(Thethaovanhoa.vn) - Đối với NSƯT Đăng Dương, chiến thắng ở hạng mục “Chương trình của năm” tại giải Âm nhạc Cống hiến lần 13-2018 không chỉ có ý nghĩa với cá nhân anh, mà còn là sự khích lệ cần thiết cho những nghệ sĩ thuộc dòng nhạc chính thống.
Tạo dựng vị trí như một tên tuổi hàng đầu ở dòng nhạc chính thống, nhưng phải đến khi cán mốc 22 năm kể từ lúc bắt đầu sự nghiệp ca hát, NSƯT Đăng Dương mới “dám” tự tổ chức một liveshow cho riêng mình.
Mặt trời của tôi không chỉ gói ghém chặng đường 22 năm ca hát của anh, mà còn phản ánh ước mơ của Đăng Dương cũng như nhiều nghệ sĩ thính phòng cổ điển khác về một đêm nhạc nghệ thuật đúng chất.
* Lần đầu góp mặt tại giải Âm nhạc Cống hiến và ngay lập tức được nhận giải, anh có cảm thấy bất ngờ?
- Bất ngờ thôi chưa đủ mà còn rất hạnh phúc nữa. Hạnh phúc khi Mặt trời của tôi là liveshow mang tính chất thính phòng đầu tiên được đề cử và nhận giải. Đây là điều khích lệ cho những người hát dòng nhạc chính thống như chúng tôi.
* Anh là nghệ sĩ đầu tiên tổ chức một liveshow thính phòng đúng chất. Tại sao đến tận bây giờ khán giả mới được chứng kiến một đêm nhạc như vậy khi mà Việt Nam không thiếu những nghệ sĩ tài năng?
- Để tổ chức một đêm nhạc như thế này rất khó khăn. Dòng nhạc của tôi không thể làm liveshow sớm được. Bởi nó cần người nghệ sĩ phải biểu diễn lâu năm, có độ chín trong nghề.
Bản thân tôi ban đầu cũng không nghĩ mình tổ chức được. Nhưng cái duyên nó đến khi tôi may mắn gặp được một ekip rất tốt, phải nói là hoàn hảo. Như đạo diễn Tất My Loan từng nói, cứ như là ông trời “se duyên” cho chúng tôi gặp nhau vậy.
Và để làm đêm nhạc này, tôi cùng vợ đã phải mạo hiểm, chấp nhận rủi ro rất lớn chứ không chỉ riêng chuyện tốn kém. Gần như chắc chắn là lỗ, bị hao hụt cái này cái khác. Phải một người tính toán thiệt hơn thì chắc sẽ không bao giờ dám tổ chức. Nhưng may mắn bên cạnh tôi có vợ luôn ủng hộ và động viên để tôi được làm đúng cái mình thích.
* Số lượng khán giả đến với hai đêm diễn của anh tại Nhà hát lớn không ít. Anh nghĩ yếu tố gì đã thu hút khán giả khi mà chất lượng chương trình vẫn là một ẩn số?
- Theo tôi yếu tố thứ nhất là bởi ekip làm chương trình quy tụ những người nổi tiếng về nhiều mảng. Như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đứng đầu về phối nhạc cổ điển, đạo diễn Tất My Loan, hay các ca sĩ khách mời cũng là một người rất nổi tiếng.
Quan trọng nhất là sau bao nhiêu năm đi hát, đến nay tôi mới tổ chức chương trình cá nhân. Có lẽ khán giả đã chờ đợi lâu đối với chương trình này.
* Sức hút của “Mặt trời của tôi” dường như là câu trả lời cho quan điểm rằng nhạc cổ điển, thính phòng “kén” khán giả?
- Tôi nghĩ rằng bất cứ dòng nhạc nào, nếu mình làm thật tốt thì khán giả họ sẽ vẫn đến với mình. Quan trọng là mình có làm tới hay không, có làm ra chất được không.
* Nhưng rõ ràng là không dễ để khán giả có thể cảm nhận được trọn vẹn những cái “chất”, tinh hoa nghệ thuật của dòng nhạc thính phòng cổ điển. Nhất là giữa “cơn bão” của những thứ âm nhạc mang tính giải trí, dễ “thấm” hơn…
- Nghệ sĩ như chúng tôi luôn cố gắng mang đến những chương trình chất lượng. Nhưng để nó đến được với khán giả thì rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý văn hóa, cơ quan thông tấn, báo chí lớn. Ví dụ như việc chương trình Mặt trời của tôi được trao giải Âm nhạc Cống hiến cũng là một việc rất tốt, nghệ sĩ như chúng tôi rất cần điều đó.
Ở đâu cũng vậy, dòng nhạc giải trí bao giờ cũng sẽ phát triển hơn vì dễ tiếp cận và số lượng khán giả lớn. Nhưng khán giả cần được tiếp cận và được giáo dục nhiều hơn về nghệ thuật đích thực, mang tính bền vững.
Thính phòng cổ điển rất kén người nghe và đòi hỏi khán giả phải có nền tảng hiểu biết nhất định. Bởi vậy sẽ rất cần sự chủ động tìm hiểu từ khán giả.
* Nhìn lại 22 năm sự nghiệp của mình, anh sẽ nói gì?
- Tôi vui vì dòng nhạc tôi theo đuổi ngày càng được quan tâm hơn. Và tôi cũng vui vì mình đã góp công giữ gìn dòng nhạc chính thống, cách mạng, tiếp nối con đường các nghệ sĩ đi trước đã xây dựng.
* Vậy anh nghĩ sao khi nhìn vào các ca sĩ trẻ của dòng nhạc chính thống, thế hệ tiếp nối với chính các anh hiện tại?
- Để theo được dòng nhạc này đòi hỏi các bạn phải “cháy” từ bên trong. Tức là phải thật đam mê, thật nghiêm túc. Chứ nửa vời thì sẽ không bao giờ tới đỉnh được.
Âm nhạc thính phòng cổ điển, càng theo, càng học thì sẽ thấy nó càng rộng, càng xa vời. Ngoài việc học hành bài bản, chuyên nghiệp ra thì cần nhất ở các bạn niềm đam mê. Để luôn nghĩ về nó, tìm tòi, khám phá cái chuẩn nhất và khán giả cần nhất. Từ đó mới đến được trái tim khán giả.
*Xin cảm ơn NSƯT Đăng Dương!
Khán giả có thể xem lại miễn phí liveshow “Mặt trời của tôi”
NSƯT Đăng Dương chia sẻ, trong thời gian tới toàn bộ liveshow Mặt trời của tôi sẽ được anh chia sẻ trên mạng dưới định dạng video 4K để chương trình tiếp cận được đến đông đảo khán giả hơn.
|
Đêm nhạc Mặt trời của tôi của NSƯT Đăng Dương đã xứng đáng lọt vào đề cử hạng mục Chương trình của năm giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 13 - 2018.
Hà My