(Thethaovanhoa.vn) - Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2018, do Thông tấn xã Việt Nam bình chọn:
Dưới đây là 10 sự kiện di sản văn hóa Việt Nam tiêu biểu năm 2018 và 5 vấn đề "nóng" về di sản văn hóa tạo sự chú ý của dư luận trong năm 2018 do Thế giới Di sản bình chọn và lựa chọn.
1. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước: Ngày 23/10/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021, với 476 trong số 477 đại biểu tán thành (tỷ lệ 99,79%). Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
2. Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội: Việt Nam tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. GDP dự kiến tăng trưởng hơn 6,8%; xuất siêu đạt mức kỷ lục hơn 6,89 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư nước ngoài hơn 19 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; 132.000 doanh nghiệp thành lập mới; cả nước đón gần 15,6 triệu lượt khách quốc tế... Đây là năm thứ ba liên tiếp lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%. Các chính sách tài khóa, tiền tệ được điều hành linh hoạt, đáp ứng yêu cầu về vốn của nền kinh tế.
3. Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP: Ngày 12/11/2018, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV. CPTPP được coi là Hiệp định thương mại tự do lớn thứ ba thế giới hiện nay và sẽ được thực thi từ năm 2019. Hiệp định sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, cải cách chính sách theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn.
4. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt từ trung ương đến cơ sở: Nhiều vụ tham nhũng quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng trong lĩnh vực dầu khí, ngân hàng, quản lý đất đai, công sản cùng nhiều vụ tiêu cực ở một số ngành, địa phương đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và đưa ra ánh sáng. Các đối tượng sai phạm dù là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, tướng lĩnh lực lượng vũ trang hay cán bộ quản lý các cấp… đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân.
5. Ban hành Nghị quyết nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh: Nghị quyết 36-NQ/TW được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII ban hành ngày 22/10/2018, với tầm nhìn đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, các ngành kinh tế biển có sự phát triển đột phá, đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp 65-70% GDP.
6. Năm thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam: Với những kỳ tích vang dội trên đấu trường khu vực: Vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á (AFF Suzuki Cup); Á quân Giải Vô địch bóng đá U23 châu Á; lần đầu tiên vào đến vòng bán kết Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), các tuyển thủ bóng đá quốc gia Việt Nam đã khơi dậy niềm tự hào và tinh thần đoàn kết dân tộc. Những thành tích này có được là nhờ một lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và luyện rèn về đạo đức cùng vị huấn luyện viên trưởng tài năng người Hàn Quốc Park Hang Seo.
7. Phát hiện việc gian lận điểm thi trên quy mô lớn: Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, việc gian lận điểm thi đã bị phát hiện tại các hội đồng thi: Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình… gây rúng động dư luận. Cơ quan an ninh điều tra đã vào cuộc, khởi tố, bắt tạm giam một số đối tượng liên quan để điều tra làm rõ và xử lý theo luật định. Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã tiến hành sửa đổi, hoàn thiện Quy chế thi THPT quốc gia.
8. Việt Nam có ngân hàng mô đầu tiên: Ngày 16/10/2018, Ngân hàng mô đầu tiên của Việt Nam đã khai trương tại Bệnh viện Việt-Đức. Đây là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng, trao đổi mô, nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Ngày 24/12, Bệnh viện Việt - Đức và Bệnh viện Nhi đồng 2 chính thức thông báo đã ghép thành công 6 tạng (1 tim, 1 gan, 2 phổi, 2 thận) cho 5 bệnh nhân từ một người cho chết não. Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng và thường gặp trong lâm sàng, như thận, tim, gan, tụy, phổi, tiến hành hơn 1.500 ca ghép mỗi năm với tỷ lệ thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
9. Xây dựng thương hiệu Việt chất lượng cao: Việc VinFast có mặt tại Paris Motor Show 2018 - Triển lãm ôtô danh giá nhất thế giới - đã khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt và giúp điền tên Việt Nam lên bản đồ công nghiệp chế tạo ô tô toàn cầu. Tại sự kiện ra mắt xe VinFast ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, thể hiện khát vọng xây dựng hệ thống thương hiệu Việt chất lượng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
10. Bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc: Ngày 1/10, Việt Nam triển khai một đơn vị độc lập - Bệnh viện dã chiến cấp 2, được phiên chế 63 thành viên – tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trước đó, 29 lượt sỹ quan của Việt Nam cũng đã thực thi các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc làm này thể hiện sự chủ động và trách nhiệm tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc.
TTXVN