Vì sao các nhóm K-pop nữ thường… đoản thọ?

Thứ Ba, 22/1/2019, 7:26 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần trước, Sojin của nhóm nhạc K-pop nữ Girl’s Day quyết định rời khỏi công ty quản lý Dream T Entertainment, khi hợp đồng của cô sẽ hết hạn vào tháng 2. Tuyên bố này khiến người hâm mộ bị sốc. Họ đặt câu hỏi: liệu đây có phải là khúc dạo đầu cho sự tan rã của nhóm nhạc nữ gồm 4 thành viên này sau 9 năm “sát cánh”?

Sao K-pop gây tranh cãi với những bộ trang phục ‘quá lố’

Sao K-pop gây tranh cãi với những bộ trang phục ‘quá lố’

Khi các ngôi sao K-pop trình diễn trên sân khấu với những bộ trang phục hở quá “bạo”, nhiều người hâm mộ có tư tưởng bảo thủ thấy “gai mắt”, giới phê bình thấy “sốc” trong khi nhiều cư dân mạng coi những bộ trang phục ấy không phù hợp.

Mặc dù Dream T Entertainment phủ nhận chuyện này nhưng có nguồn tin nói rằng các thành viên khác của Girl’s Day là Yura, Minah và Hyeri đều đang thương thảo với các công ty quản lý khác để theo đuổi các hoạt động cá nhân, khi các hợp đồng của họ hết hạn vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Ban nhạc Girls’ Day sắp tan rã?

Không thể “chống đỡ” được tuổi tác

Tuy nhiên, sự ra đi của Sojin không hoàn toàn gây bất ngờ. Ra mắt hồi năm 2010, Girl’s Day là một trong những nhóm nhạc nữ hiếm có tồn tại được qua “lời nguyền 7 năm”, bởi thực tế cho thấy, các nhóm nhạc thường có xu thế giải thể hoặc mất thành viên trong quá trình thực hiện hợp đồng đó.

Thực tế, các nhóm nhạc nữ 2NE1, 4Minute và Sistar đã “tan đàn xẻ nghé” sau 7 năm sát cánh bên nhau, trong khi đến năm thứ 7 thành viên Jessica đã rời khỏi nhóm Girl’s Generation, còn Sunye và Sohee đã chia tay với Wonder Girls.

Chú thích ảnh
Nhóm Girls’ Generation

Không giống các nhóm nhạc nam, thường trụ vững trong thời gian dài dù các thành viên đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc, rất ít các nhóm nhạc nữ chịu được thử thách của thời gian.

Lý do đằng sau thực tế này là gì? Các nhà nghiên cứu nói rằng tuổi tác là nhân tố quan trọng - trong một nền công nghiệp vốn coi trọng người “càng trẻ càng tốt”.

“Khảo sát cho thấy, một khi nhóm nhạc nữ chạm đến độ tuổi nhất định thì danh tiếng của họ có xu hướng giảm”, Lee Taek Gwang, nhà phê bình văn hóa và cũng là GS truyền thông của ại học Kyung Hee nói. “Đây là chuyện thường thấy. Rất nhiều nhóm nhạc nữ nổi tiếng vì họ có hình ảnh trẻ trung, dễ thương, ngây thơ. Và khi trưởng thành, hình ảnh đó khó có thể duy trì nên họ bị thay thế bởi các nhóm nhạc trẻ trung hơn”.

Chú thích ảnh
Nhóm nhạc Wonder Girls

Thống kê cho thấy: tuổi trung bình của các thành viên trong Wonder Girls là 16 khi nhóm nhạc này ra mắt làng K-pop năm 2007. Girl’s Generation ra mắt cùng năm đó và tuổi trung bình của mỗi thành viên là 18. Các thành viên của nhóm Twice có độ tuổi trung bình là 18 khi ra mắt hồi năm 2015 và tuổi trung bình của nhóm April là 16 khi xuất hiện cùng thời điểm (thành viên trẻ tuổi nhất, Jinsol, chỉ mới 14 tuổi ở thời điểm đó). Các thành viên của Red Velvet và Black Pink có độ tuổi trung bình là 20 khi lần lượt xuất hiện vào năm 2014 và 2016. Chỉ có vài ngoại lệ, còn nói chung các ngôi sao K-pop nữ đều ở tuổi 20 hoặc trẻ hơn một chút khi gia nhập làng giải trí.

Trong khi đó, các nhóm nhạc nam cũng ra mắt ở độ tuổi tương tự nhưng họ lại kéo dài được “tuổi thọ” hơn. Điều này được chứng minh bởi các nhóm nhạc nam như: Shinhwa đã hoạt động được 20 năm, Super Junior (14 năm), Big Bang (13 năm) và SHINee (11 năm). Như vậy, đối với các nhóm nhạc nam tuổi tác không phải là vấn đề.

Chú thích ảnh
K-pop girl group

Tìm hướng đi mới sau “lời nguyền 7 năm”

“Cuộc sống” ngắn ngủi của một nhóm nhạc nữ thành công, thường không quá 5 – 7 năm. Có nghĩa, các thành viên phải tìm cách tìm được hướng đi mới nếu như vẫn muốn theo đuổi sự nghiệp trong ngành giải trí.

Nhiều giọng ca có xu hướng hoạt động solo, như trường hợp của Bada thuộc nhóm S.E.S., Lee Hyori (Fin.K.L.), HyunA (4Minute), Sunmi (Wonder Girls), Hyorin (Sistar) và CL (2NE1). Cũng có nhiều ngôi sao lựa chọn con đường diễn xuất. Xem truyền hình, người hâm mộ có thể dễ dàng nhìn thấy các thành viên của các nhóm nhạc thần tượng xuất hiện trong các bộ phim truyền hình hoặc phim điện ảnh.

Cụ thể, Hyeri và Minah của Girl’s Day đều đã tạo dựng được sự nghiệp diễn xuất thành công kể từ khi họ tham gia diễn xuất trong loạt phim Reply 1988 (Lời hồi đáp 1988) hồi năm 2014 và Beautiful Gongshim (Gong Shim đáng yêu) hồi năm 2016. Còn Uee thuộc nhóm After School và Suzy (Miss A) hiện đang nằm trong số các nữ diễn viên được “săn lùng” nhất.

Chú thích ảnh
Suzy trong phim Uncontrollably Fond (Yêu không kiểm soát)

Đó chính là lý do tại sao các công ty quản lý lớn đang tuyển mộ những cô gái đa năng: có thể hát, sáng tác ca khúc, diễn xuất và trình diễn vũ đạo điệu nghệ. Điều này cho phép họ có thể thay đổi được hướng đi sự nghiệp của mình trong tương lai.

Thực ra, khi đặt bút ký hợp đồng, cả công ty quản lý và các thành viên của các nhóm nhạc nữ đều biết rằng khi kết thúc “lời nguyền 7 năm” khét tiếng thì cũng là lúc tuổi của các thành viên đạt ngưỡng giữa 20 tuổi hoặc đầu 30. Năm thứ 7 của hợp đồng cũng là thời điểm hầu hết các hợp đồng hết hạn, theo quy định của Ủy ban Thương mại quy định rằng, hợp đồng giữa các nghệ sĩ và công ty quản lý không được kéo dài quá 7 năm.

Sau 7 năm, các nghệ sĩ có thể quyết định ký hợp đồng mới hoặc chấm dứt. Thông thường, vài thành viên có thể tìm được các điều khoản tốt hơn khi đến với công ty quản lý khác và đó là một trong những lý do khiến nhiều nhóm nhạc nữ giải thể.

“Nếu một nhóm nhạc nữ đạt đến đỉnh cao trong vòng 3 – 5 năm kể từ khi ra mắt, các công ty quản lý sẽ cố gắng hết sức để gia hạn hợp đồng bằng cách chia lợi nhuận tốt hơn cho mỗi thành viên nổi tiếng”, một người (giấu danh) hoạt động trong ngành giải trí Hàn Quốc cho biết. “Do chênh lệch về chia lợi nhuận, một số thành viên quyết định rời khỏi công ty hoặc tìm tới các công ty khác với những lời mời chào có ưu đãi hơn, khiến cho nhiều nhóm nhạc phải giải thể”.

Các nhóm nhạc nam “thọ” nhờ lượng fan “khủng”

Các nhóm K - pop nam có xu hướng vẫn sát cánh bên nhau bất chấp sự chênh lệch về phân chia lợi nhuận, bởi họ biết rằng, họ sẽ tốt hơn khi ở bên nhau và họ có lượng fan mạnh mẽ hơn, lớn hơn khi hoạt động nhóm.

Thực tế này cũng do bởi các nhóm nhạc nam kiếm lợi nhuận chủ yếu từ các chương trình hòa nhạc, lượng bán ra từ album và quảng cáo, tất cả đều cần có sự tham gia của các thành viên.

Lượng fan lớn hơn và trung thành hơn là nhân tố chính quan giúp cho “tuổi thọ” của các nhóm nhạc nam kéo dài. Trong nền công nghiệp K-pop, các nhóm nhạc nam có lợi thế khi người hâm mộ nữ chiếm đa số.

Có những nhóm nhạc nữ có lượng fan hùng hậu như Girl’s Generation và Twice, nhưng kể cả như vậy thì lượng fan của họ cũng còn thua xa các nhóm nhạc nam về quy mô, sự tân tậm và cả việc “mạnh tay” chi tiền.

Việt Lâm (tổng hợp)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến