(Thethaovanhoa.vn) - 11h30 sáng ngày 31/7 (giờ địa phương), Cristiano Ronaldo diện vest chỉn chu, xuất hiện tại cửa Tòa án số 1 Pozuelo, bắt đầu hành trình chiến đấu bảo vệ thanh danh trước cáo buộc trốn thuế.
Chiến đấu tới cùng
Trước đó, các công tố viên cáo buộc Ronaldo đã trốn 14,7 triệu euro trong khoảng thời gian từ năm 2011-2014 một cách "tự nguyện" và "có ý thức" về những gì mình làm.
“Ronaldo đã lợi dụng một đơn vị kinh doanh được lập ra vào năm 2010 để qua mắt các cơ quan tài chính, che giấu những khoản thu nhập phát sinh ở Tây Ban Nha thông qua bản quyền hình ảnh”, thông báo của Văn phòng công tố cho biết. CR7 còn bị buộc tội đã sử dụng một công ty ma tại Quần đảo Virgin để “tạo ra một tấm bình phong" nhằm che giấu tổng thu nhập thực tế, lừa dối thuế vụ Tây Ban Nha.
Cristiano Ronaldo khẳng định rằng anh vô tội bất chấp bị cáo buộc trốn thuế. Ngôi sao người Bồ Đào Nha muốn có thêm thời gian để làm sáng tỏ rắc rối về thuế mà anh vướng vào.
Cụ thể, Ronaldo được cho đã trốn 1,39 triệu euro năm 2011; 1,66 triệu euro vào năm 2012; 3,2 triệu euro vào năm 2013 và 8,5 triệu euro trong năm 2014. Những con số này vượt quá rất nhiều lần mức 120.000 euro/năm theo quy định của luật pháp Tây Ban Nha.
Với mức phạm tội này, án phạt sẽ là tù từ 2-7 năm. Riêng trường hợp của Ronaldo, công tố viên yêu cầu Tòa án áp dụng mức phạt cao nhất, tù 7 năm. Giống như Lionel Messi, Ronaldo có thể tránh được án tù trong trường hợp thanh toán ngay số tiền nợ thuế, cùng tiền phạt tương ứng.
Tuy nhiên, Ronaldo không có ý định nhượng bộ như Messi. Nguồn tin thân cận với Ronaldo tiết lộ trên tờ AS (Tây Ban Nha) Ronaldo sẽ chiến đấu đến cùng. "Ronaldo sẽ đi tới cùng của sự việc, thậm chí phải đối mặt với một vụ kiện chống lại cơ quan công quyền Tây Ban Nha để bảo vệ sự trong sạch của mình. Anh ấy sẽ không thỏa hiệp với bất cứ yêu cầu nào và cũng không sợ hãi trước những đe dọa về án tù".
Tự tin vào chiến thắng
Nếu thỏa hiệp, số tiền Ronaldo phải chi trả cho thuế vụ Tây Ban Nha sẽ là 29 triệu euro bao gồm nợ thuế và tiền phạt. Với tổng tài sản lên tới hơn 200 triệu euro (theo định giá của tờ The Times), con số trên không phải quá lớn. Nhưng Ronaldo nhất quyết không chi tiền.
"Ronaldo đứng giữa hai lựa chọn, hoặc đi tới cùng, hoặc trả nợ thuế và tiền phạt lên tới 29 triệu euro. Nhưng Ronaldo quyết không chi số tiền đó", nguồn tin trên cho biết.
Đại diện của Ronaldo trong vụ trốn thuế là hãng luật Baker & McKenzie. Thành lập từ năm 1949 tại Mỹ, Baker & McKenzie là hãng luật hàng đầu thế giới, có 77 văn phòng tại 47 quốc gia với hàng chục nghìn luật sư thuộc hàng xuất sắc toàn cầu.
Năm 2009, Baker & McKenzie từng gây tiếng vang khi giúp Tập đoàn Veritas Software Corporation thắng thuế vụ Mỹ trong cáo buộc trốn 1 tỷ USD tiền thuế. Baker & McKenzie hiện đang đại diện luật pháp cho các tập đoàn lớn như Microsoft hay Facebook trong cáo buộc cố tình định giá thấp tài sản khi chuyển giao qua chi nhánh tại Ireland.
Trong phiên điều trần đầu tiên, đội ngũ luật sư của Ronaldo nói trước tòa rằng thân chủ của họ "luôn tuân thủ" các quy định về tài chính và chưa bao giờ có ý định qua mắt thuế vụ Tây Ban Nha. Họ cho rằng sự việc chỉ đơn thuần là "sự khác biệt trong việc định giá" chứ không hề có sự cố ý trốn thuế ở đây.
Có Baker & McKenzie bảo vệ quyền lợi, Ronaldo tự tin anh sẽ được tuyên vô tội trước tòa. Trước Ronaldo, Xabi Alonso từng được tuyên vô tội sau khi kiện ngược lại tòa án vì cáo buộc trốn 2 triệu euro tiền thuế từ năm 2010-12.
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa