Cần chấm dứt viết, vẽ bậy lên báu vật quốc gia

Thứ Sáu, 6/1/2017, 19:15 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Việc viết, vẽ bậy lên di tích đang trở thành vấn nạn ở Huế, trong đó những di vật trở thành báu vật quốc gia cũng không bị ngoại lệ như Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ.

Thiên Mụ là ngôi chùa nổi tiếng, hàng ngày ở đây có rất đông khách tham quan. Nhiều du khách nước ngoài khi đến chùa Thiên Mụ rất ấn tượng với chiếc chuông Đại hồng chung đặt phía bên phải tháp Phước Duyên nằm trong khuôn viên chùa.


Mặt trong của chuông chùa Thiên Mụ bị mọi người vô ý thức viết, vẽ bậy lên di tích (Ảnh: TTXVN)

Tuy nhiên, chuông bị một số người vô ý thức dùng bút xóa màu trắng viết, vẽ bậy lên kín cả mặt trong của chuông những lời cầu nguyện cho sức khỏe, lời hẹn thề yêu đương... nhìn hết sức phản cảm.

Trong khuôn viên chùa Thiên Mụ, ông Rùa đội bia đá ở Lục giác đình phía Đông là một công trình mỹ thuật vô cùng độc đáo thời Vua Lê - Chúa Nguyễn. Mai Rùa chạm các đường vảy hình lục giác nhưng không một ô lục giác nào là không bị cứa sâu những cái tên, những dòng lưu bút của "hậu thế" khi chiêm ngưỡng ông Rùa.

Trên lưng rùa đội bia đá ghi câu chuyện cổ xưa về chùa Thiên Mụ, nay lại "nặng" thêm với những cái tên như: Hiền, Thư, Tiến, Hiếu, Nhật... có cả hàng chữ viết bằng tiếng Thái hoặc Campuchia viết ngay ở trên đầu bia, trước cả những Hán tự.

Trước tình trạng trên, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, chùa Thiên Mụ do Giáo hội Phật giáo quản lý, Trung tâm chỉ phối hợp với nhà chùa và có một tổ bảo vệ trong khuôn viên chùa, nhằm đảm bảo trật tự an toàn cho du khách.

Sắp tới, nhằm nâng cao ý thức cho khách tham quan, Trung tâm sẽ bàn với nhà chùa khoanh vùng bảo vệ, hạn chế việc du khách tiếp xúc trực tiếp với hiện vật.


Rùa đội bia đá ở Lục giác đình phía Đông (trong khuôn viên chùa Thiên Mụ) cũng bị viết, vẽ bậy lên di tích (Ảnh: TTXVN)

Qua 4 lần xét duyệt, hiện thành phố Huế có 8 cổ vật, nhóm cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm: đại hồng chung chùa Thiên Mụ; bộ súng thần công; bộ cửu đỉnh; bộ sưu tập vạc bằng đồng, bệ thờ Vân Trạch Hòa, bia Khiêm Cung ký, ngai vua triều Nguyễn và áo tế giao.

Mỗi bảo vật quốc gia ở Huế là một tuyệt tác nghệ thuật mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo, quý hiếm được kết tinh từ trí tuệ và bàn tay tài hoa, điêu luyện... và được gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt.

Chùa Thiên Mụ (hay còn được gọi là chùa Linh Mụ) được xây dựng vào năm 1601, thời chúa Nguyễn Hoàng nằm bên bờ sông Hương thuộc phường Hương Long (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế). Vào năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc quả Đại hồng chung bằng đồng và đặt chiếc chuông tại chùa Thiên Mụ.

Chuông cao 240 cm (thân cao 188 cm; quai cao 52 cm), đường kính miệng 140 cm, đường kính thân 114,6 cm, nặng 1.985,8 kg. Phần quai chuông tạo hình con bồ lao 2 đầu quay ra 2 phía, 4 chân trước của bồ lao gắn với đỉnh chuông; thân bồ lao uốn cong, trên lưng là một bông sen; râu, mắt, vi, kỳ lưng và chân của bồ lao đều được chạm khắc rất tinh vi.

Chùa Thiên Mụ là một địa danh du lịch không chỉ bây giờ mới nổi tiếng, mà từ xưa đã được mọi người biết đến qua thơ ca. Đại hồng chung chùa Thiên Mụ được công nhận bảo vật quốc gia vào năm 2013.

TTXVN/Quốc Việt

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến