(Thethaovanhoa.vn) - Không phải câu chuyện của riêng ai, càng lớn càng cô đơn là tâm trạng chung của nhiều người trẻ khi bước vào cuộc sống. Có lẽ vì vậy mà MV Càng lớn càng cô đơn của JayKii được khán giả đón nhận dù không tạo thành “cơn lốc” ngay sau khi ra mắt.
MV "Càng lớn càng cô đơn" của JayKii vừa ra mắt sau hơn hai năm "mất tích" khỏi V-Pop đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo khán giả.
Sau gần 1 tháng chính thức ra mắt (tính từ 23/5 - 21/6), MV Càng lớn càng cô đơn đạt hơn 3,23 triệu lượt nghe trên trang YouTube cá nhân của JayKii; ca khúc này cũng góp mặt trong cả 2 bảng xếp hạng nhạc Việt đình đám nhất hiện nay trong liên tiếp nhiều tuần. Tuần thứ 22 (từ 31/5 - 6/6) ca khúc đứng ở vị trí thứ 6 BXH nhac.vn và thứ 7 BXH #zingchart. Sang tuần thứ 23 (từ 7-13/6) ca khúc cùng đứng ở vị trí thứ 9 trong top 10 của cả hai BXH này. Trong khi tuần thứ 24 vừa qua (từ 14 - 20/6), Càng lớn càng cô đơn chỉ còn xuất hiện trong top 10 của bảng xếp hạng nhac.vn, ở vị trí thứ 8.
Trữ tình
Càng lớn càng cô đơn là sáng tác của Hùng Quân, được JayKii thể hiện trong MV ghi dấu ấn sự trở lại đời sống âm nhạc đại chúng sau 2 năm gần như vắng bóng. Từng là chủ nhân các bản hit Chiều hôm ấy, Sao em nỡ, Đừng như thói quen... nên việc JayKii tiếp tục thể hiện sở trường ballad với Càng lớn càng cô đơn, dù là một bản ballad rất tâm trạng đi chăng nữa, cũng không gây bất ngờ cho khán giả.
Càng lớn càng cô đơn có giai điệu khá dễ nghe, được sáng tác trên màu của giọng trưởng mang tính chất trữ tình nội tâm. Ca khúc với bố cục gọn gàng gồm 2 đoạn, đoạn đầu và điệp khúc. Các câu nhạc không rườm rà, phức tạp. Ngôn từ được sử dụng không khó hiểu nhưng cũng không dễ dãi, có thông điệp rõ ràng.
Ca khúc có phần hòa âm đơn giản với hướng đi hòa âm thuận chiều, tạo cảm giác bình ổn. Như 2 câu của đoạn 1 đều có vòng hòa âm gồm: C - F - Dm - G - C - Am - Em - F - Dm - G, trong khi đoạn điệp khúc là: F - C - Dm - G - C (câu 1) và F - Em - A7- Dm - G - Em - C (câu 2).
Về giọng hát, không thể đem những chuẩn mực về giọng hát kiểu thanh nhạc cổ điển để áp dụng vào đại bộ phận ca sĩ Việt Nam, nhất là các giọng ca V-pop hiện nay. Bởi, có thể thấy họ dường như không theo chuẩn mực nào cả về loại giọng cũng như các kỹ thuật cơ bản như phát âm, khoảng vang, đóng tiếng, vị trí âm thanh, cột hơi... mà chỉ có thể cảm nhận và gọi tên một loại giọng tương ứng.
Với những gì JayKii thể hiện trong Càng lớn càng cô đơn cũng thế, có thể cảm nhận đây là một giọng nam trung có cảm xúc.
Về phần hình ảnh, MV là những mảnh ghép dường như không liên quan đến nhau. Nó được tạo nên bởi những người trẻ với những công việc riêng của mình, không ai giống ai, mỗi người ở những thành phố khác nhau thuộc những châu lục khác nhau, với những bối cảnh rất khác nhau... Thậm chí, nó có thể dẫn người xem đến cảm giác rời rạc về bố cục hình ảnh. Phần hình ảnh quay cũng khá đơn giản, khá tự nhiên giống kiểu vui vui tự quay... nhưng thật ra, có một chất liệu gắn kết những hình ảnh rời rạc đó với nhau, tạo cho MV một mối liên kết xuyên suốt: Sự cô đơn của những người trẻ.
Dẫu chưa thực sự tạo sức thuyết phục người viết trong tư cách một khán giả, phép ẩn dụ sự cô đơn trong phần hình ảnh của MV cũng là một ngôn ngữ hình ảnh, đủ để thay lời nói, và ngôn ngữ này đã truyền được đến người xem. Yếu tố quan trọng nhất từ phần hình ảnh là tạo sự gắn kết với âm nhạc và nội dung của lời ca.
Tâm trạng
Càng lớn càng cô đơn mang tâm trạng suy tư. Mở đầu ca khúc, tác giả như đưa ra một nhận định: “Khi người ta càng lớn, lại càng cảm thấy cô đơn” rồi tự trải lòng: “Có những buồn vui, những đêm dài chẳng ai biết tới”.
Mô-típ triển khai nội dung với đặc điểm này tiếp tục được lặp lại một lần nữa ở nội dung ca từ tiếp theo: “Khi người ta càng lớn lại càng thấy không ai hiểu được mình” và “Cô đơn chọn ta mà đến, hay ta chọn cô đơn?”. Mạch suy tư được thể hiện rõ ràng hơn, cụ thể hơn, đi thẳng vào “nguyên nhân” tạo nên sự cô đơn: Tình yêu. Ở đó, trong suy nghĩ của người đang giãi bày, tình yêu cho bao nhiêu hình như cũng không đủ. Yêu bao nhiêu thì cái họ nhận được về dường như chưa thỏa được lòng mình: “Dẫu đã biết tình yêu là phải biết nghĩ cho nhau/ Nhưng sao đã bao lần yêu, lần nào cũng đau/ Mình yêu như thế, mà nơi người ta thấu được bao nhiêu? Khi trái tim này, tổn thương hằn lên quá nhiều”.
Nhưng tới phần điệp khúc, mọi thứ mới trở nên rõ ràng hơn: “Lắng nghe những lời nói dối/ Ấp ôm nỗi buồn mỗi tối/ Hứa nhau bao điều để rồi lại quên thì rời xa nhau là chuyện sớm thôi”. Thêm nữa, “Có không em, hạnh phúc ấy?/ Cớ sao anh nào có thấy được đâu/ Nếu như tình yêu là điều mãi mãi/ Thì ta sẽ bên nhau bao lâu em ơi?”.
Hóa ra không hẳn cô đơn bởi vì họ vẫn đang bên nhau, thậm chí bên nhau hằng ngày. Sự cô đơn này được người trong cuộc tự tạo ra trong chính tình yêu mình đang có. Đây có thể coi là hiện tượng phức tạp hóa một vấn đề không quá phức tạp: Đang bên nhau thật đấy, đang yêu nhau thật đấy, thậm chí đang rất yêu nhau, nhưng đã sợ tình yêu ấy, hạnh phúc ấy sẽ có thể vuột khỏi tầm tay bất cứ lúc nào và viển vông nghĩ những điều xa xôi. Xa xôi trong thực tế ở thời điểm đó, nhưng nó lại đang hiện hữu, đã tồn tại trong chính con người mình. Chính những điều đó thể hiện sự chơi vơi trong suy tư, trong cuộc sống, trong mọi mối quan hệ... Nói cách khác, có một nỗi sợ mơ hồ đang tồn tại ở đây, trong ca khúc và trong cả chính tâm hồn tác giả cũng như người thể hiện.
Và cũng chính từ những cảm xúc đó, khi còn đang ẩn chứa sự bức bối thì nó đã có mầm mống nhu cầu cần thoát ra. Đương nhiên, ai rồi cũng sẽ phải thoát ra, nhưng bằng cách nào thì mỗi người sẽ có mỗi con đường khác nhau. Và con đường ấy sẽ tương ứng với cuộc đời sướng khổ của chính con người đó trong tương lai. Có nghĩa là, đây là một hành trình không thể không trải qua trong đời của mỗi chúng ta. Và như thế, nó là thế giới quan cảm nhận của người trẻ về cuộc sống trong một giai đoạn chứ không đơn thuần là tình yêu. Cũng vì vậy mà Càng lớn càng cô đơn tạo được đồng cảm của nhiều người trẻ.
Đáng để gửi niềm tin
Một nỗi buồn bảng lảng, một suy nghĩ, tâm trạng của người trẻ về tình yêu và cuộc sống đúng với lứa tuổi của mình là tinh thần có được khi cảm nhận về MV Càng lớn càng cô đơn. Một ca khúc có ca từ với những câu chữ ổn, có cấu tứ, có nội dung; cách kể câu chuyện về sự cô đơn cũng khá thú vị; một bản hòa âm nhẹ nhàng, man mác buồn; một dòng nhạc đúng sở trường; một chất giọng trữ tình có cảm xúc âm nhạc. Tất cả những điều đó được hòa quyện trong Càng lớn càng cô đơn. Điều đó đã giúp JayKii khẳng định con đường mình đang đi là đúng. Tư duy và thẩm mỹ âm nhạc của JayKii cũng khá ổn.
Đời sống nhạc Việt đại chúng ngày nay cũng đang cần những nghệ sĩ trẻ như JayKii và những ca khúc như Càng lớn càng cô đơn. Bởi, người viết tin rằng với thật nhiều những nghệ sĩ và tác phẩm như thế này, nhạc Việt đại chúng của chúng ta sẽ sạch hơn, có chất lượng hơn.
Tuy nhiên, với bản thân JayKii, những gì đã thể hiện trong MV Càng lớn càng cô đơn có lẽ vẫn chưa đủ - nhất là khi nam ca sĩ trẻ chọn lần ra mắt MV mới này là sự kiện quan trọng của bản thân đánh dấu sự trở lại sau chừng 2 năm vắng bóng.
JayKii cần một bùng nổ mạnh hơn nữa để thực sự bước qua giai đoạn mới. Tất nhiên, sự bùng nổ này không có nghĩa nam ca sĩ trẻ nhất thiết phải chọn những mới mẻ trong âm nhạc, khám phá hay thử sức ở những dòng nhạc khác. Hãy vẫn cứ là ballad sở trường, hãy vẫn cứ là những ca khúc có ca từ và hàm chứa nội dung có ý nghĩa. Nhưng cần một sự khác biệt so với những gì bản thân JayKii đã tạo dựng được.
MV "Càng lớn càng cô đơn" của JayKii Official:
"Càng lớn càng cô đơn" và "Khi người lớn cô đơn"
Có thể nói, Càng lớn càng cô đơn có ca từ hàm chứa những thông điệp có giá trị. Tuy nhiên, thông điệp càng lớn càng cô đơn cũng không lạ trong đời sống âm nhạc đại chúng, nếu không nói rằng nó đã trở nên quen thuộc.
Trước đó đã từng có những ca khúc khai thác khía cạnh này rất thành công như Càng trưởng thành càng cô đơn của Hồ Ngọc Hà - sáng tác Nguyễn Hồng Thuận, hay Khi người lớn cô đơn của Phạm Hồng Phước.
Trong đó, Khi người lớn cô đơn có sự tương đồng hơn với Càng lớn càng cô đơn. Cả 2 đều là góc nhìn, sự suy nghĩ của một người, nó đều thể hiện thế giới quan của người trẻ đang trong giai đoạn trưởng thành và cảm giác cô đơn dù đang sống trong lòng thành phố đông người.
Khác là, Khi người lớn cô đơn là tâm trạng của chỉ có một người và không phải đang trong một cuộc tình; thì Càng lớn càng cô đơn cũng là tâm trạng của một người nhưng trong đó có 2 người đang trong một cuộc tình.
Khác nữa là, cùng trong bản năng muốn trỗi dậy, bứt phá của người đang trưởng thành nhưng chúng cho ra 2 hệ quả khác nhau: Khi người lớn cô đơn cho người nghe một sự lạc quan, yêu đời, yêu thành phố hiện hữu trong ca khúc hơn, trong khi Càng lớn càng cô đơn không có không gian rộng như vậy mà kép kín hơn, nằm trong thế giới nội tâm của người đang trưởng thành.
|
Điểm: 7,2/10
|
Nguyễn Quang Long