Bản dịch ra mắt năm 2002, do Dương Tường dịch từ bản tiếng Anh của Ralph Manheim, tham khảo bản tiếng Pháp của Jean Amssler. Ông vẫn giữ bút tích của Gunter Grass khi viết lời tựa cho bản dịch và nhiều cuốn sách do chính tác giả này tặng. Trong sự nghiệp dịch thuật của Dương Tường, Cái trống thiếc là dịch phẩm quan trọng.
Thể thao & Văn hóa trò chuyện với dịch giả Dương Tường sau khi nghe tin tác gia Gunter Grass qua đời hôm 13/4.
Bản quyền tác phẩm đoạt giải Nobel là... miễn phí
* Xin hỏi cảm giác của ông khi nghe tin Gunter Grass qua đời?
- Tôi nhớ lại nhiều chuyện lắm. Tôi muốn viết lại những suy nghĩ đó nhưng đang ốm nên chưa làm được. Tôi vẫn giữ những bức thư của Grass gửi cho mình khi ông trực tiếp viết lời tựa cho bản dịch tiếng Việt của tôi. Grass viết ngắn thôi, ông nói vui mừng khi tác phẩm của mình được dịch ở Việt Nam. Ông mong tôi sẽ dịch các tác phẩm khác của ông như Mèo và chuột, Những năm chó và Đi như cua.
Nhà văn quá cố Gunter Grass
Để ra được bản dịch tiếng Việt của cuốn sách vào năm 2002 cũng là một câu chuyện dài. Đại sứ quán Đức tại Việt Nam đã giúp giao dịch bản quyền và đại diện của tác giả chấp nhận một khoản tiền bản quyền tượng trưng (trong khi tiền bản quyền cho tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel thường rất đắt đỏ - PV). Cũng chính Đại sứ quán Đức đã trao cho tôi khoản tiền đó để tôi đưa cho nhà xuất bản ở Việt Nam thanh toán.
Đại sứ quán Đức rất vui mừng vì cuối cùng Gunter Grass đã được đến với độc giả Việt Nam. Một quỹ văn hóa ở Đức đã tài trợ cho bản dịch. Khoản tiền tài trợ được Viện Goethe ở Hà Nội trao cho tôi trong một cuộc hội thảo nhân dịp bản dịch ra mắt tại Việt Nam. Tôi cũng thông qua Viện Goethe gửi tặng bản dịch cho Grass.
Khoảng năm 2002-2003, Thủ tướng Đức khi đó là ông Gerhard Schroeder sang thămViệt Nam, tôi cùng được mời tới tặng cho ông bản dịch này.
* Ông ấn tượng nhất điều gì ở Grass?
- Năm 2006, tôi sang Pháp thăm một người bạn. Đúng dịp đó, Gunter Grass ra cuốn hồi ký nhan đề Bóc hành, trong đó ông thú nhận từng là thành viên của Waffen-SS (Lực lượng vũ trang SS) thuộc Đức quốc xã. Thông tin đó đã gây chấn động thế giới. Bởi Grass, một nhà văn vẫn được coi là mẫu mực về tư cách đạo đức, đã dám công khai một sự thật khủng khiếp về cuộc đời mình. Đó là hành động không dễ gì làm được.
Khi đó, đài RFI của Pháp có ý định phỏng vấn tôi về việc này nhưng tôi đã rời khỏi Paris nên họ không liên lạc được. Suy nghĩ của tôi là hoàn toàn cảm phục Grass vì lòng can đảm dám đối diện với sự thật. Ông luôn là nhà văn tôi vô cùng kính trọng.
Dịch giả Dương Tường và Volker Schlondorff, đạo diễn phim Cái trống thiếc trong một lần gặp ở Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp Nhà văn không bao giờ bàng quan với thời cuộc
* Còn những kỷ niệm nhỏ giữa ông và Grass, như việc tặng sách hay tranh?
- Sinh thời, Grass gửi tặng tôi nhiều cuốn sách. Ông vẽ rất đẹp và thỉnh thoảng vẽ bìa sách cho tác phẩm của mình. Bìa của bản dịch tiếng Việt Cái trống thiếc cũng là môt bức tranh của ông do tôi chọn từ một cuốn catalogue ông gửi tặng.
Về con người Grass, tôi cảm nhận rằng ông là một nhà văn không bao giờ bàng quan với thời cuộc. Trước các cuộc chiến tranh, bao giờ ông cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình.
Cái trống thiếc luôn là một tác phẩm vĩ đại, đổi mới quan điểm về tiểu thuyết. Tôi đọc tiểu thuyết này từ cuối những năm 80, khoảng hơn 10 năm trước khi bản dịch ra đời. Tôi đọc trước tiên bằng tiếng Pháp, sau đó bằng tiếng Anh. Nhưng khi dịch, tôi lại dịch từ bản dịch tiếng Anh, tham khảo bản tiếng Pháp.
Cái trống thiếc cũng được chuyển thể thành bộ phim cùng tên rất nổi tiếng. Tôi đã xem và rất thích, hiện vẫn lưu giữ 2 đĩa phim ở nhà. Tôi đã gặp đạo diễn của phim là ông Volker Schlondorff trong một lần chiếu phim ở Viện Goethe Hà Nội.
Lời tựa Gunter Grass viết cho bản dịch Cái trống thiếc của Dương Tường năm 2002: Tôi rất mừng khi nghe tin Cái trống thiếc, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi mà nhiều nơi ngoài nước Đức đã biết đến, nằm trong kế hoạch dịch và xuất bản tại Việt Nam, và không những thế dự định ấy hiện đã sắp hoàn thành. Tôi tò mò muốn biết sách của mình được đồng bào nước ông đón nhận ra sao. Đến nay, sau ba thế hệ nó vẫn đến được với những độc giả tại các nước láng giềng châu Âu, không chỉ giới hạn trong khu vực Đức ngữ, và cách đọc mọi nơi giống nhau hay khác nhau ra sao cũng làm tác giả, là tôi, hết sức thích thú. Khi nào có dịp, mong ông viết thư cho tôi biết công sức của cả hai chúng ta có hồi âm gì không. Chắc ông đã đọc Mèo và chuột, Những năm chó và mới đây là Đi như cua nội dung đều gần Cái trống thiếc – Bao giờ có thêm một bản dịch nữa cho tôi được chúc ông vạn sử may mắn nhỉ? |
Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa