(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2012 với Dương Tường thật đáng nhớ với bản dịch tiểu thuyết Lolita “nổi đình đám” như ông nói đùa, gây tranh cãi về chất lượng dịch thuật nhưng được Hội Nhà văn Hà Nội tôn vinh bằng giải thưởng văn học cuối năm. Nhưng với dịch giả, nhà thơ 81 tuổi này, cuốn sách quan trọng nhất trong đời ông đang ở phía trước.
Thethaovanhoa.vn trò chuyện với ông ngày đầu Xuân:
Đừng làm độc giả lười đi!
* Cảm giác lúc dịch một tác phẩm hay, đối với ông?
- Rất thích, tác phẩm càng thách thức thì khi vượt qua, tôi càng thích thú. Lolita là một tác phẩm khó kiểu như thế.
* Đó có phải cuốn sách khó nhất ông từng dịch?
- Một trong số những cuốn khó nhất thôi. Trước đây có Những con đường xứ Flandres của Claude Simon, nhà văn được giải Nobel năm 1985, hay Cội rễ của Alex Haley. Những con đường xứ Flandres có những câu dài hàng trang. Cội rễ là văn của người thiểu số, người Mỹ da đen, vẫn tiếng Mỹ nhưng là khẩu ngữ đời thường. Chết chịu (chưa xuất bản) của Céline cũng là một cuốn cực khó.
* Cái trống thiếc của Gunter Grass thì sao?
Cũng khó, nhưng không bằng Lolita.
* Bộ tiểu thuyết ông đang dịch - Tìm lại thời gian đã mất - so với những tác phẩm vừa kể thì sao?
- Khó không kém nhưng theo cách khác. Marcel Proust rất hay dùng những câu phức tạp về văn phạm, nhiều mệnh đề. Có khi chủ ngữ ở đầu câu mà đến mấy dòng sau mới thấy động từ. Rất khó chuyển ngữ sang tiếng Việt. Người Việt mình quen đọc câu đơn giản.
* Ông có định đơn giản hóa để người đọc dễ hiểu?
- Không. Phải tôn trọng nguyên tác của tác giả và sự khác nhau giữa hai ngôn ngữ chứ. Có những dịch giả chọn cắt câu gốc của tác giả ra thành nhiều câu tiếng Việt, làm thế thì dễ hơn cho người dịch và người đọc, nhưng làm mất đi đặc thù và mất hết giá trị của tác phẩm. Tác phẩm khó thì độc giả phải đọc cái khó của nó, phải vận dụng trí lực của mình để hiểu tác phẩm. Đừng làm độc giả lười đi, và nếu lười thì họ cũng không tiếp thu được những gì đặc biệt.
* Hồi trước ông nhận hiệu đính cho bản dịch Mật mã Da Vinci, đó có phải một công việc khó khăn?
- Khó khăn và khó chịu ấy chứ (cười). Một cái nhà dỡ ra xây lại thì còn khó hơn là xây nguyên. Một cái áo tháo ra may lại thì khó hơn may thẳng, phải không?
Dịch giả Dương Tường sinh năm 1932 tại Nam Định. Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ Văn xã (văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam. Khoảng 50 năm dịch văn học, ông có hơn 50 đầu sách dịch, trong đó có những tác phẩm lớn của thế giới như Anna Karenina, Cái trống thiếc, Cuốn theo chiều gió, Con đường xứ Flandres, Bức thư của người đàn bà không quen, Đồi gió hú, Người dưng, Lolita… |
* Đến lúc bản dịch Lolita của ông trở thành đối tượng gây tranh cãi về dịch thuật, ông cảm thấy thế nào? - Tôi tra cứu lại ngay, từ nhiều nguồn. Tác giả Vladimir Nabokov là người rất uyên bác, đọc rất nhiều, biết nhiều kiến thức Đông Tây kim cổ và chơi chữ rất ghê, hiểu hết được ông ấy cũng không dễ. Nhà văn Phạm Thị Hoài từ nước ngoài gọi điện về nói với tôi: “Dịch Lolita mà không sai mới lạ”.
* Lúc hiệu đính Lolita, ông phải sửa bao nhiêu lỗi?
- Vài chục lỗi. Trong đó phần lớn là lỗi do tôi tự nhận ra. Thực ra ý kiến góp ý đầu tiên là trật (cười), chi tiết “trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” (“on the dotted line”) ấy. Chỗ đó tôi vẫn để nguyên đấy chứ.
Tôi có đối chiếu và có thể nói thẳng là, bản dịch của tôi công phu hơn nhiều so với hai bản dịch tiếng Pháp của cuốn sách. Trong hai bản dịch đó thì bản cũ không có chú thích còn bản mới có khoảng dăm chục chú thích, còn bản tiếng Việt có gần 500 chú thích. Thời gian và công sức bỏ ra làm chú thích có thể nó là gần như bằng dịch văn bản chính.
* Sau khi sự việc lắng xuống, nhìn lại, ông thấy sao?
- Thực ra, Lolita là bị kéo vào sau khi người ta vừa đả kích cuốn Bản đồ và vùng đất do Cao Việt Dũng dịch. Cùng một luồng phê phán.
Nhìn lại tôi thấy những góp ý bao giờ cũng tốt. Ngay từ đầu tôi đã nói vậy và sau cùng, tôi vẫn thấy vậy. Chính từ những góp ý mà mình phải xem lại và mới nhận ra những lỗi sai khác.
* Thế nếu tác phẩm không gây tranh cãi như vậy thì ông có đọc lại và soát lỗi những tác phẩm mình đã dịch không?
- Có chứ. Với Anna Karenina trước đây chẳng hạn. Mỗi lần tái bản tôi đều xem lại. Mỗi lần xem lại, lại thấy những chỗ cần sửa.
Vẫn mơ dịch James Joyce
* Tại sao ông chọn dịch văn học?
- Vì thích, vì muốn làm. Có những cuốn sách mà trong lúc dịch, tôi vẫn còn chưa chắc là có xuất bản được không. Lolita chẳng hạn. Trước đó, tôi đã dịch cuốn Chết chịu của Céline nhưng cũng không ra được.
* Cái trống thiếc cách đây hơn 10 năm thì sao? Cũng là một tác phẩm ghê gớm đấy chứ.
- Cái trống thiếc thì khác, được Đại sứ quán Đức tại Hà Nội rất quan tâm và còn tài trợ tiền bản quyền cho nhà xuất bản nữa. Thực ra, ban đầu họ cũng ngại không biết tôi có thể chuyển tải được tác phẩm này hay không. Khi bản dịch hoàn thành, họ rất hài lòng. Đó là khoảng năm 2002, vài tháng sau khi sách ra thì Thủ tướng Đức sang Việt Nam, đại sứ quán có mời tôi lên tặng bản dịch tác phẩm này cho ông ấy.
* Trở lại với hiện tại, bộ Tìm lại thời gian đã mất ông dịch đến đâu rồi?
- Tôi dịch tập 1 còn 40 trang nữa là xong (Dương Tường dịch bộ tiểu thuyết đồ sộ này cùng với nhóm học giả gồm Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh - TT&VH Cuối tuần).
* Còn tác phẩm kinh điển nào của nhân loại mà ông tiếc là mình chưa dịch?
- Có Ulysses của James Joyce (tiểu thuyết tiếng Anh đặc sắc nhất thế kỷ 20 của một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 - TT&VH Cuối tuần). Nếu so với những tác phẩm tôi đã dịch thì khó hơn hẳn. Joyce là người đầu tiên viết những câu không chấm phẩy dài cả chục trang. Ông cũng “thông kim bác cổ” thành ra có đủ thứ trong cuốn sách của ông.
* Nhà văn Đặng Thân từng nói dịch Ulysses cần đến “dăm năm” và không làm gì khác ngoài việc tập trung dịch. Để tác phẩm này có bản tiếng Việt nghe có vẻ không tưởng.
- Nếu còn khỏe và đang ở thời “cường tráng”, khoảng 40, 50 tuổi thì tôi nghĩ mình dịch Ulysses mất 3 năm.
Vẫn chưa viết tác phẩm quan trọng nhất đời
* Cuối năm ngoái, nhà văn V.S.Naipaul (Nobel Văn học 2001) có nói trong một bài phỏng vấn rằng, đến tuổi 80 thì người ta chẳng còn gì nhiều để nói với cuộc đời (Naipaul 81 tuổi). Ông thì vẫn còn bao nhiêu kế hoạch ra sách, hình như không giống ông ấy?
- Cứ biết hiện tại đã. Làm được đến đâu thì làm.
* Ông còn điều gì muốn nói mà bây giờ chưa nói được?
- Tôi có ý định viết một tác phẩm cuối đời, trả nốt món nợ, kể lại những hồi ức về những biến cố không thể nào lặp lại được trong đời tôi và những người cùng thế hệ với tôi, mà thế hệ hiện nay không thể nào hiểu nổi.
* Tương tự như Gabriel Garcia Marquez với cuốn Sống để kể lại chăng?
- Đúng vậy.
* Những người hiểu được, họ đang ở đâu?
- Khá nhiều người “đi” rồi.
* Sao ông không viết dần từ bây giờ?
- Tôi muốn hoàn thành mọi công việc đang dở dang rồi mới bắt tay vào viết tác phẩm này.
Bài: Mi Ly; Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần