5 năm sau khi đoạt cú đúp tại giải Cống hiến 2008 cho album Cánh cung 2: Thời gian để yêu, Đỗ Bảo trở lại với album mới Cánh cung 3: Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta. Năm nay anh được đề cử Nhạc sĩ của năm, Album của năm và Chương trình của năm dành cho liveshow Cánh cung.
“Hành trang để yêu” là nhân cách và trí tuệ
* Nhớ hồi Thời gian để yêu, anh từng nói sáng tác bài đó vì không có thời gian cho những người yêu thương. Còn trong album Cánh cung 3, có bài Hành trang để yêu. Từ “thời gian” đến “hành trang”, anh thay đổi như thế nào?
- Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta luôn thiếu thời gian, vậy thì phải sắp xếp hành trang để yêu, nhẹ thôi để tình yêu đi được lâu và xa. Ở Hành trang để yêu, tiêu đề có thể tách khỏi bài hát. Bài hát là tâm sự của một cô gái cảm thấy không thể đến được với người yêu dù họ ở rất gần nhau, dù hành trang của cô chỉ là trái tim, rất nhẹ nhàng. Còn tiêu đề, nó gợi cho người nghe suy nghĩ về hành trang của chính họ.
* Vậy hành trang để yêu của anh gồm những gì?
- Tôi luôn mong đó là nhân cách tốt cùng trí tuệ sáng suốt. Với tôi đó là hành trang tối thiểu để yêu điều đáng yêu và để được yêu.
Cần bất mãn vì giới giải trí “rởm rít nhố nhăng”
* 5 năm sau Cánh cung 2, anh mới ra Cánh cung 3, là dài hay ngắn?
- Dài. Tôi không ra liên tục mỗi năm một album được. Là album tác giả nên cần chọn kĩ phong cách, đầu tư thời gian, tiền bạc và tập trung chuyên môn. Trong 5 năm đó, tôi làm album mất khoảng 1 năm rưỡi, còn lại để lo cho đời sống thường nhật. Cũng mệt mỏi.
* Làm chuyên môn hay kiếm tiền làm album khiến anh mệt hơn?
- Kiếm tiền mệt hơn chứ (cười). Thực ra làm album không tốn quá nhiều tiền, nhưng vấn đề là trong thời gian đó cũng phải sống nữa. Khi tôi tập trung làm album thì không làm được việc gì khác, nên tiền phải kiếm đủ để không phải lo nghĩ.
* Trong 5 năm khoảng lặng đó, nghe nói anh bất mãn vì giới giải trí xô bồ. Giờ trở lại được đón nhận như vậy, anh còn bất mãn không?
- Có chứ, tôi luôn bất mãn bởi tôi là người biết nghĩ, biết buồn và có trách nhiệm. Công việc của một nhạc sĩ cần ở tôi lòng bất mãn đó, dù là về một lời nhạc hay một vấn đề xã hội. Nhưng tôi không bao giờ biểu hiện tiêu cực, không bao giờ nói bậy một câu (chưa và có thể không). Tôi chỉ chán ngán những chuyện rởm rít nhố nhăng của giới giải trí và đời sống bên ngoài. Tôi thấy tiếc.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo
Ai ghét tôi thì là ghét lầm thôi
* Người ta bảo nhạc anh ngày càng triết lý, anh nghĩ sao?
- Tôi nào có phải triết gia, muốn cũng đâu có dễ (cười). Bây giờ ngồi viết nhạc có lúc tôi vẫn khóc như hồi 18 tuổi, hay như thời Cánh cung 1 (2004). Không phải tôi tìm triết lý để bày biện cho sang, tôi chỉ đào sâu bên trong mình khi có một chủ đề sáng tác rồi chọn lọc để ghi lại thành thật, không dối trá.
* Ca từ các bài hát cho thấy anh viết văn hay, anh có đọc nhiều sách không?
- Hồi trước tôi đọc nhiều chứ giờ không có thời gian nữa. Cả năm 2013 tôi đọc được 2 cuốn sách. Bây giờ tôi “đọc” mọi người, “đọc” cuộc sống bằng cách quan sát. Tôi ít khi nghĩ mình thạo chữ nghĩa hơn ai. Vì thế khi viết nhạc, tôi gắng kỹ đến từng nốt từng chữ. Hồi trước tôi ú ớ lắm, còn giờ, điều gì cần khẳng định là khẳng định rõ, điều gì cần khiêm tốn mới khiêm tốn. Tôi chủ trương chữ nghĩa của mình thích hợp và đủ dùng cho nhạc của mình là được.
* Cánh cung 3 ấy, có tờ báo nói đó là đỉnh cao của Đỗ Bảo. Phải cái không có hit lớn nào, anh có tiếc không?
- Dễ hiểu thôi, Hà Trần và tôi đâu phải những người tạo hit theo định nghĩa của thị trường âm nhạc. Khi được đề cử Cống Hiến, tôi bảo thấy “vui và lạ” cũng vì thế. Lạ vì tôi ra album không họp báo mà báo chí vẫn chú ý. Hà thì ở Mỹ không thể nào đi hát thường xuyên để quảng bá được.
Mà tôi nghĩ, chữ “hit” bây giờ biến tướng khó lường, có vẻ dành cho bài hát của ca sĩ thị trường, cho giới trẻ dễ dãi và đông đảo nghe, nên tôi cũng sợ không muốn dây vào chữ “hit” luôn. Tôi chỉ mong có bài hát được khen hay, hoặc thỉnh thoảng đọc được các bài cảm nhận trên mạng xã hội về nhạc của mình.
* Được khen thật còn gì. Công chúng mua đĩa, các ca sĩ yêu mến anh, giải thưởng cũng trân trọng. Nhưng ở đời có quy luật cân bằng, anh thấy mình bị ghét bao giờ chưa?
- Tôi không thấy rõ ràng và cũng không quan tâm chuyện người ta ghét mình, nếu ai ghét tôi thì có thể là do hiểu lầm, ghét lầm thường tình, một lúc nào đó họ sẽ nghĩ lại.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nhạc sĩ Đỗ Bảo được đề cử ở 3 hạng mục: Album của năm, Chương trình của năm và Nhạc sĩ của năm.
Đề cử Nhạc sĩ của năm, ngoại trừ Đỗ Bảo và Quốc Trung, hạng mục này có 2 nhạc sĩ được xem là rất “mới”, chưa từng đứng trong đề cử hạng mục Nhạc sĩ của Cống hiến.
Phạm Hải Âu với thành tích đoạt giải cao nhất của chương trình “thi” sáng tác có tuổi gần 1 thập niên - Bài hát Việt; sáng tác của Phạm Hải Âu là sự dung hòa giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường.
Đỗ Bảo là sự chín muồi của phong cách “Bảo pop”, bài hát của anh giai điệu nhiều tìm tòi sáng tạo nhưng gần gũi với người nghe đặc biệt là giới trẻ; ca từ dung dị nhưng không dung tục hoặc “tự nhiên chủ nghĩa”.
Bảo Lan, xuất thân từ ca sĩ đã vươn mình ngoạn mục đến singer-songwiter với những bài hát rất ấn tượng, đặc biệt đặt dấu ấn đẹp với không gian âm nhạc new age cả ở vai trò phối khí.
Nguyên Lê là một “ngoại lệ” đối với giải Âm nhạc Cống hiến - nghệ sĩ nước ngoài (gốc Việt) đầu tiên và là một tên tuổi lớn của world music thế giới - đã ghi dấu ấn đẹp của mình vào đời sống nhạc Việt qua sự hợp tác với Tùng Dương.
Quốc Trung, chủ nhân của thương hiệu Cầm tay mùa Hè 2013 chất lượng cao với nhạc điện tử và world music, “kiến trúc sư” âm nhạc của chương trình RockStorm tạo nhiều ấn tượng. |
MiLy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa