(Thethaovanhoa.vn) - Phát hành MV Tiến quân ca nhằm đúng ngày 10/10/2021 trên kênh YouTube của mình, Tùng Dương đã góp thêm sắc màu thú vị cho dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô năm nay. Qua MV, khán giả cũng nhìn thấy những cái mới của anh.
Dàn nhạc Giao hưởng London (LSO - London Symphony Orchestra) sẽ tái ngộ với khán giả Thủ đô vào tối 5/10, tại khu vực Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm. Đây là năm thứ ba liên tiếp dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới này trở lại Hà Nội.
Điều mà Tùng Dương đã đạt được ngay khi chưa phát hành MV, đó là hiệu ứng lan tỏa. Rất nhiều người nóng lòng chờ tới giờ G để xem Tùng Dương hát Tiến quân ca như thế nào.
Trong hình dung của tôi
Quả thực phải gọi là khám phá, bởi ta có một Tùng Dương luôn tràn trề chất nghệ sĩ, quá nhiều năng lượng và dường như lúc nào cũng "sung" hết cỡ. Với bất cứ một ca khúc nào, anh cũng thể hiện theo cách riêng mà chính mình cảm nhận được. Cá tính này đã góp phần định hình Tùng Dương trong lòng công chúng - một Tùng Dương dường như bất tận trong cảm xúc âm nhạc. Nó còn định hình trong nếp nghĩ của công chúng, rằng Tùng Dương đã đụng đến bài gì thì chắc chắn không đi theo bất cứ lối mòn nào mà sẽ “nổ tung” theo cách riêng của mình.
Chả vậy mà Ngày chưa giông bão vốn rất bình yên trong lòng công chúng, nhưng cách đây chưa lâu, khi Tùng Dương “đụng tới”, giông bão đã thực sự tới với ca khúc này và với cả Tùng Dương. Dân làm nhạc cũng có những cảm nhận rất khác nhau, phần nhiều tôn trọng cách cảm của Dương nhưng đại bộ phận công chúng thì không thế. Có người nói rằng, bài đang đẹp thế, Tùng Dương phá nát cái sự đẹp ấy ra; có người ngoa miệng còn dành cho Dương những lời lẽ nặng nề hơn.
Bão giông đã nổi lên trên khắp cõi mạng, bủa vây suốt cả hàng tháng trời, nhưng Tùng Dương vẫn thế, tưng tửng đón nhận, vẫn thấy cười thật tươi khi bạn bè nhắc tới chuyện thể hiện bài hát ấy. Thực ra Tùng Dương đã chẳng bị "mất", mà còn" được". Cái "được" lớn nhất là tên tuổi anh “phủ sóng” tới đối tượng khán giả vốn chưa phải là fan của anh. Bài hát và tác giả cũng "được" thêm, vì thêm một lần nữa ca khúc trở thành tâm điểm.
Nhưng thử hình dung, nếu Dương áp dụng đúng lối xử lý ấy sang Tiến quân ca, một ca khúc hết sức quen thuộc và có vị trí đặc biệt với đất nước, dân tộc và mỗi người dân Việt Nam thì tôi thực sự lo ngại cho anh và... không dám hình dung tiếp nữa.
... và trên thực tế
Khác hẳn suy nghĩ còn bỏ dở của tôi, trên thực tế Tùng Dương đã thể hiện Tiến quân ca đúng như một khúc tráng ca về lòng tự hào dân tộc. Thực sự, tôi không ngạc nhiên việc Tùng Dương có thể thể hiện được màu "chính ca" bởi ngay từ những năm còn theo học Nhạc viện Hà Nội, tôi đã từng nhiều lần nghe Dương hát phong cách này. Nhưng việc mang những điều đó, mang cách thức thể hiện hàm chứa cả những yếu tố học thuật vào một sản phẩm âm nhạc dành cho đại chúng, đã tạo một sự rất khác so với những gì công chúng hình dung về Tùng Dương. Và điều này đã làm cho tôi cảm thấy thú vị.
MV Tiến quân ca vẫn là phong cách và màu sắc giọng hát đặc trưng của Tùng Dương, nhưng sự phá cách đã không còn. Ở đây là một Tùng Dương “chính chuyên” hơn rất nhiều, song đương nhiên vẫn là Tùng Dương: “Lửa” vẫn “nóng” trong từng câu hát, dù những câu hát đó đã được nằm trong “khuôn khổ”.
Khuôn khổ mà người viết nhắc tới, đó là những quy chuẩn của phong cách hát thính phòng, được tạo nên bởi sự kết hợp giữa cách điều phối hơi thở, cách phát âm nhả chữ, cách đặt vị trí âm thanh và sắc thái thể hiện nhỏ đến từng đoạn... Qua sự thể hiện của Tùng Dương, những điều này đã hiện ra tương đối rõ nét. Tùng Dương đã đặt vị trí âm thanh ở trong khoang miệng và điều phối nó bằng cột hơi. Chính điều đó đã tạo nên phong cách thính phòng hiện hữu khá rõ nét trong cách hát vẫn đậm dấu ấn nhạc nhẹ của anh.
Nói cách khác, cách Tùng Dương thể hiện trong Tiến quân ca là sự pha trộn giữa nhạc nhẹ với phong cách thính phòng; hoặc cũng có thể gọi là hát thính phòng theo cách của Tùng Dương.
Một hành khúc đỉnh cao
Không nói ai cũng biết Tiến quân ca là bài hát dành cho tập thể, thể hiện tính quần chúng cao. Đồng nghĩa với điều này, Tiến quân ca không dành cho đơn ca, thậm chí không phù hợp với đơn ca.
Đứng ở góc độ một ca khúc dành cho tập thể, Tiến quân ca là 1 trong những đỉnh cao trong sáng tác ca khúc của nền âm nhạc mới Việt Nam. Tiến quân ca viết ở giọng trưởng, với nhịp 4/4, toàn bộ bài có 20 ô nhịp, chia cho 2 đoạn. Đoạn 1 gồm 8 ô nhịp chia đều cho 2 câu. Câu 1 từ mở đầu bằng ca từ “Đoàn quân Việt Nam đi” đến “đường gập gềnh xa”, câu 2 tiếp nối từ “Cờ in máu” đến “quân hành ca”. Bước sang đoạn 2 (điệp khúc) gồm có 12 ô nhịp, chia thành 2 câu. Câu 1 có 4 ô nhịp từ “Đường vinh quang” đến “lập chiến khu”; câu 2 được mở rộng gồm 8 ô nhịp để về kết, bắt đầu bằng ca từ “Vì nhân dân” kết thúc ở ca từ “vững bền”.
Thông thường, với những ca khúc dành cho tập thể, mang tính hào hùng, hiệu triệu, các nhạc sĩ sẽ sáng tác ở nhịp điệu hành khúc. Tiến quân ca cũng vậy. Vì thế khi ca khúc được vang lên, chúng ta dễ dàng liên tưởng tới những tiếng kèn đồng hiệu triệu của nhà binh, cùng những đoàn quân diễu hành đều bước, vững chắc.
Xin nhấn mạnh, nhạc sĩ Văn Cao sáng tác Tiến quân ca năm 1944, có thể coi là những năm đầu hình thành một dòng tân nhạc Việt Nam, cũng là thời kỳ đầu của dòng ca khúc cách mạng. Những ca khúc tân nhạc đầu tiên của Việt Nam được cho rằng đã ra đời vào những năm cuối thập kỷ 1930. Cho nên, thời điểm ra đời Tiến quân ca vẫn là lúc các nhạc sĩ Việt vẫn còn tìm tòi con đường sáng tác và bản ngã riêng cho âm nhạc mới của người Việt.
Ở giai đoạn này, sự ảnh hưởng đậm nét âm nhạc phương Tây, đặc biệt âm nhạc nhà binh, đã hiện hữu trong nhiều tác phẩm. Tiến quân ca cũng là 1 trong số đó. Nhưng có điều khá đặc biệt, dù viết ở nhịp đi/hành khúc, dù viết trên giọng trưởng có tính hiệu triệu, người nghe vẫn cảm nhận được tính trữ tình, sự thiêng liêng trong từng giai điệu lẫn ca từ.
MV "Tiến quân ca":
Gắn kết hài hòa giữa tinh thần tập thể với yếu tố cá nhân
Đây mới là điều hết sức quan trọng khi muốn thể hiện Tiến quân ca ở hình thức solo. Và vì thế, sự thú vị của sản phẩm Tiến quân ca còn phải được nhắc tới đó chính là bản phối khí khá thú vị. Nhạc sĩ phối khí đã khai thác tính năng của dàn nhạc giao hưởng kết hợp với nhạc cụ điện tử và triển khai theo tư duy của thế hệ trẻ. Sự hài hòa giữa nghệ thuật mang yếu tố hàn lâm với âm nhạc đại chúng đã tạo nên sự hài hòa cho bản phối. Ở đó, dàn kèn đồng vẫn là một chất liệu chính, song song với đó, dàn dây cũng được khai thác rất rõ nét. Có lẽ điều này tạo tính trữ tình nhưng vẫn giữ được sự hào hùng của tác phẩm, góp phần tôn giọng hát của Tùng Dương lên.
Sự xuất hiện của dàn hợp xướng cũng góp thêm một màu sắc âm nhạc. Việc khai thác dàn hợp xướng nhưng không lạm dụng âm hưởng hoành tráng, tiết chế âm lượng ở mức độ vừa phải chính là sự gắn kết hài hòa giữa tinh thần tập thể với yếu tố cá nhân nổi bật ở trong đó. Tất cả những điều trên chỉ cho ta thấy rằng, bản phối đã tăng cường cái tôi vào đó để phù hợp hơn với hình thức hát đơn ca.
Bên cạnh âm nhạc của bản phối và cách thể hiện của ca sĩ, phần hình ảnh của MV cũng được thực hiện một cách bao quát. Như nhiều MV được thực hiện trong giai đoạn cả nước còn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tiến quân ca được ghi hình trong trường quay và lồng hình ảnh minh họa. Hình ảnh Tùng Dương trang trọng trong bộ veston, áo sơ mi trắng thắt cà vạt hay áo cờ đỏ sao vàng góp phần tạo thêm sự trân trọng với tác phẩm. Hình ảnh minh họa với những địa điểm thiêng liêng của Tổ quốc, những thời khắc lịch sử - thời khắc mà cả đất nước cùng hướng về - cũng góp phần tạo nên sự kết dính giữa hình ảnh và lời ca.
Sự dũng cảm và sản phẩm đáng để nghe
Tưởng quen, tưởng giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc là một thuận lợi để khi chọn Tiến quân ca, Tùng Dương sẽ dễ chinh phục khán giả. Nhưng thực tế có lẽ hoàn toàn ngược lại. Chính những cái quen, ai cũng thuộc ấy lại là trở ngại lớn cho người nghệ sĩ. Hơn nữa, với một ca khúc có vị trí đặc biệt quan trọng -Quốc ca của đất nước - việc thể hiện nó như thế nào để không mất đi khí chất của tác phẩm, lại vừa thể hiện được cái tôi của nghệ sĩ và “lọt” tai người nghe cũng là một điều mà có lẽ Tùng Dương phải tính toán rất kỹ cùng các cộng sự trước khi quyết định làm, cũng như trong suốt quá trình làm sản phẩm.
Chính vì vậy, với việc chọn ca khúc này làm một sản phẩm phát hành ra đại chúng, tôi cho đây là một việc làm dũng cảm của Tùng Dương và ê-kíp. Và tôi cho rằng đây là một đóng góp của Tùng Dương và ê-kíp; trong khi nếu đứng ở góc độ thưởng thức, đây là một sản phẩm đáng để nghe.
Cách Tùng Dương thể hiện trong Tiến quân ca là sự pha trộn giữa nhạc nhẹ với phong cách thính phòng; hoặc cũng có thể gọi là hát thính phòng theo cách của Tùng Dương.
Ê-kíp thực hiện MV “tiến quân ca”
Sáng tác: Văn Cao
Thể hiện: Tùng Dương
Giám đốc sản xuất: Tùng Dương
Giám đốc âm nhạc: Nguyễn Hữu Vượng
Hợp xướng: Nhóm bè VK
Kỹ sư âm thanh: Magic T
Thu thanh: Xèng & Magic T
Make Up: Huy Bùi
Quay phim & Dàn dựng: Hòa Nguyễn - Đức Mạnh
Điểm 8,5/10
|
Nguyễn Quang Long