(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng Anh Theresa May ngày 24-5 vừa thông báo bà sẽ từ chức Chủ tịch đảng Bảo thủ vào ngày 7-6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ thỏa thuận Brexit (Anh rút khỏi Liên minh châu Âu - EU) mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Ngày 8/5, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Thủ tướng May cam kết từ chức sau khi bà hoàn thành "giai đoạn một" của tiến trình đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, để mở đường cho một nhà lãnh đạo mới đàm phán giai đoạn thứ hai.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Người kế nhiệm Thủ tướng May sẽ được lựa chọn theo tiến trình gồm hai giai đoạn, theo đó hai ứng cử viên cuối cùng sẽ đối mặt với một cuộc bỏ phiếu kín của 125.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, bất kỳ ai được lựa chọn để thay thế bà May cũng sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đạt được sự “đồng thuận và nhượng bộ” tại một Quốc hội Anh chưa bao giờ chia rẽ như hiện tại, giữa Đảng Bảo thủ và Công đảng, cũng như giữa các nhóm ủng hộ Ở lại hay Ra đi (khỏi EU).
Ngay cả khi Quốc hội Anh có đạt được một thỏa thuận mới về Brexit, thì vẫn còn câu hỏi lớn về việc liệu EU có đồng ý đàm phán lại hay không thỏa thuận Brexit mà họ đã phải mất gần 2 năm đàm phán mới đạt được với chính phủ của bà May.
Dưới đây là những dấu mốc quan trọng kể từ khi cử tri nước Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đến nay:
Cử tri Anh bỏ phiếu rời EU
Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016, các cử tri Anh đã lựa chọn chấm dứt tư cách thành viên EU với tỷ lệ 52%/48%.
Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân đã dẫn tới việc, Thủ tướng của đảng Bảo thủ David Cameron từ chức. Ông Cameron chính là người đã kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đồng thời là người ủng hộ Anh ở lại EU.
Bà May trở thành Thủ tướng
Sau sự rút lui vào phút chót của thủ lĩnh phe ủng hộ Brexit, ông Boris Johnson, ngày 13-7-2016, Bộ trưởng Nội vụ bà Theresa May đã trở thành Thủ tướng Anh. Bà May là người ủng hộ quan điểm để Anh ở lại EU.
Ngày 17-1-2017, Thủ tướng Anh Theresa May có bài phát biểu quan trọng vạch ra hướng đi cho nghị trình Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit. Trong bài phát biểu, Thủ tướng May đã lần đầu tiên khẳng định Anh sẽ rời khỏi thị trường chung châu Âu để hạn chế dòng người di cư vào nước này từ châu Âu. Bà bày tỏ mong muốn sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU, trong đó cho phép Anh tự do tiếp cận các thị trường châu Âu và loại bỏ tối đa các rào cản thương mại, nhấn mạnh "thà không ký một thỏa thuận nào còn tốt hơn ký một thỏa thuận tồi".
Khởi động tiến trình Brexit
Ngày 13-3-2017, lưỡng viện Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật về việc Anh rời khỏi EU, chính thức mở đường cho chính phủ của Thủ tướng Theresa May khởi động tiến trình đàm phán với EU, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Ngày 29-3-2017, khi bức thư của Thủ tướng Theresa May chính thức thông báo việc Anh rời khỏi EU được gửi đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và được chấp thuận, tiến trình đàm phán đưa Anh ra khỏi EU, chính thức được kích hoạt theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Toàn bộ quá trình này sẽ kéo dài khoảng 2 năm, và Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019.
Đảng Bảo thủ mất thế đa số tại Quốc hội
Nhằm đảm bảo ổn định chính trị trong nhiều năm sau khi Anh xúc tiến quá trình đàm phán rời EU, Thủ tướng Anh Theresa May kêu gọi bầu cử sớm vào ngày 8-6-2017, sớm hơn so với lịch trình gần 3 năm.
Tuy nhiên, việc tiến hành tổ chức bầu cử trước thời hạn dường như đã phản tác dụng, khi đảng Bảo thủ của bà không thể giành được đa số ghế quá bán tại Hạ viện. Đảng Bảo thủ buộc phải thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland.
Vấn đề Anh phải đảm bảo duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau Brexit trở thành điểm bất đồng chính trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU.
Những đồng thuận đầu tiên
Ngày 8-12-2017, các cuộc đàm phán về Brexit, đã đạt được tiến bộ đầy đủ về thỏa thuận "ly hôn"gồm biên giới Ireland và quyền công dân để mở ra giai đoạn hai đàm phán bàn thảo về tương lai quan hệ thương mại với nước Anh.
Ngày 26-6-2018, dự luật Brexit được Nữ hoàng Elizabeth II phê chuẩn để chính thức ban hành thành luật.
Các bộ trưởng quan trọng từ chức
Ngày 6-7-2018, Thủ tướng Anh giành được sự ủng hộ từ nội các vốn nhiều chia rẽ về việc thành lập một “khu vực thương mại hàng hóa tự do” với EU, theo đó cho phép tiến hành trao đổi thương mại không rào cản và tránh việc phải áp đặt một biên giới “cứng” tại Bắc Ireland.
Tuy nhiên, hai ngày sau, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis từ chức vì cho rằng bà May đã nhượng bộ “quá nhiều một cách dễ dãi”.
Một ngày sau đó, Ngoại trưởng Boris Johnson cũng từ chức. Ông là người chỉ trích gay gắt nhất kế hoạch của bà May.
Lãnh đạo EU nhóm họp tại Salzburg (Áo) trong hai ngày 19 và 20-9-2018. Họ cho rằng các đề xuất Brexit của bà May không thể chấp nhận được và cần phải xem xét lại.
Đạt được dự thảo thỏa thuận Brexit
Ngày 13-11-2018, EU công bố các kế hoạch dự phòng cho một Brexit "không có thỏa thuận". Tuy nhiên, một vài giờ sau đó, văn phòng của Thủ tướng May cho biết các nhà đàm phán Anh và EU đã đạt được một dự thảo thỏa thuận về Brexit.
Ngày 14-11-2018, chính phủ Anh nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận trên.
Tuy nhiên, một ngày sau đó, bốn bộ trưởng trong đó có cả Bộ trưởng Brexit mới là ông Dominic Raab đã đệ đơn từ chức để phản đối thỏa thuận này.
Ngày 25-11-2018, các nhà lãnh đạo EU phê chuẩn thỏa thuận này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố: "Đây là thỏa thuận duy nhất có thể".
Nỗ lực đàm phán lại
Thỏa thuận của Thủ tướng May đã hứng chịu chỉ trích dữ dội tại Quốc hội vì điều khoản "rào chắn" liên quan vấn đề hải quan và biên giới, cụ thể là điều khoản giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland.
Ngày 10-12-2018, Thủ tướng Anh May quyết định tạm hoãn cuộc bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit tại Hạ viện. Đây được xem là một quyết định khó khăn đối với Thủ tướng Anh sau những cảnh báo từ các quan chức thân cận của bà May về một thất bại nặng nề đối với chính phủ nếu thỏa thuận Brexit đạt được giữa Anh và EU cuối tháng trước vẫn được đưa ra bỏ phiếu tại Hạ viện vào ngày 11-12 như kế hoạch ban đầu.
Ngày 11-12-2018, Thủ tướng Anh ấn định thời điểm tổ chức cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit tại Hạ viện vào trước ngày 21-1-2019. Cùng ngày, Thủ tướng Anh gặp các nhà lãnh đạo EU nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ đối với thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, các lãnh đạo EU đã loại trừ khả năng đàm phán lại thỏa thuận.
Bỏ phiếu bất tín nhiệm
Ngày 12-12-2018, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Theresa May sau khi Ủy ban 1922 nhận được đề nghị của ít nhất 15% số nghị sĩ trong đảng, bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người lãnh đạo đảng này. Tuy nhiên, Thủ tướng AnhTheresa May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 200 phiếu ủng hộ và 117 phiếu chống.
Hạ viện Anh bỏ phiếu phản đối thỏa thuận Brexit
Ngày 15-1-2019, Hạ viện Anh đã phủ quyết thỏa thuận sơ bộ giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) về việc nước này rời khỏi "ngôi nhà chung". Thỏa thuận đã bị bác bỏ với 432 phiếu phản đối và chỉ có 202 phiếu ủng hộ. Đây là một kết quả được dự đoán trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra. Ngay sau khi kết quả được công bố, Thủ tướng May đã thừa nhận thất bại của chính phủ.
Chính phủ của Thủ tướng May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm
Việc thỏa thuận Brexit bị Quốc hội Anh phủ quyết đã khiến chính phủ của Thủ tướng Anh Theresa May phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào ngày 16-1-2019. Tuy nhiên, chính phủ của bà May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu này với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống. Điều này cho thấy các nghị sỹ vẫn tín nhiệm với chính phủ, ủng hộ để bà May tiếp tục những nỗ lực để có được một thỏa thuận Brexit sửa đổi.
Thủ tướng May trình Kế hoạch B trước Quốc hội
Ngày 21-1-2019, Thủ tướng Anh Theresa May trình “Kế hoạch B” lên Hạ viện để thay thế văn bản đã bị các nghị sỹ khước từ hôm 15-1. Theo kế hoạch này, bà May đưa ra hai lựa chọn để tránh Brexit không thỏa thuận. Một là tổ chức trưng cầu ý dân lần hai về Brexit. Cách thứ hai và cũng là con đường London theo đuổi, đó là các nghị sĩ phối hợp với Chính phủ sửa đổi văn bản thỏa thuận đã nhất trí với EU trước đó.
Các nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ Thủ tướng Anh tiếp tục thương thảo với giới chức EU về sửa đổi thỏa thuận Brexit
Ngày 29-1, Hạ viện Anh đã tiến hành bỏ phiếu đối với “Kế hoạch B” về Brexit của Thủ tướng Theresa May. Kết quả, các đề xuất sửa đổi đều bị bác bỏ. Các nghị sỹ chỉ ủng hộ việc cho phép Thủ tướng Anh Theresa May đàm phán lại với EU và sẽ ủng hộ thỏa thuận Brexit nếu dỡ bỏ điều khoản về điều khoản "chốt chặn" khiến Anh phải giữ biên giới mở với Ireland.
Tuy nhiên, ngay sau khi Quốc hội Anh ủng hộ việc tạo thêm cơ hội và thời gian để chính quyền London tiếp tục thương thảo với giới chức EU thì phía EU lại kiên quyết khẳng định họ sẽ không tiến hành đàm phán lại với Anh, nhất là đối với vấn đề biên giới Ireland.
Hạ viện Anh bác thỏa thuận Brexit sửa đổi
Bất chấp những nỗ lực của Thủ tướng Theresa May nhằm tìm lối thoát cho tiến trình Brexit, Hạ viện Anh vẫn nói "không" với dự thảo thỏa thuận Brexit sửa đổi tại cuộc bỏ phiếu lần hai diễn ra vào ngày 12-3, với tỉ lệ 391 phiếu chống và 242 phiếu thuận.
Sau khi thỏa thuận Brexit sửa đổi bị bác bỏ, ngày 13-3, Quốc hội Anh tiếp tục bỏ phiếu về việc liệu có rời EU mà không có thỏa thuận Brexit hay không. Kết quả, với 321 phiếu chống và 278 phiếu thuận, các nghị sỹ Anh đã tiếp tục loại bỏ phương án Brexit không thỏa thuận.
Các nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ hoãn Brexit
Ngày 14-3, Hạ viện Anh tiếp tục bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn điều khoản 50 và ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn Brexit về việc trì hoãn thời điểm rời EU. Với 412 phiếu thuận và 202 phiếu chống, các nghị sĩ đã bỏ phiếu nhất trí lui ngày Anh rời EU đến sau ngày 29-3 và tổ chức một cuộc bỏ phiếu thứ ba về thỏa thuận với EU.
Ngoài ra, phần lớn các nghị sĩ Anh đã bỏ phiếu phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về vấn đề này.
EU gia hạn thời điểm Brexit
Ngày 21 và 22-3, tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lùi thời điểm diễn ra Brexit từ ngày 29-3 đến ngày 12-4 với điều kiện Anh phải đề xuất một kế hoạch mới nếu không sẽ phải đối mặt với việc rời EU không thỏa thuận.
Thủ tướng May cam kết từ chức
Ngày 27-3, trước khoảng 300 nghị sỹ đảng Bảo thủ, Thủ tướng May cam kết sẽ từ chức nếu như họ ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà trước thềm cuộc bỏ phiếu cho thỏa thuận này tại Hạ viện lần thứ 3.
Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 29-3, Hạ viện Anh lần thứ 3 đã bác bỏ thỏa thuận Brexit, với 286 phiếu thuận và 344 phiếu chống. Trong bối cảnh đó, bà May đã yêu cầu EU trì hoãn thời điểm Brexit đến ngày 30-6 và cam kết sẽ đưa ra một kế hoạch cụ thể mới để thỏa thuận Brexit được phê chuẩn, qua đó cho phép Anh rời EU trước ngày 23-5, thời điểm diễn ra các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
EU lùi thời hạn Brexit thêm 6 tháng
Ngày 11-4, tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo 27 nước EU nhất trí gia hạn lần thứ 2 đối với tiến trình Brexit thêm 6 tháng, tức cho tới ngày 31-10-2019, nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Từ ngày 2-4, bà May đã tổ chức đàm phán với lãnh đạo Công đảng đối lập với hy vọng tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại. Tuy nhiên, tính đến ngày 21-5, Công đảng vẫn khẳng định sẽ không ủng hộ những đề xuất của Thủ tướng May nhằm phá vỡ bế tắc tại quốc hội và không thông qua thỏa thuận mà bà đã đàm phán với EU…
Trọng Đức/TTXVN