ chiếu, chịu sự kiểm tra an ninh ở cổng vào và sẽ được đo liều lượng phóng xạ ở cổng ra, cũng như chấp nhận việc kiểm tra phóng xạ vào bất cứ thời điểm nào trong suốt hành trình. Trong khu vực phong tỏa, “du khách” không được phép rời xa người hướng dẫn, là một nhân viên của Ban Quản lý Chernobyl.



Lò phản ứng số 4, nơi thảm họa xảy ra 26 năm trước - Ảnh: Đỗ Hùng

Đó là những quy định chung, còn sau đây là một vài điều cấm: mang bất kỳ loại vũ khí nào; sử dụng đồ uống có cồn hoặc ma túy; ăn và hút thuốc ngoài trời; chạm vào các công trình, vật dụng và cây cối; ngồi hoặc đặt các vật dụng (máy quay phim, chụp hình...) xuống đất; mang bất cứ thứ gì ra khỏi vùng phong tỏa; vi phạm quy định về ăn mặc (không được mang giày hở, quần đùi, áo ngắn tay, váy...); ở trong vùng phong tỏa mà không có sự giám sát của nhân viên hữu trách... Người ta cấm hút thuốc trong khu vực này bởi các cuộc thử nghiệm cũng như một vài sự cố đã cho thấy khi nhiệt độ tăng lên cao, lượng phóng xạ trong không khí sẽ tăng lên. Các cuộc kiểm nghiệm cũng cho thấy có khoảng 90% lượng phóng xạ nằm trong đất, nên mới có điều cấm ngồi bệt và để máy quay, chụp hình... lên nền đất.

Sau khi nghiên cứu thật kỹ những điều trên, bạn phải ký vào cam kết, đại ý là: Tất cả công dân nước ngoài và Ukraine, khi tự nguyện tới Chernobyl vì bất kỳ mục đích gì, đều phải ý thức rằng mình có thể trở thành vật bị phơi nhiễm bởi chất phóng xạ (có trong đất, nước, không khí, nhà cửa, phương tiện vận chuyển...). “Tôi, tham gia đoàn nghiên cứu tới vùng phong tỏa, đồng ý rằng Cơ quan Quốc gia phụ trách khu vực sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe mà tôi có thể gặp phải trong tương lai do chuyến đi này gây ra. Nếu xe cá nhân, máy chụp ảnh, quay phim hoặc những thiết bị khác của tôi bị nhiễm phóng xạ, tôi sẽ không kiện Cơ quan Quốc gia phụ trách khu vực về những điều đó”.

Sau khi đọc chừng ấy cảnh báo và quy định, bạn có còn muốn đi nữa không?

Hình hài hiểm họa

Trong quá trình làm báo, tôi từng đi một số nơi có thể gọi là nguy hiểm, như vùng đông bắc Sri Lanka vào những năm 2004 - 2005, Myanmar vào mùa thu 2007, Zimbabwe... Ở những nơi ấy, nguy cơ hoặc là bom mìn, hoặc là chiến tranh, trộm cướp... Còn ở Chernobyl, nguy cơ chẳng mang một hình hài nào. Ngoại trừ những người bị nhiễm phóng xạ trực tiếp với lượng lớn thì có thể phát triệu chứng ngay lập tức, hầu hết các trường hợp khác không hề biết mình bị nhiễm nếu như không có máy móc kiểm tra. Thậm chí máy móc cũng không phát hiện được. Bạn sẽ nói cười khi rời vùng phóng xạ, sẽ còn phương phi sau đó rất nhiều ngày. Chất phóng xạ nhiễm vào người bạn cứ âm thầm nằm đấy, cho đến một ngày trong tương lai, bạn sẽ cảm thấy khó thở, ngứa ở da... và lúc ấy thì bóng ma mới hiện hình. Bóng ma cũng có thể kiên nhẫn chờ đợi đến thế hệ kế tiếp, lúc người phơi nhiễm sinh con.


Khi tôi tới thăm Bảo tàng Chernobyl tại Kiev cách đây vài ngày, bóng ma bụi phóng xạ từ Chernobyl đã hiện lên một cách cụ thể. Đó là mẫu vật gia súc quái thai ở quận Narodychi. Tại địa phương này, trong vòng 4 năm sau vụ Chernobyl, có khoảng 350 gia súc bị quái thai, với các biểu hiện như thiếu hoặc thừa chân, thiếu mắt, xương sườn...

Giữa lúc đang đọc những thông tin kinh khiếp này, tôi chợt nhận được thư điện tử của Alex Kadnew từ hãng Tour 2 Chernobyl: “Chào anh Đỗ, rất xin lỗi anh, chúng tôi đã không nhận được sự cho phép từ Ban Quản lý Chernobyl. Chuyến đi sắp tới bị hủy. Chúng tôi sẽ hoàn tiền đặt cọc cho anh”. Tôi thở hắt ra, chẳng biết thở phào hay thở dài nữa. Vậy là kế hoạch Chernobyl của tôi gần như chắc chắn không thực hiện được, bởi ngày về Việt Nam đã cận kề.

Nhưng tôi vẫn còn phương án B. (còn tiếp)

Hậu quả kinh hoàng

Sự cố cháy nổ tại lò phản ứng số 4, Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl xảy ra vào rạng ngày 26.4.1986. Sau thảm họa, một khu vực rộng lớn tại Ukraine, Belarus, Nga (lúc bấy giờ đều thuộc Liên Xô) đã bị bụi phóng xạ bao phủ. Nhiều khu vực khác tại châu Âu - xa tới tận Na Uy, Thụy Điển, Ý, Áo, Thụy Sĩ - cũng bị ảnh hưởng. Cho đến những năm gần đây, nhiều biện pháp an toàn vẫn còn được thực hiện tại nhiều nước. Chẳng hạn, Cơ quan Quản lý nông nghiệp Na Uy vào năm 2009 đã giám sát chặt chẽ 18.000 gia súc do lo ngại thức ăn nhiễm xạ. Tại Đức, hơn 1.000 trong số 440.350 con heo rừng săn bắt được vào năm 2010 bị nhiễm phóng xạ.

Đối với con người, chất phóng xạ từ Chernobyl trực tiếp gây ra cái chết của 31 người trong vòng 3 tháng sau khi thảm họa xảy ra. Còn những tác động gián tiếp và lâu dài thì vô cùng khủng khiếp. Tổ chức Diễn đàn Chernobyl vào năm 2005 đưa ra báo cáo cho biết có đến 4.000 trẻ em đã bị các chứng ung thư, máu trắng do hậu quả của thảm họa.

Tạp chí Chernobyl của Nga năm 2007 dẫn các báo cáo khoa học khẳng định có tới 985.000 trẻ chết non trong giai đoạn 1986-2004 do hậu quả của bụi phóng xạ. Còn theo Tổ chức Hòa Bình Xanh, “những bằng chứng rõ ràng cho thấy đã có ít nhất 200.000 người tại Belarus, Ukraine và Nga” chết trong giai đoạn 1990-2004 do hậu quả của vụ Chernobyl...


Theo Thanh Niên

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến