(Thethaovanhoa.vn) - Việc phá giá tiền tệ không mang lại lợi ích cho bất kỳ quốc gia nào và có thể gây ra sự hỗn loạn đối với trật tự tài chính toàn cầu. Đây là phát biểu của cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - tức Ngân hàng trung ương) Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) đưa ra ngày 14/6 tại một diễn đàn tài chính tổ chức ở Thượng Hải.
Ngày 11/10 Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc về cái mà Mỹ gọi là "thao túng tiền tệ," được cho là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nhiều việc làm tại Mỹ.
Theo ông Chu Tiểu Xuyên, Trung Quốc nên mở rộng thị trường và bán nhiều hàng hóa hơn cho các nước khác để bù đắp những ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu sang Mỹ giảm sút. Cựu thống đốc ngân hàng nhấn mạnh nếu cuộc chiến thương mại nổ ra, tỷ giá hối đoái sẽ thay đổi và có thể đặt ra thách thức đối với sự đồng thuận đã đạt được trước đó nhằm ngăn chặn hành vi phá giá tiền tệ.
Mặc dù ông Chu Tiểu Xuyên không đề cập cụ thể tới đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tại diễn đàn tài chính này, song các nhà đầu tư trên thế giới vẫn đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá đồng NDT trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang. Trước đó, ngày 10/6, tỷ giá đồng NDT giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, có lúc giảm còn 6,9352 đổi 1 USD.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tỷ giá NDT tại thị trường đại lục và ngoài đại lục đã giảm hơn 2%. Ông Trump còn dọa sẽ áp thuế đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu hai nước không đạt được thỏa thuận thương mại.
Thống đốc PBoC Dịch Cương (Yi Gang) thừa nhận có sự liên quan giữa chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá NDT, nhấn mạnh rằng "một chút linh hoạt" trong tỷ giá NDT sẽ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.
Phương Oanh/TTXVN