(Thethaovanhoa.vn) - Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn lời người phát ngôn Bộ Các vấn đề quốc tế (GAC) của Canada Guillaume Bérubé ngày 3/1 cho biết 13 công dân Canada đã bị bắt giữ tại Trung Quốc kể từ khi Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ tại Vancouver ngày 1/12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. GAC khẳng định ít nhất 8 người trong số 13 người nói trên đã được thả tự do.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, công dân Canada bị cáo buộc buôn lậu ma túy tại Trung Quốc, ông Robert Lloyd Schellenberg có nguy cơ phải đối mặt với mức án cao hơn sau khi tòa án tỉnh Liêu Ninh, (Trung Quốc) ngày 29/12 ra phán quyết xét xử lại vụ này.
Tính tới thời điểm này, chỉ có ba vụ bắt giữ các công dân Canada - gồm cựu cán bộ ngoại giao Michael Kovrig, doanh nhân Michael Spavor và giáo viên Sarah McIver tại Trung Quốc được công khai.
Công dân McIver, dạy tiếng Anh tại Trung Quốc, bị Bắc Kinh bắt giữ trong tháng 12/2018, là một trong số 8 người đã được trả tự do. Bà McIver đã quay lại Canada. GAC không tiết lộ danh tính của những người khác đã bị Trung Quốc bắt giữ.
Hai công dân Kovrig và Spavor bị Bắc Kinh bắt giữ với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc". Trong một phát biểu ngày 3/1, người đứng đầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Trương Quân cho biết hành động vi phạm luật pháp của hai công dân này là rõ ràng.
Giới quan sát nhận định vụ CFO của Huawei bị bắt giữ tại Canada đã làm "sụp đổ" chính sách Trung Quốc của Chính phủ Canada. Những diễn biến kịch tính trong những ngày qua đang khiến nhiều doanh nghiệp Canada lo ngại về nguy cơ trở thành mục tiêu trả đũa từ Bắc Kinh.
Trong năm 2017, Canada đã xuất khẩu 21,8 tỷ CAD (hơn 16,3 tỷ USD) hàng hóa sang Trung Quốc, hơn một nửa là nông sản và nguyên liệu đầu vào. Trung Quốc là khách mua nhiều nhất hạt cải dầu của Canada. Trung Quốc cũng đứng thứ hai trong danh sách các nước mua nhiều sản phẩm gỗ mềm của Canada.
TTXVN/Hương Giang