Novak Djokovic chia tay HLV Boris Becker: Khép lại, và mở ra

Thứ Bảy, 17/12/2016, 15:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) – Sứ mạng của Boris Becker với Novak Djokovic đã kết thúc. Ba năm qua, họ đã trở thành cặp thầy trò thành công bậc nhất trong lịch sử quần vợt, nhưng giờ là lúc Nole hướng đến một chương mới trong sự nghiệp của mình.

Khi Djokovic thuê Becker làm HLV hồi tháng 12/2013, mục tiêu của anh là rất rõ ràng. Becker không phải người sẽ tinh chỉnh những cú quả của Nole, cũng không tân trang chiến thuật, hay biến anh trở thành một chiến binh ổn định hơn. Thay vào đó, ông được giao mục tiêu cụ thể hơn: giành chiến thắng trong một trận chung kết Grand Slam.

Becker đã hoàn thành sứ mạng với Nole

Đó là Djokovic của tuổi 26. Bất chấp đã là nhà vô địch Grand Slam, đã leo lên ngôi số một thế giới, và đã là tay vợt ổn định bậc nhất thời điểm ấy, Djokovic vẫn gặp khó khăn trong những thời điểm quan trọng nhất. Trong hai năm 2012 và 2013, anh vào chung kết 5 giải đấu lớn và thua đến 4 lần. Ba trong số những thất bại ấy là trước Andy Murray và Rafael Nadal, những tay vợt mà nhìn chung Djokovic có thể giải quyết được ở... những giải đấu nhỏ hơn. Hồi cuối năm 2013, Nadal còn vượt mặt Djokovic để leo lên vị trí số một thế giới.


Becker (trái) đã hoàn thành sứ mệnh của mình với Djokovic

Thời điểm ấy, Djokovic cần một cách tiếp cận mới ở những trận BigBang, và anh đã tìm đến một bậc tiền bối giàu kinh nghiệm thực tiễn để học hỏi. Boris Becker là một người như thế. Trong sự nghiệp của mình, thành tích của Becker ở các giải lớn không thực sự ấn tượng (thắng 6-thua 4). Nhưng tay vợt người Đức thuộc mẫu VĐV không bao giờ chùn bước trong những cuộc chiến, đặc biệt là trước những đối thủ kình địch. Ông đã đánh bại Ivan Lendl trong cả 3 lần chạm trán ở chung kết Grand Slam, và sở hữu thành tích đối đầu với Stefan Edberg là... 25 thắng – 10 thua.

Nhiều người đã hoài nghi. Becker chưa làm HLV ở bất kỳ cấp độ nào, và người đàn ông có biệt danh Mr Boom Boom vốn nổi tiếng hơn cả bởi cá tính gai góc, những phát biểu gây tranh cãi và bê bối đời tư. Liệu ông có thể hòa nhập cùng đội ngũ HLV mà Djokovic đã tạo lập từ trước đó. Câu trả lời, như chúng ta đã thấy, là rất hoàn hảo. Becker đã thực hiện được những gì Djokovic mong muốn, giống như Ivan Lendl đã làm được với Murray vậy. Trong cả hai trường hợp, các huyền thoại làm HLV đều đã truyền được tinh thần chiến thắng của mình cho các học trò.

Với Becker, Djokovic giành 6 trong tổng số 12 Grand Slam và hai lần kết thúc năm ở vị trí số một thế giới. Quan trọng hơn, ông giúp tay vợt người Serbia hoàn tất giấc mơ Grand Slam sự nghiệp khi đăng quang ở Roland Garros 2016. Trong 8 trận chung kết Grand Slam, Djokovic đã chơi dưới thời Becker, anh giành chiến thắng đến 6 lần. Hai lần hiếm hoi, Nole gục ngã là khi anh đụng Stan Wawrinka ở chung kết Roland Garros 2015 và US Open 2016. Những thành tích ấy là chỉ dấu cho thấy Becker-Djokovic là 1 trong những cặp thầy trò thành công nhất trong lịch sử quần vợt.


Thành công của Djokovic có sự góp sức không nhỏ của HLV Becker

Đối thủ lớn nhất của Djokovic là chính anh

Nhưng ngay cả điều đó cũng không thể ngăn được Djokovic chấm dứt sự hợp tác này. "Mục tiêu chúng tôi đặt ra khi làm việc cùng nhau đã được hoàn thành", tay vợt người Serbia quả quyết, "Kế hoạch của tôi bây giờ là duy trì phong độ đỉnh cao, sắp xếp một lịch đấu hợp lý và đặt ra những mục tiêu mới cho mùa giải tới".

Bất chấp những thành công họ đạt được khi hợp tác cùng nhau, sự chia tay không khiến nhiều người ngạc nhiên. Tháng trước, Djokovic đã úp mở điều này, và thực tế, sự sa sút ở nửa sau mùa giải 2016 là một lời lý giải. Sau khi vô địch ở Roland Garros, anh bị loại sớm ở Wimbledon và Olympic, cũng như không thể bảo vệ US Open, để rồi mất ngôi số một vào tay Andy Murray. Djokovic đổ lỗi cho những lý do cá nhân và cảm thấy rằng mình đã đặt quá nhiều áp lực lên bản thân. Trong khi đó, Becker lại nghĩ khác.


Djokovic sa sút vì lười tập luyện

"Djokovic không dành nhiều thời gian trên sân tập trong 6 tháng qua, và cậu ấy biết điều đó", Becker nói với Sky Sport, "Cậu ấy cần trở lại với công việc, và tập trung vào những điểm mạnh từng giúp cậu ấy đứng ở ngôi đầu". Huyền thoại này bảo rằng ông không biết gì về chuyện cá nhân của Nole nhưng thừa nhận rằng Djokovic và cô vợ Jelena Ristic không có nhiều thời gian bên nhau, song đó là chuyện thường tình đối với một tay vợt chuyên nghiệp.

"Tôi biết thất bại trong trận chung kết US Open trước Stan khiến cậu ấy bị tổn thương, nhưng tôi nghĩ đó có thể là điều cậu ấy cần. Cậu ấy cần phải nếm mùi thất bại để nhận ra nó như thế nào, bởi trước đó, cậu ấy trải qua hơn 2 năm là người chiến thắng", Becker phân tích. Đó là những nhận định khá chính xác về tình thế của Djokovic 6 tháng qua, cũng như tương lai sắp tới.

Sau khi vô địch Roland Garros, Djokovic gần như đã đạt được mọi mục tiêu mà mình đã đề ra, chỉ còn thiếu tấm HCV Olympic nữa là trọn vẹn. Anh cũng đã nhìn Murray, Nadal và Federer qua kính chiếu hậu, trong khi các tài năng trẻ thì vẫn chưa có dấu hiệu trở thành tay vợt lớn. Đối thủ lớn nhất của Djokovic bây giờ chỉ là... lịch sử, với câu hỏi duy nhất: anh có thể trở thành tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại hay không. Việc không có một mục tiêu cụ thể trước mắt ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý và sự tập trung của VĐV. Djokovic thừa nhận rằng anh không thích điều đó. Đối thủ lớn nhất của Nole bây giờ là chính anh, và đó là đối thủ lớn nhất.

Thay đổi để tiến bước

Với những kinh nghiệm của mình, Djokovic có cảm giác anh không còn lựa chọn nào khác là thay đổi thái độ với sự nghiệp của mình. Anh đã nói rất nhiều về việc định nghĩa lại giá trị của thành công, rằng không muốn tập trung vào các danh hiệu lớn hay ngôi số một thế giới nữa. Việc thay HLV là một bước trong hành trình làm mới lại bản thân. Becker đã giúp Djokovic giải quyết vấn đề ở những trận Big Bang, còn bây giờ là những vấn đề khác.

Cho dù tâm lý của Djokovic hiện tại như thế nào thì từ góc độ thể lực, đây là thời điểm thích hợp cho một sự thay đổi. Anh đã bước sang tuổi 29 từ tháng 5/2016 và đây vốn là một cột mốc đặc biệt đánh dấu sự xuống dốc của một tên tuổi lớn. Trước khi 29 tuổi, Federer và Nadal đã giành được tổng cộng 29 Grand Slam, còn sau đó, họ giành được đúng... 1 Grand Slam. Nếu Djokovic muốn thi đấu đỉnh cao đến 35 tuổi như Federer bây giờ, anh sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp về cơ thể cũng như tâm lý.


Djokovic phải thay đổi nếu muốn tiếp tục thi đấu tới năm 35 tuổi như Federer

Liệu anh có thể làm được điều đó và tiếp tục thống trị? Đó sẽ là thử thách kế tiếp. Cho dù không có Becker bên cạnh ở mùa giải 2017, anh vẫn có một ê-kíp huấn luyện chuyên nghiệp và bài bản, dẫn đầu là Marian Vajda, người thầy đã gắn bó với anh suốt 1 thập kỷ qua. "Tôi nghĩ rằng cậu ấy sẽ trở lại, giành lại vị trí số một, và lại là tay vợt thống trị môn thể thao này", Becker đã dành những lời có cánh cho cậu học trò cũ.

Djokovic từng rất giỏi bảo vệ ngôi số 1 – anh đã là thế trong 122 tuần liên tiếp – và cũng chẳng lạ gì việc bám đuổi nó. Anh đã dành cả tuổi trẻ để bám đuổi Federer và Nadal để rồi cuối cùng vượt qua họ. Chẳng có lý gì anh không thể làm điều đó trước Andy Murray, ở mùa giải tới.

Phương Chi
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến