(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua tại TP.HCM, đạo diễn Charlie Nguyễn và công ty FAM Central đã tổ chức tọa đàm Film Futuristic (tạm dịch: Tương lai phim ảnh), với tham vọng cùng điện ảnh Việt tiệm cận trình độ phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, với tư duy, phương cách và phương tiện làm phim mới.
Phim "Chàng vợ của em" dự kiến công chiếu ngày 24/8/2018 là một sản phẩm có nhiều điểm mới lạ của Charlie Nguyễn, nơi anh muốn lột xác chính mình. Đây cũng là phim đánh dấu lần thứ 7 mà Thái Hòa và Charlie Nguyễn hợp tác.
Ngoài Charlie Nguyễn, buổi tọa đàm còn có với sự tham gia của các chuyên gia như Timothy Linh Bùi và Lâm Nguyễn (từ điện ảnh), Lynn Hoàng và Huy Nguyễn (từ công nghệ blockchain - chuỗi khối mã hóa). Vậy là sau khi Cổng trời dùng công nghệ NFT của blockchain để phát triển mỹ thuật Việt, giờ FAM Central dùng blockchain để phát triển điện ảnh Việt.
Blockchain trong điện ảnh là gì?
Gần như tiếp nối các nền tảng kỹ thuật số và mạng, blockchain (chuỗi khối mã hóa) mới ra đời vài năm, nhưng đã mở ra một xu hướng ứng dụng rộng lớn cho nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo. Sở dĩ blockchain nhanh chóng thu hút nhiều người là vì nó giúp chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin và dữ liệu một cách minh bạch, tiết kiệm lưu trữ, bảo mật tuyệt đối, chống gian lận, chống thay đổi nội dung.
Trong 2 năm Covid-19, Charlie Nguyễn kể rằng việc ra hiện trường sản xuất phim gặp vô số khó khăn, rồi tình cờ anh gặp nhiều chuyên gia blockchain tại Sài Gòn, đã tìm hiểu công nghệ này. Những người cùng chí hướng đã lập ra FAM Central, mà các mục tiêu đầu tiên là dùng blockchain để kêu gọi vốn sản xuất, kêu gọi chuyên gia làm phim, rồi rộng hơn, để góp sức phát triển điện ảnh Việt.
Riêng khía cạnh phát triển điện ảnh Việt, FAM Central cho rằng blockchain có được những ưu thế mà các mô hình trước đây khó so bì. Đầu tiên, đó là sự minh mạch, chính xác trong các khâu sản xuất phim, mà kêu gọi đầu tư chỉ là một trong số đó. Ví dụ khi phía sản xuất muốn tìm hiểu, thăm dò một diễn biến, hoặc một cái kết cho kịch bản từ khán giả, nếu dùng blockchain để triển khai, thì mọi ý kiến đóng góp đều được thu nhận công khai, nhưng vẫn rất bảo mật. Blockchain kết hợp các tính năng đại chúng, riêng tư và mã hóa một cách linh hoạt, không sợ mất bản quyền hoặc bị sao chép sáng tạo.
Thứ hai, đó là xu thế, nơi các nền điện ảnh lớn đều đã nhanh chóng nhập cuộc và sử dụng blockchain như là một kênh bổ túc cho việc làm phim. FAM Central cho rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ các điều kiện về nhân lực và vật lực để tham gia vào công nghệ này. Nó cũng tương tự như việc xuất hiện của Netflix vài năm trước, một công cụ phát hành phim mới, không dùng hệ thống rạp chiếu, Việt Nam cũng đã tham gia khá cập nhật.
“Có được điều này là nhờ vào tính bình đẳng của công nghệ mới, chứ trước đây, nếu nghĩ ra được một công nghệ mới nào, nhà sản xuất thường muốn giữ bí mật hoặc độc quyền khai thác. Blockchain là công nghệ còn rất mới mẻ với các nước phát triển, nhưng cơ hội sử dụng thì lại ngang nhau ở mọi quốc gia, ấy là điều thú vị” - Charlie Nguyễn nói.
FAM Central còn muốn trao quyền cho khán giả để họ lần đầu tiên có thể trực tiếp góp phần tạo ra giá trị nghệ thuật và cả tài chính có ý nghĩa đối với từng dự án nghệ thuật, giải trí.
Tại sao cần tiệm cận trình độ Hàn Quốc?
Với hơn 20 năm làm phim tại Việt Nam, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Điều tôi mong muốn trong đời là nhìn thấy sự chuyên nghiệp của điện ảnh Việt Nam có thể sánh ngang với Hàn Quốc”.
Tại sao lại là Hàn Quốc? Charlie Nguyễn giải thích: “Chừng 25 năm trước thôi, điện ảnh Hàn Quốc còn khá non yếu, người dân Hàn Quốc chủ yếu xem phim ngoại nhập. Nhưng bây giờ họ đã là nền điện ảnh hàng đầu thế giới, nơi mà phim Hàn luôn được người Hàn ưu tiên chọn lựa. Việt Nam cũng tương tự như vậy, chừng 5 năm trước thôi, người Việt vẫn còn ưu tiên xem phim ngoại nhập, bây giờ thì đã khác, trong Top 20 phim có doanh thu cao nhất, phim Việt đã chiếm đa số, vượt cả các siêu bom tấn nhập từ Hollywood”.
Charlie Nguyễn nói thêm: “Nhưng điều quan trọng nhất, đó là Việt Nam có thể học hỏi được nhiều điều thiết thực từ Hàn Quốc hơn là các nền điện ảnh khác, thực tế công việc trong 10 năm qua đã chứng minh cho điều này. Hàn Quốc đã chi nhiều tỷ USD vào thị trường phim ảnh tại Việt Nam, từ xây rạp chiếu hiện đại, đầu tư công nghệ sản xuất, cung cấp nhân lực cho đến giúp tiếp thị, quảng bá phim ra quốc tế. Bây giờ Hàn Quốc cũng rất tiên phong trong việc áp dụng thêm công nghệ blockchain vào làm phim”.
Khi phim Để Mai tính 2 đạt doanh thu 101,3 tỷ đồng vào năm 2010, chủ tịch của Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) đã bay qua Việt Nam ăn tối với Charlie Nguyễn. Trong cuộc trò chuyện, Charlie Nguyễn tò mò về hành động này, vì doanh thu có đáng gì đâu nếu so với Hàn Quốc nhưng là nơi CJ có đầu tư. Ông chủ tịch này nói vì nhìn thị trường phim Việt lúc bấy giờ rất giống Hàn Quốc khoảng 15 năm trước, nên thấy gần gũi và xúc động, điều mà ông ít thấy ở các thị trường khác. Sau chuyến đi nhiều cảm xúc này, trong 10 năm qua, CJ đã đầu tư rất mạnh mẽ vào thị trường phim Việt.
Như Hà