(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 2/1, thế giới đã ghi nhận gần 84.500.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó đã có 1.837.250 ca tử vong.
Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang làm việc với đối tác của Mỹ Pfizer để đẩy mạnh việc sản xuất vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với 20.619.032 ca mắc - chiếm 1/4 tổng số ca trên thế giới và 356.450 ca tử vong - hơn 1/5 số ca tử vong trên toàn thế giới.
Với số ca nhiễm bằng một nửa của Mỹ - 10.305.788 ca nhiễm virus, Ấn Độ hiện đang đứng thứ hai thế giới. Brazil đứng thứ 3 với 7.700.578 ca nhiễm, nhưng đứng thứ 2 về số ca tử vong với 195.441 ca, trong khi của Ấn Độ là 149.218 ca.
Châu Âu vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 23.934.530 ca mắc COVID-19 và 548.859 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ là khu vực đứng thứ hai với 23.635.144 ca nhiễm và 518.297 ca tử vong. Châu Á đứng thứ 3 với 20.786.905 ca nhiễm và 339.061 ca tử vong.
Trước tình trạng lây nhiễm có chiều hướng gia tăng, nhiều nước trên thế giới đã buộc phải gia hạn hoặc kéo dài lệnh phong tỏa và các biện pháp chống dịch. Tại châu Á, Chính phủ Hàn Quốc thông báo kéo dài các quy định giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay ở khu vực thủ đô đến ngày 17/1.
Mặc dù số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc tính theo ngày đã giảm xuống dưới 900 ca, chủ yếu do số người làm xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch, lo ngại con số này có thể gia tăng sau kỳ nghỉ lễ, giới chức nước này quyết định kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Hàn Quốc đang áp dụng cấp độ giãn cách xã hội ở mức 2,5 (mức 3 là cao nhất) đối với khu vực Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số cả nước. Các khu vực khác được áp dụng mức giãn cách 2.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo đang đề nghị chính phủ trung ương một lần nữa tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh.
Giới chức y tế Thái Lan ngày 2/1 cũng khuyến nghị cần có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp và việc đi lại của người dân ở 28 tỉnh, trong đó có thủ đô Bangkok. Các biện pháp này bao gồm dừng một số hoạt động tập trung đông người có nguy cơ làm virus lây lan, yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa, kêu gọi người dân làm việc từ nhà và tránh ra khỏi địa phương khi không cần thiết.
Tại châu Âu, giới chức Hy Lạp thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19, theo đó bắt đầu từ ngày 3/1, các tiệm làm tóc, hiệu sách và các cửa hàng khác sẽ phải đóng cửa sau khi được phép hoạt động phục vụ mùa Giáng sinh. Ngoài ra, lệnh giới nghiêm mới cũng được quy định từ 21 giờ hằng ngày, sớm hơn 1 tiếng so với trước đây.
Kể từ ngày 2/1, Chính phủ Pháp cũng kéo dài thời gian giới nghiêm ban đêm thêm hai giờ, áp dụng ở 15 tỉnh trên cả nước. Theo đó, lệnh giới nghiêm ban đêm áp dụng ở 15/101 tỉnh ở Pháp sẽ bắt đầu từ lúc 18h hằng ngày, thay vì 20h như quy định trước đây.
Trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan mạnh, từ ngày 1/1, Anh đã tái kích hoạt các bệnh viện dã chiến được xây dựng từ đầu mùa dịch COVID-19, đồng thời quyết định đóng cửa toàn bộ trường tiểu học ở thủ đô London. Trong 4 ngày qua, có hơn 50.000 ca nhiễm mới/ngày, cơ quan y tế Anh đã lên kế hoạch chuẩn bị nhiều giường bệnh hơn để sẵn sàng cho việc phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn.
Liên quan đến biến thể mới của virus, chuyên gia Ai Cập thông báo nước này đang xuất hiện 4 chủng virus SARS-CoV-2 gây ra những triệu chứng khác nhau. Bệnh viện Qasr al-Ainy thuộc Đại học Tổng hợp Cairo cho biết sốt không còn là triệu chứng cơ bản nhất của người mắc COVID-19, thay vào đó là hiện tượng mệt mỏi và suy nhược cơ thể cùng với các triệu chứng về hô hấp. Ông Salem cho rằng kích thước của virus SARS-CoV-2 là yếu tố quyết định mức độ nghiêm trọng và phức tạp của các triệu chứng. Ông cũng cho biết virus SARS-CoV-2 hiện có khoảng 7 chủng, trong đó chủng cuối cùng gần giống với cúm nhất.
Theo thống kê mới nhất, Israel trở thành quốc gia dẫn đầu trên thế giới về tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, với tỷ lệ 11,55 người/100 dân. Đứng thứ hai là Bahrain với tỷ lệ 3,49%, tiếp đến là Anh với 1,47%. Mặc dù Mỹ, Trung Quốc và Anh đều đặt mua vaccine với số lượng rất lớn, nhưng tỷ lệ tiêm phòng tại các nước này vẫn thấp, chỉ đạt 0,84% với Mỹ, 0,31% với Trung Quốc và 1,47% với Anh. Tại rất nhiều quốc gia có tiềm lực tài chính mạnh khác ở châu Âu, tỷ lệ này cũng đạt rất thấp, thậm chí không đáng kể.
Phương Hoa - TTXVN