(Thethaovanhoa.vn) - Sau 10 vòng đấu, Juventus đứng thứ 13, kém đội đầu bảng đến 11 điểm. Họ thua đến 4 trong 10 trận. Câu hỏi đặt ra: nếu như phần còn lại của Serie A vẫn không thể chặn đứng một Juventus đã "sa sút đến mức tận cùng" như vậy, thì ai có thể cản bước một Juventus "bình thường"?
Đấy là câu chuyện của Serie A mùa trước. Juventus rút cuộc vẫn thắng 26/28 trận còn lại và vô địch với khoảng cách 9 điểm so với đội về nhì. Đấy chính là Juventus "bình thường". Thủ lĩnh Gianluigi Buffon chỉ cần lớn tiếng "quá đủ rồi" để lập lại trật tự. Anh giảng cho các cầu thủ mới thế nào là niềm kiêu hãnh khi được khoác áo "bà đầm già", rồi mọi chuyện lập tức vào guồng. Napoli và AS Roma là hai đội hiếm hoi trong phần còn lại của giải đủ tư cách chạy đua với Juventus - trước khi bị bỏ xa đến 9 và 11 điểm.
Mùa này chắc chắn sẽ không có chuyện Juventus "chấp 11 điểm trong 10 vòng đầu". Mùa này, chắc cũng chẳng còn là Juventus "bình thường" nữa. Họ đã chiêu mộ cả hai cầu thủ hay nhất của hai đối thủ đáng kể nhất - Miralem Pjanic của Roma và Gonzalo Higuain của Napoli. Còn gì có thể ngăn "bà đầm già" lập kỷ lục mới - 6 lần liên tiếp vô địch Serie A?
Đấy là một sự thống trị tuyệt đối? Chẳng còn gì để tranh luận nữa. Có chăng chỉ là câu hỏi: vì sao một mình Juventus lại thống trị Serie A - giải đấu từng có nhóm "bảy chị em" chia nhau quyền lực một cách đáng hãnh diện - đến mức độ tuyệt đối như thế?
Juventus đã vô địch Serie A mùa trước dù họ khởi đầu chậm chạp hơn so với các đối thủ
Một phần của câu trả lời nằm ở scandal Calciopoli, chấn động làng bóng đỉnh cao cách đây vừa chẵn 10 năm. Juventus bị xử rớt hạng. Zlatan Ibrahimovic, Patrick Vieira, Lilian Thuram, Gianluca Zambrotta... lần lượt ra đi. Khoảng 30 ngôi sao khác thậm chí bỏ luôn cả Serie A, tìm đến các giải đấu khác trong mùa hè năm ấy. Vốn đã thoái trào trên trận địa kinh tế, Serie A giờ càng tiêu điều. Inter tận dụng cơ hội để trở thành thế lực số 1. Với Juventus, cái mất lớn nhất không phải là việc bị tước danh hiệu vô địch trong 2 mùa bóng hoặc bị đày xuống Serie B. Niềm tự hào của "bà đầm già" đã bị tổn thương - đấy mới là điều đáng nói nhất.
Cũng ngay trong câu chuyện ấy, Juventus lại trở nên kiêu hãnh hơn bao giờ hết. Alessandro Del Piero vẫn ở lại, dù phải chơi bóng ở giải hạng Nhì. Anh tuyên bố: "Một quý ông đích thực không bao giờ bỏ phu nhân của mình". Pavel Nedved, David Trezeguet và Buffon cũng hành xử như thế. Vừa kiêu hãnh, lại vừa tổn thương, các ông chủ Juventus quyết định: trở lại Serie A là chuyện đương nhiên, nhưng Juventus sẽ phải trở lại một cách thuyết phục nhất. Họ phải trở lại để thống trị Serie A, trong mọi lĩnh vực chứ không phải chỉ trên sân cỏ. Ví dụ như những câu chuyện trước mắt: ngôi sao của những đội khác phải trở nên hãnh diện khi được... bỏ đội của họ, để bước vào hàng ngũ Juve!
Juve càng tổn thương, càng mạnh mẽ
Calciopoli tàn phá Serie A nhưng lại hun đúc niềm tự hào của Juventus và gián tiếp làm cho Juventus trở nên mạnh hơn chính họ ở thời điểm 10 năm trước. Kết quả là bây giờ, một mình Juventus bá chủ giải đấu mà tất cả các đội mạnh khác đều đã sa sút thảm hại. Họ đã chi tiêu quá lố trong thời kỳ trước khi Calciopoli bùng nổ và bây giờ trở thành các đội bóng trung bình hoặc nghèo. Đã vậy, Serie A không thể ngóc lên còn vì một thực trạng kỳ lạ khác: sân bãi không bao giờ yếu tố có thể giúp Calcio phát triển.
Juventus đã tạo bom tấn trong TTCN mùa Hè này bằng Gonzalo Higuain
Nguồn thu tại sân của AC Milan thường chỉ góp 10% vào tổng thu nhập của đội này - tức chỉ bằng phân nửa hoặc 1/3 tỷ lệ thường thấy trong cơ cấu thu nhập của bóng đá nhà nghề. Mà Milan đã là một trong những đội bóng khai thác nguồn thu tại sân khá nhất trong làng bóng Italia - cao hơn Inter, dù hai đội dùng chung sân San Siro. Nhìn chung, các sân bóng hàng đầu Italia đã xuống cấp hẳn kể từ khi nước này đăng cai World Cup 1990. Nguồn thu đã ít, lại phải đóng góp chi phí sửa sân, nên tình hình tài chính của các CLB Italia đều thảm hại. Điều đáng lưu ý: đa số sân bóng ở Italia thuộc về chính quyền hơn là đội bóng.
Bây giờ, "Bà đầm già" có hẳn cơ ngơi Juventus Stadium để mặc sức khai thác
Juventus là một trong ba đội có hẳn sân riêng ở Serie A (hai đội kia là Sassuolo và Udinese). Đây cũng là một nguyên nhân lớn khiến "bà đầm già" bỏ xa phần còn lại của Serie A. Từ hàng chục năm trước, giới hâm mộ Juventus đã luôn nguyền rủa cái sân bóng vô hồn Delle Alpi mà Juventus thuê làm sân nhà. Bây giờ, "bà đầm già" có hẳn cơ ngơi Juventus Stadium để mặc sức khai thác. Chả trách Juventus "vô đối" về mặt chuyên môn mà cả trên trận địa kinh doanh nữa. Có tiền, có truyền thống, lại có cả thành tích hiện tại, Juventus mà không thu hút mọi cầu thủ tốt nhất trên sân cỏ Italia thì đấy mới là chuyện lạ. Ngược lại, chúng ta có thể hình dung khả năng kinh doanh sân bãi (vốn chỉ là sân mướn) của các đội bóng khác bằng cách nhìn vào sân Delle Alpi. Nó chỉ tồn tại đúng 16 năm. Không khó suy ra chất lượng của các sân bóng cùng thế hệ với nó
Calcio nổi tiếng bao nhiêu trong lĩnh vực chiến thuật thì lại có vẻ hời hợt bấy nhiêu trong lĩnh vực kinh doanh. Mà muốn thành công trong bóng đá đỉnh cao, trước tiên cứ phải kinh doanh thật giỏi.
Đỉnh cao châu Âu còn xa
Tất nhiên, bóng đá đỉnh cao còn phải bao gồm yếu tố chuyên môn nữa. Nhiều người thắc mắc vì sao Juventus thống trị Serie A một cách tuyệt đối nhưng lại có vẻ thua sút các đại gia bên ngoài, ở trận địa Champions League. Thật ra, Juventus cũng đã lọt vào chung kết Champions League 2015. Nhưng cũng đúng: ít ai kỳ vọng Juventus lên ngôi vô địch châu Âu tầm CLB. Nguyên nhân có lẽ nằm ở sự xuống cấp chung của Calcio.
Tài năng, cần mẫn và khiêm nhường, Paulo Dybala có đủ những tố chất cần thiết để vươn đến đẳng cấp của người đàn anh.
Hồi những năm 1990, ngôi sao hàng đầu thế giới đương nhiên phải tìm đường đến Calcio, cứ như nếu không được chơi bóng ở đấy thì chưa phải là ngôi sao hàng đầu. Serie A hồi ấy thực sự là kinh đô bóng đá. Mọi lối chơi, mọi trường phái, mọi quan điểm, đều có tinh hoa hiện diện ở Serie A. Với toàn bộ tính sáng tạo và sự điêu luyện trong lối chơi thiên hẳn về công, Juan Veron phải tự điều chỉnh sao cho anh vẫn có thể để dành một mắt nhìn về hàng thủ của mình, khi đang tấn công! Hernan Crespo thì phải "rượt" hậu vệ đối phương đến tận cột cờ góc để tranh chấp, phải lùi về tận sân nhà để kiếm bóng, tự tạo cơ hội cho mình, phải lưu lại dấu giày trên khắp phần sân đối phương trong mỗi hiệp đấu.
Tóm lại, Serie A ngày xưa khốc liệt như vậy nên khi bước ra các cúp châu Âu, đại diện Serie A khi nào cũng có đẳng cấp chuyên môn rất cao. Đối phương thuộc trường phái nào, muốn đá kiểu nào, các đội bóng Italia cũng hóa giải dễ dàng. Giờ thì ngược lại. Juventus hầu như không có đối thủ cân sức, nên chính họ cũng thui chột phần nào về mặt chuyên môn. Bây giờ, họ không có dịp nghiền ngẫm, tập trung, quyết chiến hàng tuần với những siêu sao cỡ Papin, Van Basten, Gullit, Rijkaard, Weah, Batistuta, Veron... như trước nữa. Tiếc lắm thay!
Tân Gia
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần