(Thethaovanhoa.vn) - Sau chiến tích ở Thổ Nhĩ Kỳ là nỗi buồn ở Madrid. Roger Federer đã phải dừng chân tại ngay vòng 2 Madrid Masters khi gác vợt trước tài năng trẻ Nick Kyrgios, người luôn coi anh là một thần tượng.
Ngày 11/05/2014, Nick Kyrgios chia sẻ một tấm ảnh anh chụp cùng thần tượng Roger Federer với một tâm trạng rất vui mừng. Tay vợt trẻ người Australia đã có vài ngày tập luyện cùng Federer ở Zurich để chuẩn bị cho Roland Garros 2014, và đối với anh, đó là một kỷ niệm để đời.
Hiện tượng thực sự
Thời điểm ấy, Kyrgios đang xếp hạng 159 thế giới, mới có 3 danh hiệu Challenger, và chưa bao giờ vượt quá vòng hai Grand Slam. Trong khi đó, Federer là chủ nhân 17 danh hiệu Grand Slam và xếp hạng tư thế giới. Một năm sau, đã có rất nhiều thay đổi giữa họ.
Kyrgios - bây giờ xếp hạng 35 thế giới (và là tay vợt trẻ nhất trong Top 50) - đã bắt tay Federer với tư cách một đối thủ và không giấu nổi niềm vui sau khi bất ngờ loại đàn anh người Thụy Sĩ khỏi Madrid Masters với tỷ số 6-7(2), 7-6(5), 7-6 (12). Đó còn là một chiến thắng đầy kịch tính khi anh phải cứu hai matchpoint trước khi lội ngược dòng để hạ Federer 14-12 trong loạt tie-break ở set quyết định. Sau trận, Federer than thở rằng anh đã bất lực trước những cú giao bóng một của tay vợt người Australia. Ở trận này, Kyrgios đã tung ra tổng cộng 21 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp (ace).
Hè năm ngoái, Kyrgios cũng trải qua một niềm vui tương tự khi anh đánh bại Rafael Nadal ở vòng 4 Wimbledon. Một cậu nhóc mới chơi 48 trận trong sự nghiệp nhà nghề mà đã đánh bại hai tay vợt vĩ đại nhất ở thập kỷ qua chỉ trong vòng 10 tháng rõ ràng là một hiện tượng đáng chú ý. Theo thống kê, Kyrgios là tay vợt thứ 5 trong lịch sử từng quật ngã cả Federer và Nadal khi mới ở ngưỡng 20 tuổi, bên cạnh những Mario Ancic, Tomas Berdych, Novak Djokovic và Juan Martin del Potro.
Thử thách kế tiếp của Kyrgios ở vòng 3 Madrid Masters sẽ là “tòa tháp” 2m08 John Isner (16), người cũng rất nổi tiếng với những cú giao bóng mạnh. Liệu tay vợt trẻ này có thể tiếp tục gây bất ngờ?
Cần phải học sự kiềm chế
Nick đã tiến bộ rất nhiều trong vòng 1 năm qua, và việc hai lần lọt vào tứ kết Grand Slam cũng như những chiến thắng trước Federer, Nadal là một minh chứng. Nhưng để trở thành một tay vợt lớn thì tất nhiên sẽ cần nhiều thời gian.
Quần vợt Australia kể từ sau thế hệ của Lleyton Hewitt đã không sản sinh ra một tay vợt lớn nào nữa. Bernard Tomic từng được kỳ vọng rất nhiều nhưng rồi cũng chững lại, và người ta dĩ nhiên không muốn Kyrgios đi vào vết xe đổ ấy vì phải chịu quá nhiều áp lực từ sự kỳ vọng.
Có một điểm mà bà Nill vẫn không hài lòng về Nick, đó là tính khí nóng nảy của anh. Ở trận vừa rồi, sau một tình huống nhận định sai của trọng tài dây, Nick đã tiến đến trọng tài chính và gào lên “Sao không đuổi ông ta ra khỏi đây”. Ngoài ra, còn không ít lần anh đập vợt đầy cáu giận. Theo bà Nill, Nick cần phải học cách kiềm chế và Federer chính là tấm gương sáng nhất. “Ai mà chẳng có lúc mắc sai lầm. Thay vì cố gắng chỉ ra lỗi sai của trọng tài, Nó phải cố gắng theo dõi trái bóng hơn”, bà Nill nghiêm khắc.
Tại Australian Open 2015, giải đấu mà Kyrgios vào đến tứ kết, anh cũng để lại một ấn tượng xấu bởi sự thiếu kiềm chế dẫn đến án phạt 13.000 USD. Ở trận gặp Albert Ramos tại giải Estoril Open diễn ra tuần trước, anh cũng hai lần bị trọng tài nhắc nhở vì lỗi tương tự.
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa