Zidane: Góc khuất phía sau một tượng đài

Chủ Nhật, 10/1/2016, 16:59 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp vừa được bổ nhiệm làm HLV Real Madrid. Nhiều người đã cảnh báo một tương lai đầy bất trắc với Zinedine Zidane. Nhưng tại sao anh vẫn nhận lời?

Cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Pháp vừa được bổ nhiệm làm HLV Real Madrid. Nhiều người đã cảnh báo một tương lai đầy bất trắc với Zinedine Zidane, bởi sự thất thường của Chủ tịch Real Florentino Perez, áp lực thành tích khủng khiếp ở Santiago Bernabeu, sự đỏng đảnh kỳ lạ của các CĐV áo trắng, nhưng tại sao anh vẫn nhận lời?

Có thể là bởi Zidane muốn thử sức mình trong cương vị mà mọi HLV đều mơ ước, nhưng nhìn vào quá khứ của anh sẽ đưa ra một câu trả lời thuyết phục hơn.

Từ chối gốc gác

Phóng viên người Pháp Philippe Auclair kể lại một câu chuyện về Zidane năm 2014, khi ông bắt một chiếc taxi ở Paris. Tay tài xế là một người gốc Algeria, cụ thể, là một người sắc tộc Kabyle đã đóng góp rất nhiều những diễn viên, ca sĩ, nhà khoa học, nhà báo, chính trị gia… tài năng cho nước Pháp. Auclair, vì thế, đã hỏi về Zidane. “A! Không, không, hắn ta thì không, và tôi sẽ nói cho anh biết tại sao”, tay tài xế đáp.

Lý do không phải là vì cú húc đầu vào Marco Materazzi ở chung kết World Cup 2006, không phải vì cú giẫm lên chân tuyển thủ Saudi Arabia, Mohammed al-Khlaiwi, ở trận thứ hai của ĐT Pháp tại World Cup 1998, hay 14 thẻ đỏ mà Zidane phải nhận trong sự nghiệp của mình, mà là “sự hèn nhát” của một kẻ đã quên mất mình tới từ đâu. “Hắn ta chưa bao giờ nói”, tay tài xế bức xúc. “Rằng mình là người Algeria”. Zidane, sinh ở Marseille, với bố mẹ Smaïl và Malika đều là những người Kabyle, cũng đã từ chối đưa ra bình luận trong cuộc xung đột giữa các thanh niên Hồi giáo và nhà chức trách tàn phá nước Pháp hồi năm 2001.

Tuy nhiên, ngày 12/12/2006, Zidane đã giải nghệ, 6 tháng sau trận chung kết định mệnh với những người Ý, anh bước ra từ phòng chờ ở sân bay Algiers, được chào đón bởi một đám đông gần như bị mê hoặc. Chiếc máy bay đã đưa anh về quê cha đất tổ do đích thân Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika thuê. Trong lá thư mời, ông Bouteflika ca ngợi “một sự nghiệp lừng lẫy, xuất chúng, khác thường đã được xây dựng trên lòng tự trọng, sự thông minh, quảng đại, và trên hết là tinh thần thượng võ”. Nhắc tới “sự cố Materazzi”, ông Bouteflika, người đã đàn áp thẳng tay những người Kabyle không lâu trước đó, thậm chí ca ngợi Zidane “đã phản ứng như một người đàn ông hiểu danh dự là gì”.

Zidane cũng đã cố tỏ ra yêu quê hương mình. Bên cạnh các vệ sĩ do Bouteflika bố trí, anh gặp ai cần gặp, bắt tay và chụp ảnh, dành một giờ đồng hồ (trong 5 ngày) ở ngôi làng mà bố anh đã sinh ra. Lịch ban đầu là ba tiếng, nhưng là một siêu sao, mọi chuyện có thể thay đổi rất chóng vánh, như những gì đang diễn ra với anh ở Bernabeu.

Rồi vụ Zahir Belounis, một cầu thủ người Pháp-Algeria bị giam giữ trái phép ở Qatar trong 19 tháng, không được trả lương và bị tịch thu hộ chiếu. Belounis đã gửi thư cầu xin sự hỗ trợ tới những đại sứ World Cup Qatar 2022, bao gồm Zidane. Nhưng bạn hãy tìm thử trên internet, không hề có một dòng nào về việc Zidane phản ứng hay lên tiếng về vụ việc đó. Cũng phải nhắc rằng trong vai trò đại sứ, Zidane đã bỏ túi 15 triệu đô-la Mỹ (và thêm 1 triệu đô-la Mỹ mỗi năm nữa cho tới khi giải đấu diễn ra nếu Qatar giành được quyền đăng cai). Vậy mà không lâu trước đó, ngay sau chiến thắng của Qatar ở cuộc bỏ phiếu của FIFA, Zidane tuyên bố: “Đây không chỉ là một chiến thắng của Qatar, đây còn là một chiến thắng của thế giới A-rập”.

Luôn nghe lời những người có tiền

Emmanuel Petit, một đồng đội của Zidane ở ĐT Pháp nói: “Zidane và tôi khác nhau. Chúng tôi không nói chuyện với nhau. Bạn không thể giả vờ bạn đang giúp đỡ người khác khi mà thực ra bạn đang phục vụ cho những ông chủ lớn tìm kiếm lợi nhuận trên lưng người khác. Nhưng ở vị thế của anh ấy bây giờ, anh ấy là không thể đụng đến”. Như những gì Petit nói, việc Zidane nhận lời thay thế Rafael Benitez ở Bernabeu bất chấp những khuyến cáo về công việc đầy hung hiểm đó, là nhất quán với những gì anh vẫn làm lâu nay, phục vụ cho những ông chủ lớn, lần này là Perez, trở thành công cụ để họ dẹp tan dư luận bất bình, làm những việc trái khoáy và tích tụ thêm tiền bạc lẫn quyền lực.

Năm 2008, nhà báo người Pháp Besma Lahouri cho in cuốn Zidane: Une Vie Secrète (Zidane: Một cuộc đời bí mật) tiết lộ nhiều góc khuất trong sự nghiệp của tiền vệ người Pháp. Tài năng bóng đá của anh là không thể phủ nhận, nhưng theo Lahouri, điều khiến Zidane trở thành huyền thoại, ngoài 2 cú đánh đầu vào lưới ĐT Brazil ở trận chung kết World Cup 1998, là sức hấp dẫn cá nhân của anh: những chiến thắng, nụ cười hiền hậu, sự thanh bình trong nét mặt… Ngay cả chứng hói đầu từ khi còn trẻ, mà Zidane không hề giấu giếm, cũng khiến anh trở nên đáng yêu hơn.

Zidane không chỉ là một cầu thủ bóng đá lý tưởng, anh còn là người cha, người chồng, và chàng rể tuyệt vời. Anh là “người di cư thế hệ thứ hai”, là biểu tượng của tất cả những gì tốt đẹp. Nhưng cuốn sách của Lahouri cho thấy nhiều hơn thế, vẽ ra một nhân vật kém hấp dẫn hơn nhiều, mà thực ra là một kẻ sống giả tạo đã được xây đắp, tô vẽ, và khai thác thành một biểu tượng của những người nhiều tiền bạc và quyền lực.

Lớn lên trong khu nghèo khó của Marseille và bỏ học năm 15 tuổi, nhưng Zidane đã xây dựng được tình bạn với những đại gia lớn nhất nước Pháp: Franck Riboud, chủ tịch và CEO Danone Group; Jacques Bungert, đồng chủ tịch hãng quảng cáo Young & Rubicam và thời trang Courrèges; François-Henri Pinault, tỉ phú sở hữu Kering Group; và tất nhiên, các ông trùm dầu mỏ ở Qatar; cũng như chính Perez, vốn xuất thân và vẫn đang là một nhà thầu xây dựng cự phú tại TBN.

Petit ghét Zidane chính vì những mối quan hệ đó. Khi bóng trong chân, Zidane là một nhà thơ. Nhưng ở ngoài sân, anh trở thành một doanh nhân lọc lõi chỉ biết có lợi ích bản thân (công bằng mà nói, biết đâu chính điều đó sẽ giúp anh thành công trong cương vị mới ở Madrid). Còn hơn cả David Beckham, Zidane mới là trường hợp nghiên cứu điển hình cho việc xây dựng một hình

Điều đó rõ ràng hơn từ năm 2004, khi quyền lực và khả năng thao túng các trận đấu của Zidane bắt đầu suy giảm. Lúc bấy giờ, khá rõ ràng là ĐT Pháp đang sở hữu một tài năng lớn không kém đã sẵn sàng nhận sự chuyển giao. Thierry Henry đang ở đỉnh cao phong độ, chơi xuất sắc tại Cúp Các Liên đoàn (giải mà Zidane không tham dự). Nhưng Henry và Zidane chưa bao giờ hợp nhau. Thậm chí đã xuất hiện cả tin đồn về một cuộc lật đổ của “Các pháo thủ”, tức những người chơi cho Arsenal trong ĐT Pháp (Patrick Vieira, Robert Pires, Henry, Petit…) chống lại “Hoàng đế”, tức Zidane. Tin đồn đó là khó tin, nhưng hãy nghĩ về điều này: Zidane chưa bao giờ có một đường kiến tạo thành bàn nào cho Henry, lúc đó là Vua phá lưới của Premier League và Chiếc giày vàng của châu Âu. Chưa bao giờ! Tới World Cup 2006, giải đấu cuối cùng của Zidane, số 10 của tuyển Pháp đã không một lần kiến tạo cho số 12, trong 51 trận mà họ chơi cùng nhau! Nhìn chung thì Henry luôn bị coi là người có lỗi.

Tất cả những quá khứ đó giải thích tại sao Zidane đã vui vẻ và nhanh chóng nhận lấy công việc hiện giờ, cũng như việc anh đã hoàn toàn im lặng trước làn sóng chỉ trích Benitez dữ dội, và có phần bất công trong thời gian qua ở Bernabeu. Nhưng giờ khi chính anh đã ngồi lên ghế nóng, không có gì bảo đảm là Zizou sẽ lại thành công như lúc anh còn là cầu thủ.

Trần Trọng

Trung  (11/01/2016 06:10:39)
trungv87@gmail.com
Một thanh niên gato đã chia sẻ :)))))
Khanh Minh Hoang  (10/01/2016 07:47:48)
khanhtrang9121@gmail.com
Nhà báo Trần Trọng là fan của ai mà ghét Zidane thế? Nhà báo có xem trận Pháp- Đan Mạch tại Euro 2000 không để xem ai là người tung đường chuyền chết người cho Henry bứt tốc trước khi ghi bàn? Ai là người thực hiện pha đá phạt cho Henry sút vào lưới Brazil tại World Cup 2006? Còn Zidane sinh ra và lớn lên tại Pháp, một đất nước có rất rất nhiều người nhập cư từ các quốc gian châu Phi. Nước Pháp là nơi chắp cánh cho Zidane bay cao, chắc gì anh đã có sự nghiệp lẫy lừng nếu sinh ra và lớn lên ở Algeria? Còn chuyện Zidane có thành công ở cương vị HLV hay không thì thời gian sẽ trả lời, bởi vì cầu thủ giỏi không có nghĩa là HLV giỏi, có biết bao tấm gương đó thôi, nhà báo không nói thì ai cũng biết. Nhưng Zidane thực đáng trân trọng khi dám ngồi vào chiếc ghế nóng ấy, không có thành công nào mà không phải trả giá, may mắn cũng chẳng bao giờ tự nhiên mà tới. Nhà báo hãy có một cái nhìn tổng thể, chân chính , đừng tham khảo mấy cái tin lá cải và ghen ghét đó kỵ như Petit chẳng hạn. Chúc anh thành công Zizou!
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến