“Mẹ cho em mái ấm tình thương” - lời bài hát trong ca khúc Đời cho em những nốt nhạc vui do chính Tường Vy sáng tác, thật đúng với tình cảm của các em trong ngôi nhà nghệ thuật tình thương.
“Bác sĩ” âm nhạc
Bắt đầu từ những lần đi thăm làng SOS, hát cho các em nghe và được các em đề nghị dạy hát. NSND Tường Vy nghĩ, tại sao không chứ, các em có thể bị khiếm khuyết các bộ phận, bị tổn thương tinh thần nhưng trái tim các em không tật nguyền.
Không nghe rõ, không nhìn thấy, không đi được, bị cha mẹ bỏ rơi…, các em đã phải chịu đựng những nỗi đau, những khó khăn tận cùng như thế thì chẳng có khó khăn nào trong cuộc sống mà các em không vượt qua được. Âm nhạc sẽ là bác sĩ chữa những vết thương này. Đó là lý do thành lập Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam từ hơn 20 năm trước và các em này sống và học tập ngay tại trung tâm.
NSND Tường Vy đang dạy các con luyện giọng bằng cây đàn piano cũ
Tại Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng, luôn có gần 20 em khuyết tật vừa sống vừa học tập. Đây là con của những cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà. Vì ảnh hưởng của chất độc da cam nên các bạn tại trung tâm Đà Nẵng đều bị khuyết tật, người khiếm thính, bạn khiếm thị, người vẹo cột sống hay mất cánh tay…Bạn Nguyễn Thị Kim Quý, bị mất 1 cánh tay, năm nay 25 tuổi, nhưng đã có hơn 10 năm theo mẹ Tường Vy: “Mình quê ở tận Phú Thọ, bố mình từng đi bộ đội ở đây. Hoàn cảnh bản thân như thế này khiến mình rất mặc cảm, nên đi học hay đi làm đều khó khăn. Khi được mẹ Vy đón về, mình được sống chung với những người cùng cảnh ngộ, tìm được tiếng nói chung, và cảm thấy đây như là gia đình thứ 2 của mình”
Lớn tuổi nhất trong trung tâm Đà Nẵng là Vi Văn Nhuận, quê ở tận Bắc Giang, sinh năm 1979, bị khiếm thị. Nhuận kể: “Nhà mình có 5 anh em, mẹ mất rồi. Trước kia thấy mình là gánh nặng của gia đình lắm. Nhưng mẹ Vy bảo, cơ thể tật nguyền là điều không đáng ngại chỉ sợ rằng trái tim mình tật nguyền thôi. Theo mẹ Vy 10 năm, đi biểu diễn nhiều được khán giả đón nhận nên mình thấy cuộc sống có ý nghĩa lắm”.
Những trái tim không tật nguyền
Trung tâm nghệ thuật tình thương Đà Nẵng ở Phường Khuê Mỹ, Quận Ngũ Hành Sơn, rất khó tìm. Khi chúng tôi đến, trời đã nhá nhem tối, người cụt 1 tay dìu người không nhìn thấy, bạn khiếm thị đỡ tay bạn yếu chân, gần 20 người cứ thế dắt díu nhau lên cầu thang, đỡ nhau vào chỗ ngồi để luyện giọng. Trong cái âm phô của cây đàn piano cũ rích- phô đến mức người không biết nhiều về âm nhạc như tôi cũng nhận rõ, nhưng các bạn vẫn say sưa luyện tập.
Cây đàn piano này được một người bạn của NSND Tường Vy tặng từ hơn 20 năm trước, và khi đến với trung tâm Đà Nẵng, nó cũng đã có tuổi đời ngót nghét hai chục năm. Không kể lớp gỗ phía ngoài đã bong tróc nhiều mảng, phần âm của cây đàn mỗi khi vang lên cứ như ông cụ già ho lụ khụ. Bà Tường Vy đã đem nó đi sửa nhiều lần đến mức các ông thợ sửa đàn cũng phải ngán ngẩm vì không thể khắc phục được nữa.
Bà bảo: “Chỉ thương các em, tai đã khó nghe, mắt đã không nhìn thấy miệng cô phát âm mà nghe cái âm không chuẩn này thì tập luyện làm sao. Mà ở Đà Nẵng như thế còn may lắm vì dù sao cũng có cây đàn chứ Trung tâm Quảng Nam thì không có một chiếc đàn piano nào. Các em ở trung tâm chỉ có thể học múa, học organ còn nhiều em có năng khiếu về giọng hát hay piano thì đành chịu”.
“Đồ đồ pha pha la la đố đố, rề rề son son si si rế rế mí….”, cứ hát một đoạn như thế, NSND Tường Vy phải dừng lại: “Miệng phải tròn, mở to ra nào,…”. Nhưng nhiều em bị khiếm thị, không thể nhìn cách phát âm, Tường Vy lại nhẹ nhàng cầm tay em đưa lên miệng mình để em có thể cảm nhận được miệng phải mở tròn như nào. Gần 80 tuổi nhưng bà phải cố gắng nói to lên để cho nhiều em khiếm thính nghe rõ. Cứ thế, cả cô và trò cực kỳ kiên nhẫn, trong suốt hàng chục năm qua. Ấy thế mà, từ cây đàn piano âm phô ấy, Tường Vy đã đưa các em đến hàng trăm cuộc biểu diễn, được khán giả mến mộ.
Chia sẻ với chúng tôi, NSND Tường Vy nói: “Nhờ có các Mạnh Thường Quân mà cả 3 trung tâm mới hoạt động đến giờ. Khó khăn nào, mẹ con tôi cũng cố gắng vượt qua. Nhưng luyện thanh, luyện đàn mà không có đàn piano thì chẳng khác nào đi cày mà không có trâu, vẽ mà không có bút…Mẹ con tôi hiện chỉ cần 2 cây đàn piano cho 2 Trung tâm nghệ thuật tình thương tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Tôi mong muốn độc giả báo Thể thao & Văn hóa cùng chung tay góp phần chăm sóc tinh thần và vật chất cho những trẻ em thiệt thòi, có năng khiếu nhưng không có điều kiện học nhạc”.
Lễ bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 - năm 2014 sẽ diễn ra tại Hà Nội và TP. HCM vào chiều mai (15/4). Đây là lần thứ 2 Lễ bầu chọn được tổ chức với hình thức trực tuyến. Tham gia bầu chọn Giải Cống hiến lần 9 - 2014 là 100 phóng viên âm nhạc/ văn hóa văn nghệ ở HN và TP. HCM.
Theo Thể lệ giải Âm nhạc Cống hiến: “Thành phần tham gia bầu chọn: gồm những phóng viên âm nhạc hoặc văn hóa nghệ thuật đang hoạt động ở các loại hình báo chí (báo giấy, báo điện tử, truyền hình, phát thanh) sẽ tham gia bầu chọn giải Âm nhạc Cống hiến. Thể lệ bầu chọn: Mỗi hạng mục chọn 1 đề cử; chọn đủ các hạng mục trong phiếu bầu chọn; phiếu bầu chọn phải có họ tên, chữ ký của người bầu chọn; phiếu bầu phải được niêm phong khi người tham gia bầu chọn gửi cho Ban tổ chức. Kết quả bầu chọn: Ban tổ chức sẽ kiểm phiếu công khai, có sự chứng kiến của đông đảo phóng viên (hoặc đại diện của tập thể phóng viên) của các báo”.
|
Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa