Bảo tồn 'hồn cốt' văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Thứ Bảy, 10/8/2013, 8:21 (GMT+7)

Người Hà Nội xưa nay thường tự hào sống trên mảnh đất gắn với lịch sử định đô của các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và cũng là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa, giáo dục lớn của cả nước hiện nay.

Thủ đô Hà Nội vẫn tiếp nối dòng chảy văn hóa của kinh thành Thăng Long xưa với một khối lượng phong phú các di sản văn hóa, đa dạng về loại hình; trong đó, di sản văn hóa phi vật thể được coi là tinh hoa văn hóa đất Kinh kỳ, có trữ lượng lớn, phản ánh đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt văn hóa người Hà Nội.

Đề án Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đang thực hiện là một trong những hoạt động tích cực để bảo tồn văn hóa Thăng Long - Hà Nội đang phần nào bị biến dạng trước những xoay vần của cuộc sống.

Dấu ấn của mảnh đất văn hiến nghìn năm

Trải qua hơn 1000 năm, bên cạnh những yếu tố gốc, di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội còn có sự hội nhập, dung hòa của văn hóa các vùng miền khác một cách linh hoạt, cởi mở. Đó là những sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt đời thường của người dân bốn phương tụ lại nơi Kẻ Chợ, qua thời gian, có sự tiếp biến, hòa vào văn hóa bản địa, tạo nên bản sắc văn hóa Thăng Long. Chính vì vậy, văn hóa Thăng Long có sự đa dạng, đặc sắc là điều không khó hiểu.

Hoạt động lễ hội tại Hà Nội được đánh giá rất phong phú với trên 1.000 lễ hội lớn nhỏ, kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng dân gian và trò chơi truyền thống, mang đậm sắc màu lịch sử. Lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa không thể thiếu đối với cộng đồng dân cư, tác động tích cực đến đời sống tinh thần người dân. Hòa mình vào lễ hội, người ta gắn bó chặt chẽ với nhau hơn, tinh thần cùng hướng về nguồn cội, tri ân tiên tổ, những bậc tiền nhân đã mang lại công lao cho dân làng.

Di sản văn hóa Hà Nội còn thể hiện ở những tục lệ, hương ước làng xã cũ, quy định trách nhiệm của chủ thể cá nhân đối với gia đình, dòng họ, làng xã. Theo số liệu bước đầu, Hà Nội còn lưu giữ hàng trăm bản hương ước bằng chữ Hán và chữ Nôm, là những tư liệu lịch sử rất quý.

Văn hóa ẩm thực đất Kinh Kỳ tạo nên một giá trị tinh túy, là niềm tự hào của người dân Hà Nội từ ngàn đời nay. Ẩm thực Hà Nội không những có mặt ở các tỉnh thành trên cả nước mà còn vượt qua phạm vi quốc gia đến với nhiều nước trên thế giới như chả cá Lã Vọng, cốm làng Vòng, bánh cuốn Thanh Trì, bún chả Hàng Mành, phở, nem... Mỗi món ăn đều có phong vị riêng, quyến rũ thực khách đến lạ kỳ.


Cá chép trông trăng, tác phẩm quen thuộc của làng tranh giân dan Hàng Trống

36 phố phường xưa bắt đầu bằng những tên Hàng đều gắn với phường hội, phường nghề riêng hoặc những sản phẩm thủ công truyền thống được bày bán nơi này. Đến nay, nhiều phố nghề không còn nhưng nhiều phố vẫn kinh doanh mặt hàng truyền thống, tựa như muốn níu lại những giá trị quý đang dần mất đi. 244 làng nghề truyền thống tại các huyện ngoại hành cũng là những di sản đang cần bảo tồn và phát triển.

Tên tuổi, sự nghiệp những danh nhân lớn làm rạng danh Hà Nội và cả dân tộc như Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi... cũng trở thành di sản văn hóa thiêng liêng của văn hiến Thăng Long.

Nhận diện, đánh giá để bảo tồn

Trước kia, nói về di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội, người ta cùng chung một nhận định đó là kho tàng văn hóa phong phú, đặc sắc nhưng cụ thể như thế nào thì không ai định rõ. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội là một việc làm cấp thiết, nhằm mục đích nhận diện rõ ràng không chỉ về khối lượng, loại hình các di sản văn hóa phi vật thể mà còn nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại.

Vấn đề then chốt của việc kiểm kê là xác định các biện pháp đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể theo hướng kế thừa văn hóa sống. Ngoài việc kiểm kê, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tiến hành lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê lần này gồm: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc có trên địa bàn, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, đợt kiểm kê này thực hiện tại toàn bộ các làng, thôn, bản, khu dân cư của 379 xã, 154 phường và 2 thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Riêng huyện Đông Anh đã thực hiện kiểm kê thí điểm từ năm 2011, bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và ngân sách UBND huyện Đông Anh.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Đông Anh cho biết: Sau khi tiến hành kiểm kê di sản văn hóa tại các xã, chúng tôi có dịp trao đổi với cán bộ địa phương, những người quản lý di sản về các kinh nghiệm bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Thời gian thực hiện đề án Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội được tiến hành đến hết năm 2014, với kinh phí trên 13 tỷ đồng.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng, việc kiểm kê là cơ sở đầu tiên và có ý nghĩa quan trọng nâng cao vai trò công tác quản lý Nhà nước bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả những di sản văn hóa của Hà Nội.

Đinh Thị Thuận

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến