Bài học cảnh giác từ đợt tái bùng phát COVID-19 ở Bắc Kinh

Thứ Ba, 16/6/2020, 14:44 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sau gần hai tháng không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vài ngày qua bỗng trở thành "điểm nóng" COVID-19 với sự xuất hiện của ổ dịch mới tại một khu chợ bán buôn trong thành phố.

Dịch COVID-19: Bắc Kinh ghi nhận 27 ca nhiễm mới trong ngày

Dịch COVID-19: Bắc Kinh ghi nhận 27 ca nhiễm mới trong ngày

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc ngày 16/6 cho biết đã ghi nhận thêm 40 ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 15/6, trong đó 32 ca lây nhiễm trong nước và 8 ca từ nước ngoài nhập cảnh. Không có ca tử vong nào do COVID-19 ở Trung Quốc đại lục trong ngày 15/6.

Đến sáng 16/6, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên quan ổ dịch này đã lên đến gần 100 người, khiến giới chức thành phố Bắc Kinh phải lên tiếng cảnh báo tình hình "cực kỳ nghiêm trọng". Diễn biến bất ngờ trên đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, với những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.   

Ca bệnh đầu tiên của đợt tái bùng phát dịch ở thủ đô Bắc Kinh được xác nhận chiều 11/6, chỉ 2 ngày sau khi giới chức thành phố này tuyên bố Bắc Kinh không còn COVID-19 lây nhiễm trong nước, với bệnh nhân cuối cùng bình phục và xuất viện ngày 8/6.

Riêng trong ngày 14/6, Trung Quốc ghi nhận thêm 49 ca mắc COVID-19 mới, trong đó số ca nhập cảnh là 10 người, số ca trong nước là 39 trường hợp, thì có tới 36 ca ở Bắc Kinh, đều liên quan đến ổ dịch tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa. Ba ca còn lại ở tỉnh Hà Bắc, giáp ranh với Bắc Kinh và cũng liên quan tới các ca bệnh ở thủ đô.

Từ ca bệnh mới đầu tiên, đợt dịch COVID-19 trong cộng đồng lần này tại Bắc Kinh đã lan ra 8/16 quận, với 106 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở 3 tỉnh thành là Bắc Kinh, Liêu Ninh và Hà Bắc cùng hàng nghìn trường hợp đang phải cách ly do tiếp xúc gần với những người đã mắc bệnh. Hơn 10.000 người liên quan khu chợ này đã được xét nghiệm axit nucleic để tìm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.  

Chú thích ảnh
Xét nghiệm nhằm phát hiện người nhiễm COVID-19 cho người dân sống gần khu chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Chợ Tân Phát Địa nằm ở quận Phong Đài, phía Tây Nam Bắc Kinh, là nơi cung cấp hầu hết các loại trái cây và rau tươi cho khu vực thủ đô. Khu chợ này cũng bán thịt và nhiều loại hải sản khác. Giới chức Trung Quốc đánh giá ổ dịch Tân Phát Địa có "nguy cơ lây lan rất cao", do lượng người ra vào chợ đông, tần suất lớn. Chợ Tân Phát Địa đã phải đóng cửa ngày 13/6 vừa qua. Ngay trong ngày, quận Phong Đài đã tuyên bố áp dụng “cơ chế thời chiến” và thành lập một trung tâm chỉ huy để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Lực lượng chức năng đeo khẩu trang liên tục tuần tra chợ Tân Phát Địa sau khi khu chợ này đóng cửa. Chính quyền quận Phong Đài cũng nhanh chóng phong tỏa 11 khu dân cư gần chợ Tân Phát Địa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.   

Tiếp theo quận Phong Đài, quận Hải Điện cũng vừa yêu cầu 10 khu dân cư quanh chợ Ngọc Tuyền Đông phải phong tỏa từ 0h ngày 15/6 sau khi phát hiện một số ca lây nhiễm tại khu chợ này. Như vậy, kể từ khi xuất hiện ổ dịch Tân Phát Địa đến nay, hơn 20 khu dân cư ở Bắc Kinh đã bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh.         

Sau khi quận Phong Đài tuyên bố kích hoạt "cơ chế thời chiến", 2 quận khác tại đây là Môn Đầu Câu và Đại Hưng cùng thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, giáp với Bắc Kinh cũng chính thức bước vào "trạng thái thời chiến" để ứng phó với dịch bệnh. Với việc áp đặt “cơ chế thời chiến”, nhà chức trách sẽ tiến hành các cuộc rà soát đồng loạt, kiểm tra từng hộ dân bằng nhiều hình thức, như đến nhà, gọi điện thoại, dán thông báo, nhắn tin... nhằm tìm cho ra những người đã từng đến hoặc tiếp xúc với người ở chợ Tân Phát Địa trong vòng 14 ngày, để kịp thời cách ly những người nghi ngờ nhiễm bệnh và tiến hành xét nghiệm.

Ngoài ra, chính quyền quận Phong Đài và nhiều quận khác cũng đã nâng một mức cấp độ cảnh báo dịch bệnh, đồng thời yêu cầu người dân khi tới những nơi đông người như siêu thị hay nhà hàng cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giãn cách xã hội. Hiện nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã kêu gọi người dân không đến Bắc Kinh vào thời điểm này nếu không cần thiết và yêu cầu những người đến từ khu vực có nguy cơ ở Bắc Kinh phải cách ly 14 ngày.         

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Một điều rất dễ nhận thấy ở Bắc Kinh những ngày này là sự lo lắng đã quay trở lại trên gương mặt nhiều người, người dân ra đường cũng thường xuyên đeo khẩu trang, các khu dân cư, địa điểm công cộng đều siết chặt công tác kiểm dịch trở lại, bao gồm đo nhiệt độ, khai báo sức khỏe, hành trình đi lại và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc. Tất cả trái ngược hoàn toàn với bầu không khí phòng dịch có phần trùng xuống trước khi ổ dịch Tân Phát Địa bùng phát. Thực tế thì sau gần 60 ngày Bắc Kinh không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, chính quyền thành phố cũng đã hạ mức ứng phó khẩn cấp với COVID-19 từ cấp độ 2 xuống cấp độ 3 kể từ ngày 6/6, người dân có phần chủ quan, nhiều người đã tháo bỏ khẩu trang khi ra ngoài, nhiều nơi cũng kiểm dịch một cách hình thức và lỏng lẻo         

Đến nay, nhà chức trách Bắc Kinh vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm chính xác tại ổ dịch Tân Phát Địa, mà chỉ biết rằng virus SARS-CoV-2 đã được tìm thấy trên thớt dùng để xẻ thịt cá hồi tại khu chợ này. Qua trình tự bộ gien, các chuyên gia y tế phát hiện chủng virus SARS-CoV-2 này tới từ châu Âu. Một số chuyên gia cho rằng vụ việc này có thể liên quan tới các ca nhiễm từ nước ngoài trở về. Cũng có ý kiến nhận định nguồn lây nhiễm có thể là do hải sản và thịt nhập từ nhiều nước hoặc từ nơi khác đã mang virus SARS-CoV-2 vào chợ, từ đó lây cho người bán và khách hàng. Ngoài ra, có thể một người nhiễm bệnh đã đến chợ và phát tán virus ra xung quanh trước khi bị phát hiện.    

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đợt bùng phát dịch bệnh mới tại Bắc Kinh đang làm gia tăng quan ngại thủ đô Trung Quốc sẽ trở thành một Vũ Hán thứ hai. Mặc dù một số chuyên gia y tế Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ không bùng phát dịch trên quy mô lớn như Vũ Hán, bởi Trung Quốc hiện đã có rất nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch, song điều quan trọng lúc này là phải khẩn cấp áp dụng các biện pháp quyết liệt và nghiêm ngặt nhất để kiểm soát được ổ dịch mới và ngăn chặn virus lây lan. Nếu như ổ dịch Tân Phát Địa có thể kiểm soát ở mức dưới 200 ca bệnh, dịch bệnh sẽ không lan rộng, và hai tuần tới đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình ngăn chặn dịch tại đây.         

Dù đợt bùng phát mới tại Bắc Kinh chưa đến mức nghiêm trọng như tại Vũ Hán, nhưng rõ ràng, qua vụ việc này, rất dễ nhận thấy rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao nếu không thực hiện những biện pháp kiểm dịch và phòng dịch nghiêm ngặt. Chỉ một chút sơ sểnh và lơ là phòng dịch, cả xã hội sẽ phải trả cái giá rất đắt cả về vật chất và sinh mạng nếu dịch bệnh lan rộng. Chính vì vậy, chính quyền, người dân không được phép chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh và phải luôn đề cao ý thức cảnh giác đối với chủng virus nguy hiểm này. Ổ dịch Tân Phát Địa tại Bắc Kinh chính là bài học quý đối với Trung Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19.     

Tiến Trung - Phóng viên TTXVN tại Trung Quốc

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến