(Thethaovanhoa.vn) - Theo Box Office Vietnam, tính đến 20h ngày 23/3/2021, phim Bố già đã thu về hơn 312 tỷ đồng, trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam, vượt mặt cả siêu bom tấn Avengers: Endgame, từng đạt hơn 272,9 tỷ đồng vào năm 2019.
Tính đến 14h ngày 19/3, sau gần 14 ngày chiếu rạp kể từ 18h ngày 5/3, phim Bố già đã chạm mốc doanh thu 290 tỷ đồng, chính thức vượt Avengers Endgame - trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.
Câu chuyện của Bố già khá giản dị, đó là do khác biệt về cách yêu thương, cách hy sinh giữa 2 cha con Ba Sang và Quắn - cũng là 2 thế hệ, 2 lối sống - mà dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn.
“Ít xạo” thì thường thắng thế
Ngoài Bố già, 10 phim điện ảnh Việt Nam có doanh thu cao tiếp theo là Hai Phượng, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Tiệc trăng máu, Em chưa 18, Gái già lắm chiêu 3, Lật mặt: Nhà có khách, Siêu sao siêu ngố, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Em là bà nội của anh. Nhìn vào danh sách này, có thể thấy chủ đề gia đình luôn là trọng tâm của thành công, ngay cả với phim hành động Hai Phượng thì cũng là hành trình cứu con gái bị bắt cóc.
Chỉ có mỗi phim Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử là hơi “chệch hướng” một chút, khi đề cập đến tình nghĩa và danh dự trong giới giang hồ. Thế nhưng, hành trình giải oan cho Kẽm Gai của Chị Mười Ba lại mang dáng dấp của tình chị em ruột thịt, nặng hơi hướng gia đình.
Tuy nhiên, không phải cứ chủ đề gia đình là thắng lớn về doanh thu, nếu phim không đáp ứng được tối thiếu 3 tiêu chí sau. Thứ nhất, phim phải được làm tương đối nghiêm túc, chắc tay, hướng đến sự chỉn chu trong dàn dựng, mượt mà trong cách thể hiện, kể chuyện. Thứ 2, phim phải chạm đến cảm xúc người xem bằng các tình huống đời thường, chân thật nhất có thể. Thứ 3, phải có đủ may mắn khi chọn đúng thời điểm ra tạp, rơi đúng nhu cầu mua vé của khán giả.
Có thể Bố già, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc, Lật mặt: Nhà có khách… chưa thật hoàn chỉnh ở khía cạnh thứ nhất, nhưng ở khía cạnh thứ 2 và thứ 3 thì khá phù hợp, nên được yêu thích.
Có nhiều phim được làm khá hoàn chỉnh ở khía cạnh thứ nhất, nhưng với khía cạnh thứ 2 thì xem thấy “xạo quá đi”, thấy “không phải Việt Nam mình” là ít người mua vé. Chính vì vậy mà có nhiều phim dù “giương cao ngọn cờ” gia đình nhưng vẫn thất bại phòng vé, vì nó không gần gũi, nó vay mượn hoàn cảnh và tâm lý nước ngoài. “Đã phải hơn 20 năm theo dõi phim Việt Nam chiếu rạp, tôi mới được xem một bộ phim Việt nguyên bản trọn vẹn và chạm đến trái tim tôi” - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng chia sẻ về Bố già.
Cho nên, nếu hỏi về thị hiếu của số đông khán giả Bố già, thì có lẽ cũng là thị hiếu khá quen thuộc từ phim Gái nhảy (2003) đến nay, nơi câu chuyện phải được kể có cảm xúc tương đối chân thật.
Vai chính nói giọng Nam là một ưu thế
Trong 11 phim Việt có doanh thu cao nhất, chỉ có 2 phim mà vai chính/thứ chính nói giọng Bắc, gồm Em là bà nội của anh và Gái già lắm chiêu 3. Điều này cũng khá tự nhiên, khi mà thị trường bán vé chỉ riêng tại TP.HCM thường chiếm từ 40 đến hơn 75% doanh thu của một bộ phim, với Bố già cũng không phải là ngoại lệ. Chưa kể thời điểm phim này ra rạp tại TP.HCM, ở nhiều tỉnh thành, khán giả còn rất e dè vì đại dịch Covid-19.
Tại kinh đô điện ảnh Hollywood cũng vậy thôi, những phim thương mại, bom tấn thường chọn vai chính/thứ chính có giọng nói mà đa số khán giả khu vực Bắc Mỹ dễ nghe, thấy yêu thích. Điều này càng đúng tại Trung Quốc, Ấn Độ (Bollywood), Nigeria (Nollywood), những nền điện ảnh lớn nhất thế giới, nơi mà tiếng nói, giọng nói vùng miền có những dị biệt rất rõ rệt.
Trong các điểm ưu trội của Bố già, lời thoại là một thắng thế, nó đầy chất đời sống, có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều khu phố nghèo, hẻm dân lao động ở TP.HCM. Đỉnh điểm nhấn là câu bày tỏ sự thương con của Ba Sang bằng tiếng chửi thề đã lấy nước mắt của quá nhiều khán giả, mạng xã hội dẫn lại nhiều vô số kể.
Nhiều người nói dân TP.HCM thường sống dửng dưng, nhà ai nấy biết, nhưng thực tế không phải vậy, khi “đụng chuyện” sẽ thấy nghĩa tình đúng là một giá trị đặc trưng của thành phố này. Theo một khảo sát trên mạng, khi hỏi rằng khán giả ở nơi đâu dễ bày tỏ cảm xúc khóc cười nhất, đa số đã chọn TP.HCM. Với nhiều khán giả TP.HCM, tác phẩm nào mà làm họ khóc hoặc cười một cách vô tư, họ sẽ ủng hộ hết lòng, mua vé đi xem nhiều lần là bình thường. Ví dụ, nếu đổi tên phim từ Bố già thành Ba Sang có khi còn tự nhiên hơn và sát với câu chuyện hơn, vì “bố già” là một âm vang đã gắn với nhân vật một ông trùm tội phạm quốc tế. Nhưng vì phim chạm đã đến cảm xúc, làm khán giả khóc, nên đa số cho qua cái tựa hơi không ăn nhập này.
Trailer phim "Bố già":
Không phải người Việt ghét phim đánh nhau
Có một điều khá phổ biến từ phim Dòng máu anh hùng (2007) đến nay là nhiều khán giả Việt có vẻ không thật thích xem các phim thể loại chiến tranh, hành động, võ thuật do người Việt sản xuất. Xét về mặt bằng chung, nếu so với Hai Phượng, thì các phim như Lửa Phật, Thiên mệnh anh hùng, Huyền thoại bất tử, Bẫy rồng, Mỹ nhân kế, Truy sát, Kungfu phở, Võ sinh đại chiến, Sám hối… cũng khá đáng xem, nhưng nhìn chung đều thất bại về doanh thu. Thế nhưng với các phim ngoại nhập thì khác, thể loại hành động, viễn tưởng vẫn rất đông người xem. Ví dụ Avengers: Endgame (thu hơn 272,9 tỷ đồng), Fast And Furious: Hobb And Shaw (hơn 150,1 tỷ), Spiderman: Far From Home (hơn 110,9 tỷ), Captain Marvel (hơn 93 tỷ)…
|
Văn Bảy