Lật giở những “trang sử” Cống hiến

Thứ Ba, 5/4/2011, 8:44 (GMT+7)

(TT&VH) - Nếu không tính giải thưởng tiền Cống hiến được trao năm 2004, đến năm nay (lễ trao giải sẽ diễn ra vào 5/4/2011), Cống hiến đã bước sang mùa Xuân thứ 6.  Xin điểm lại 5 mùa Xuân đã qua của Giải Âm nhạc Cống hiến.

>> Chuyên đề: Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến 2010

Như bất cứ một cuộc mara thon nào, đường càng đi càng xa, càng khó khăn, cuộc đua càng khắc nghiệt, kết quả càng khó dự đoán. Tuy nhiên, nhìn vào “lịch sử” những mùa Xuân đã qua của giải thưởng Cống hiến, có thể thấy một “sợi chỉ đỏ” gần như xuyên suốt, đó là cái MỚI.

Có lẽ vì những lá phiếu bầu chọn giải thưởng này hoàn toàn thuộc về các nhà báo, những người bám sát các sự kiện, hoạt động âm nhạc trên cả nước trong suốt một năm với nhạy cảm dự báo.

Tại giải tiền Cống hiến (trao năm 2004), sự xuất hiện lần đầu tiên của Sao mai - Điểm hẹn 2004, một cuộc thi hát được xây dựng và tổ chức theo một tư duy mới, một “format” mới hấp dẫn, cuốn hút, mở ra một xu hướng tương tự sau này, không chỉ đem về cho chính nó giải thưởng Chương trình của năm, mà còn đem theo về hai giải thưởng “ăn theo”: Lê Minh Sơn - Nhạc sĩ của năm và Tùng Dương - Ca sĩ của năm (hai cái tên “bá chủ” Sao mai - Điểm hẹn 2004). Cần nhớ rằng lúc ấy Tùng Dương là một cái tên “mới toanh” trong làng nhạc và cạnh tranh giải thưởng này năm ấy với Tùng Dương là ngôi sao sáng hơn anh nhiều: Kasim Hoàng Vũ. Tùng Dương cũng đã “qua mặt” cả đàn chị Thanh Lam khi diva này mở đầu cho giải thưởng Cống hiến, nhưng không phải ở giải Ca sĩ của năm mà chỉ là Album của năm (album Ru mãi ngàn năm). Người viết còn nhớ, cuộc chạy đua trong hạng mục Ca sĩ của năm đó gay cấn tới phút chót khi Tùng Dương chỉ “thắng” Kasim nhờ cao hơn 1 lá phiếu! Nhưng rồi thời gian đã cho thấy, từ chỗ là một “phát hiện”, nhưng là một “phát hiện quan trọng”, Tùng Dương đã từng bước tỏa sáng, khẳng định đẳng cấp của một trong những giọng ca nam có “chất” hàng đầu của nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay. Nhưng Tùng Dương không hề được ưu ái. Sau sự xuất hiện “vụt sáng” của năm 2004, anh chỉ nhận được giải album (cùng nhạc sĩ Đỗ Bảo) vào năm 2007 (Những ô màu khối lập phương - Album của năm).

Đỗ Bảo giành cú đúp Cống hiến 2008

Năm 2005, chủ nhân ở 4 hạng mục giải thưởng lại gần như buộc các đối thủ phải “tâm phục khẩu phục”. Album Chat với Mozart của ê-kíp Mỹ Linh - Dương Thụ, Anh Quân, Huy Tuấn với cuộc đột phá gây nhiều tranh luận vào thế giới nhạc cổ điển, đã thắng tuyệt đối ở hạng mục Album của năm. Chương trình tác giả - tác phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao” Con đường âm nhạc (năm thứ nhất) thắng tuyệt đối ở hạng mục Chương trình của năm. Đức Trí khởi đầu cho xu hướng nhạc sĩ sáng tác mở rộng biên giới sang nhà sản xuất âm nhạc, bằng thành công xây dựng “chân dài” Hồ Ngọc Hà trở thành một ca sĩ thực thụ, đã trở thành Nhạc sĩ của năm. Và Hồ Quỳnh Hương với một năm “phủ sóng” từ sân khấu ca nhạc tới truyền thông đã vượt qua các diva để trở thành Ca sĩ của năm đầu tiên của giải âm nhạc Cống hiến.

Cho tới hiện tại, Mỹ Linh là diva duy nhất trong “bộ tứ diva” (Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà) từng đoạt giải Ca sĩ của năm giải Cống hiến. Đó là năm 2006, năm Mỹ Linh đầy năng lượng và mới mẻ với tour diễn xuyên Việt chất lượng cao cả nghe lẫn nhìn. Nói như vậy để thấy là dù mang tên Cống hiến (khiến người ta hay nghĩ tới bề dày), nhưng “cống hiến” ở đây là những giá trị thực sự đóng góp cho sự phát triển của ca nhạc Việt Nam, là “chất” chứ không chỉ là “lượng”. Ngoài Thanh Lam (trong giải tiền Cống hiến 2004) thì diva Trần Thu Hà cũng một lần bước lên bục cao nhất giải Cống hiến (năm 2006) nhưng cũng là hạng mục album (Đối thoại ’06). Hồng Nhung là diva duy nhất chưa đoạt giải Cống hiến dù tên cô vẫn có trong bảng đề cử. Năm 2006 là năm trở lại lần thứ hai của Sao mai - Điểm hẹn ở giải Chương trình của năm (lần đầu trong giải tiền Cống hiến). Như vậy tới nay đây là chương trình duy nhất hai lần nhận được số phiếu bầu cao nhất.

Còn ở hạng mục Nhạc sĩ của năm, Võ Thiện Thanh hiện đang nắm giữ kỷ lục: anh là nhạc sĩ duy nhất nhận giải thưởng này hai năm liên tiếp (2006 và 2007). Vốn là cái tên quen thuộc trên thị trường âm nhạc trước đây, nhưng tới Chuông gió - Bài hát của năm tại cuộc thi Bài hát Việt, anh đưa dòng nhạc dance trở nên rực rỡ, góp phần quan trọng đưa Thu Minh “thăng hạng”... bằng ấy thứ đã đưa năm 2006 trở thành năm của Võ Thiện Thanh.

Còn người hai lần bước lên bục nhận giải trong cùng một năm là nhạc sĩ Đỗ Bảo. Album Cánh cung 2 - Thời gian để yêu, một “cuộc chơi” với pop mang đậm dấu ấn cá nhân của tác giả và cũng chính nhờ điều này, đã trở thành Album của năm 2008, trong khi tác giả của nó trở thành Nhạc sĩ của năm.

Trong khi ấy, Bài hát Việt là chương trình lọt vào đề cử hạng mục Chương trình của năm liên tiếp trong 4 năm liền và tới năm thứ tư, năm 2008 nó mới được “tâm phục khẩu phục”. Mỹ Tâm, ngôi sao có lực lượng fan hùng hậu trên cả nước, cũng phải mất vài năm chỉ vào được vòng đề cử, để đăng quang vị trí Ca sĩ của năm 2008 sau cú bứt phá ngoạn mục: 2 album và một show diễn lớn trong năm, với vẻ đẹp chín hơn của phong cách pop và mới mẻ hơn với dance. “Ngôi sao giải trí trên sân khấu nhạc Việt” - Hồ Ngọc Hà được xem là người tiên phong thành công ở khu vực này và danh hiệu Nữ ca sĩ của năm 2007 đã ghi nhận điều đó. Tuy nhiên, giải thưởng năm này của Hồ Ngọc Hà không được “trọn vẹn” vì 2007 là năm duy nhất hạng mục Ca sĩ của năm chia bảng: Nữ ca sĩ và Nam ca sĩ. Bởi thế, cùng chia vị trí này với Hà là Đàm Vĩnh Hưng. Một sự tiếc khác trong “lịch sử” Cống hiến là Vietnam Idol ngay sau khi đoạt giải Chương trình của năm 2007 thì “trục trặc” năm 2008 và “chấm dứt” vào năm 2009!

Giải Cống hiến 2009 đã in đậm chiến thắng ngoạn mục của Đức Tuấn khi giành cú đúp: Giải Ca sĩ của năm và giải Album của năm dành cho album Music Of The Night của anh. Giải Chương trình của năm thuộc về liveshow Người Tình (Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng); Giải Nhạc sĩ của năm thuộc về nhạc sĩ Hồ Hoài Anh.

Trang sử thứ 6 của Cống hiến đã mở ra với 20 cái tên nghệ sĩ, chương trình và album. Chỉ còn chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nữa thôi là những cái tên có nhiều “cống hiến” nhất trong năm 2010 sẽ được in đậm vào những trang vàng của giải thưởng này.

NHỮNG KỶ LỤC

Đức Tuấn giành cú đúp Cống hiến 2009

- Võ Thiện Thanh là nhạc sĩ giữ kỷ lục 2 năm liên tiếp 2006 và 2007 giành danh hiệu Nhạc sĩ của năm.

- Đỗ Bảo là nhạc sĩ giữ kỷ lục nhận hai giải trong một năm Cống hiến. Năm 2008 album Thời gian để yêu của anh đã giành giải Album của năm và Đỗ Bảo trở thành Nhạc sĩ của năm cũng năm đó.

- Đức Tuấn giữ kỷ lục đề cử ở một giải Cống hiến. Trong danh sách đề cử Cống hiến 2009, Đức Tuấn có mặt ở cả 3 hạng mục giải thưởng: Album của năm với Music of the Night, Chương trình của năm với concert cùng tên - Music of the Night, và Ca sĩ của năm.

- Cũng trong năm 2009, Đức Tuấn đã lập lại được kỷ lục của Đỗ Bảo: giành cú đúp với giải Album của năm và Ca sĩ của năm.

- Ngoài ra, có thể kể thêm đến kỷ lục của Sao mai - Điểm hẹn giải thưởng Chương trình của năm (năm 2004) và 2006)

TT&VH

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến