(Thethaovanhoa.vn) - Bernabeu luôn chứa đựng bầu không khí bóng đá phức tạp nhất thế giới, với những kinh nghiệm sinh tồn khốc liệt, không chỉ vì sự tàn nhẫn của các đời chủ tịch, mà còn vì những qui tắc bóng đá nghiệt ngã nằm trong tay các ngôi sao.
Mauricio Pochettino, Joachim Loew, Arsene Wenger hay Antonio Conte, bất kể ai trong số họ có thành tích gì trong quá khứ, tỏ ra là một chiến lược gia can đảm, hay đơn giản là một HLV có tài năng, cũng không quan trọng bằng việc làm thế nào để họ quản lý phòng thay đồ ở Bernabeu. Nơi có thể nuốt chửng bất cứ ai, dù cho đó có là Jose Mourinho, một chuyên gia giỏi thu hút nhất hành tinh này.
Nghệ thuật đắc nhân tâm
Có rất nhiều nguyên tắc để tồn tại ở Bernabeu, một trong số đó là làm cho các cầu thủ hạnh phúc, điều tiếp theo là giành những danh hiệu, và sau nữa là thái độ của Chủ tịch Florentino Perez. Không một HLV nào có thể bước vào đây an toàn mà bỏ qua những điều cơ bản này, nhưng dù cho họ đã nắm được tường tận những ngóc ngách của phòng thay đồ, hiểu được những gì đang diễn ra trong đầu các ngôi sao, cũng không phải là sự đảm bảo cho một thành công lâu dài.
Raul Gonzalez và Guti đã lập công để mang về chiến thắng cho đội bóng Huyền thoại Real Madrid trong trận đấu từ thiện với Huyền thoại Arsenal.
Người ta vẫn biết rằng, ở Bernabeu, triết lý bóng đá không phải là điều quan trọng nhất, danh tiếng của một nhà cầm quân đôi khi cũng chỉ đóng vai thứ yếu, tài năng của họ càng không phải là yếu tố quyết định cho một sự nghiệp lừng lẫy với đội bóng Hoàng gia.
Jose Mourinho, kẻ chinh phục vĩ đại, người như luôn có những thuật thôi miên bí hiểm, để khiến các cầu thủ sống chết vì ông, đã thất bại ở nơi mà ông tin rằng, những kĩ năng quản lý phòng thay đồ, cộng với thành tích đồ sộ trong nghiệp cầm quân sẽ giúp mình làm chủ mọi thứ một cách dễ dàng.
Nhưng cuối cùng, đã phải rít qua kẽ răng một cách đớn đau rằng: “Có con chuột trong phòng thay đồ”, và có nhiều kẻ đã đâm sau lưng mình. Ông nhìn vào các ngôi sao như Iker Casillas, Sergio Ramos, Cristiano Ronaldo và nhận ra rằng, mình chỉ là một con rối trong tay họ, và sự thành bại của Real Madrid nằm trong bàn tay của các học trò, chứ không phải những thuật toán tâm lý mà ông dày công nghiên cứu để hạ gục các đối thủ.
“Bạn không thể đi vào đây và nói với các ngôi sao làm điều này hay điều khác, nó chẳng có tác dụng gì cả, mà ngược lại, bạn sẽ bị đá đít khỏi đó”, Steve McManaman từng nói về bí quyết sinh tồn cho các nhà cầm quân ở Bernabeu cách đây 10 năm. Ở đó, tiền đạo người Anh biết rõ cách thức mà Vicente Del Bosque đã thành công với cầu thủ, ông làm việc nhiều hơn một chút để những người như Fernando Hierro, Raul Gonzalez, Luis Figo hay Zinedine Zidane cảm thấy hạnh phúc. Họ vui vẻ, đội bóng chiến thắng. Họ căng thẳng, đội bóng không thất bại, mà người thất bại chính là HLV.
HLV người Tây Ban Nha không bao giờ nói quá to, tự nhận mình là kẻ làm thuê ở đây, và mong muốn mọi thứ thật dễ chịu với các học trò. Thật đơn giản? Không, đó là cả một nghệ thuật đắc nhân tâm, mà rất ít người có thể hiểu được điều đó.
“Chúng tôi chỉ phải bước vào phòng thay đồ để nghe ông ấy nói chừng một phút, sau đó, có thể trò chuyện, uống một thứ gì đó, thậm chí là gọi điện cho bạn bè, và quyết định hiệp hai mình sẽ thi đấu thế nào. Ông ấy luôn cố gắng giữ cân bằng những cá tính trong phòng thay đồ, nhờ sự hiểu biết tuyệt vời về tài năng của mỗi cầu thủ”, Steve McManaman không giấu được sự ngưỡng mộ với Vicente Del Bosque.
Carlo Ancelotti, sau này cũng vậy, HLV người Italy như đã biết, luôn là một người lịch thiệp, nhã nhặn và thân thiết với các cầu thủ. Ông có rất nhiều ý tưởng bóng đá, nhưng biết cách để khiến các ngôi sao tự phát huy hết năng lực theo cách họ cảm nhận. Hạn chế tác động vào phong cách thi đấu của họ, cũng như tạo ra bầu không khí trong lành ở Bernabeu. Và dù cho cũng giống như Del Bosque, Carlo Ancelotti sau đó bị sa thải một cách tàn nhẫn, nhưng thứ giữ ông ở lại Bernabeu chính là sự tôn trọng của các cầu thủ.
Bài toán cho người kế nhiệm
Nhưng ngay cả khi bạn tỏ ra là một người biết lắng nghe, điều đó cũng không phải là lựa chọn tốt nhất. “Quá tốt bụng”, Christian Panucci nói về lý do mà Jupp Heynckes bị sa thải, “Ông ấy dành cho chúng tôi quá nhiều sự tôn trọng, phòng thay đồ đã nuốt chửng ông ấy. Jupp Heynckes không thể nắm được phòng thay đồ và ông ấy không có những nguyên tắc cứng rắn để quản lý mọi thứ”.
HLV người Đức ngay từ đầu đã trở thành mục tiêu chế giễu ở Bernabeu, vì ông chỉ đến từ những câu lạc bộ hạng 2 như Athletic Bilbao hay Tenerife. Trở thành HLV ở đây ư, thật là trò cười với những người tự cho mình là hiểu tất cả mọi thứ về bóng đá như Fernando Hierro, Redondo hay Mijatovic.
Rafa Benitez, một trong những người được Chủ tịch Florentino Perez tin tưởng nhất cũng sớm trở thành đề tài châm biếm trong phòng thay đồ. Các ngôi sao bóng đá gọi ông là “The No 10”, số 10, chỉ vì ý tưởng muốn biến Gareth Bale trở thành số 10 của ông. HLV người Tây Ban Nha không chịu nổi sức nóng ở đây, và bị sa thải chỉ sau nửa mùa giải cùng sự cam kết của Chủ tịch Perez.
Zinedine Zidane đã chỉ ra rằng, ở Bernabeu, triết lý bóng đá không quan trọng bằng danh hiệu giành được. Nhưng các cầu thủ cũng cho thấy một cách khác để chiến thắng, đó là hiểu rõ tầm quan trọng của họ trong phòng thay đồ, có cách ứng xử lịch thiệp, trước khi nói đến những chiến thuật này nọ.
Mauricio Pochettino, ông có sẵn sàng để bước vào thay đồ và nói về triết lý bóng đá với các nhà vô địch vĩ đại này không?
Nhật Minh