(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 11/6, Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố báo cáo cho thấy số vụ bị nghi ngờ là tìm cách tự tử ở các trẻ em gái vị thành niên tăng mạnh trong năm 2020 so với năm 2019, qua đó cảnh báo về tác động về sức khỏe tinh thần do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền của trẻ em trên toàn thế giới và người trẻ có nguy cơ đối mặt với "một thảm họa thế hệ" nếu chính phủ các nước không hành động kịp thời.
Theo CDC Mỹ, từ đầu tháng 5/2020, số vụ hỗ trợ khẩn cấp liên quan hành vi tự tử ở thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12-17 bắt đầu tăng, đặc biệt là nhóm trẻ em gái.
Trong thời gian từ ngày 26/7-22/8/2020, trung bình số vụ hỗ trợ khẩn cấp các trẻ em gái tuổi vị thành niên cao hơn 26% so với cùng kỳ năm 2019. Từ ngày 21/2-20/3/2021, tỷ lệ trên vọt lên mức đáng báo động, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2020. Ở nhóm các trẻ em trai, tỷ lệ tăng là khoảng 4%.
Một nghiên cứu thực hiện trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát cũng chỉ ra số vụ các trẻ em gái vị thành niên tìm cách tự tử thường cao hơn so với nhóm trẻ em trai.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu lần này cho thấy trong đại dịch, tình trạng lo âu ở nhóm trẻ em gái vị thành niên xảy ra nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các tác giả cho rằng cần phải quan tâm nhiều hơn tới nhóm này và có các biện pháp ngăn cản kịp thời những hành động tiêu cực.
Báo cáo cũng cho rằng những người trẻ tuổi có thể là nhóm có nguy cơ cao có những hành động tiêu cực vì có thể chịu những tác động đặc biệt bởi các biện pháp hạn chế trong đại dịch, ví dụ như không thể đến trường, giao lưu, tiếp xúc với thầy cô và bạn bè do các lệnh giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, các yếu tố như khó khăn trong tiếp cận dịch vụ trị liệu tâm lý, tình trạng lo lắng cho sức khỏe gia đình và các vấn đề kinh tế cũng có thể làm giă tăng nguy cơ.
Lê Ánh/TTXVN